Kết quả sau 03 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 16/12/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 12-NQ/TU), nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân cùng chung tay tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”. Trên cơ sở nội dung phát động, các cơ quan, đơn vị đã chủ động, tích cực hưởng ứng và đề ra các phong trào thi đua của đơn vị, địa phương, nổi bật như: “Tuổi trẻ Đắk Nông chung tay xây dựng nông thôn mới"; “Phụ nữ Đắk Nông chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới; “Nông dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông chung tay xây dựng nông thôn mới”,... thông qua các phong trào thi đua đã truyền tải các nội dung về xây dựng nông thôn mới và các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Công tác tuyên truyền, vận động về xây dụng nông thôn mới được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm triển khai, thực hiện, các cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình đã tích cực, chủ động xây dựng các chuyên trang, chuyên mục và dành nhiều thời lượng để đưa tin tuyên truyền về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn được các đơn vị, địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan thông qua pano, áp phích, tờ rơi,... tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo, trang, nhóm cộng đồng tại đơn vị, địa phương; đồng thời các đơn vị, địa phương đã lồng ghép giữa công tác chuyên môn gắn với tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới vào các cuộc họp, hội nghị, từ đó từng bước nâng cao nhận thức, ý thức của Nhân dân trong việc triển khai, thực hiện các nội dung của Chương trình.
Tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giao thực hiện Chương trình, giai đoạn 2021-2024 là 922 tỷ 358 triệu đồng (trong đó, vốn đầu tư phát triển 715 tỷ 461 triệu đồng, vốn sự nghiệp 206 tỷ 897 triệu đồng). Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, đến nay, thành phố Gia Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Đắk R’Lấp có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Cư Jút có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Đắk Mil có 8/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Đắk Song có 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Krông Nô có 6/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Đắk Glong có 1/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Tuy Đức chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 40/60 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 66,7%, tăng 11 xã so với năm 2020.
|
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao Quyết định công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới cho thành phố Gia Nghĩa (ngày 30/9/2022).
|
Với 66,7% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh Đắk Nông đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên về tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh Lâm Đồng đạt 100% (tỷ lệ xã nông thôn mới của khu vực Tây nguyên đạt 59,9%).
Triển khai thực hiện phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, người dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động tham gia đóng góp kinh phí hàng trăm tỷ đồng, cùng với ngày công, hiến đất đai, hoa màu,... để thực hiện Chương trình. Từ đó góp phần làm cho bộ mặt vùng nông thôn ngày càng khởi sắc, đổi mới, văn minh hơn; cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đáp ứng nhu cầu thiết yếu cùa người dân nông thôn; chất lượng giáo dục, y tế và phát triển văn hóa được nâng cao; hệ thống chính trị tiếp tục được cùng cố vững chắc, an ninh trật tự nông thôn luôn được giữ vững; thu nhập và điều kiện sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: công tác tuyên truyền, vận động chưa liên tục, sâu rộng; một số nơi người dân chưa phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, cho rằng đây là trách nhiệm hoàn toàn của cấp ủy Đảng và chính quyền. Việc bố trí cán bộ phụ trách công tác tham mưu xây dựng nông thôn mới ở các cấp, nhất là ở cấp huyện và cấp xã còn bất cập và chủ yếu là kiêm nhiệm; trình độ năng lực cán bộ ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu và thường xuyên có sự thay đổi. Chất lượng đạt chuẩn nhiều tiêu chí chưa cao, thiếu chiều sâu, chưa thật sự bền vững; công tác duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới ở một số xã sau khi đạt chuẩn còn hạn chế…
Nghị quyết số 12-NQ/TU đề ra mục tiêu đến cuối năm 2025, có ít nhất 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mầu; bình quân toàn tỉnh đạt từ 17,2 tiêu chí nông thôn mới/xã, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí nông thôn mới; phấn đấu có thêm ít nhất 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc, thời gian tới để hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu Nghị quyết số 12-NQ/TU đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản pháp lý phù hợp với tình hình mới và điều kiện thực tế tại địa phương để tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả Chương trình. Kịp thời tham mưu ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, các văn bản pháp lý thực hiện Chương trình theo chỉ đạo, hướng dần của các bộ, ngành Trung ương.
Thứ hai, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các cơ chế, chính sách, mục tiêu, nội dung Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; tổ chức thực hiện sâu rộng phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tập huấn về xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu theo các nội dung thành phần, các Chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của địa phương.
Thứ ba, ưu tiên bố trí nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các địa phương phấn đấu đạt chuẩn năm 2024, năm 2025 nhằm thực hiện đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chí còn lại theo quy định. Tập trung huy động, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… để thực hiện các nội dung, mục tiêu chung của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, tập trung rà soát, đánh giá để kịp thời điều chỉnh hoặc lập mới quy hoạch chung xây dựng xã gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa theo quy định pháp luật về quy hoạch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn nông thôn nhằm từng bước hoàn thiện, đáp ứng theo quy định của các bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Thứ năm, tập trung phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, quan tâm phát triển khâu bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản; chuẩn hóa sản phẩm và quảng bá, xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị sản phẩm. Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả, sâu rộng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng nâng cao chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh và hướng tới xuất khẩu; quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình, về các sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP. Triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả 8 bộ tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, gồm: huyện nông thôn mới; xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; thôn nông thôn mới, mô hình thôn nông thôn mới thông minh; khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; vườn mẫu-rẫy mẫu trong xây dựng nông thôn mới.
Ngọc Hân