Một số kết quả nổi bật về việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam
Hiện nay theo thống kê toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng trên 4.310 người tham gia kháng chiến và con em họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; số người đã được giám định là 1.851 người hoạt động kháng chiến trực tiếp và gián tiếp bị nhiễm chất độc hóa học; số nạn nhân đã được hưởng chế độ là 1.341 nạn nhân trên toàn tỉnh; hiện nay có 6/8 huyện, thành phố đã thành lập tổ chức hội.
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phổ biến kịp thời Thông báo kết luận 292-TB/TW, ngày 18/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X), về việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Thông báo 292-TB/TW); chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp hội củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Chỉ đạo các ngành quan tâm chăm lo cho nạn nhân da cam, những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con, cháu, chắt của họ, tổ chức giám định để đủ các điều kiện được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước; giải quyết kịp thời đơn thư kiến nghị của công dân có liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách, công tác hoạt động hội đối với Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh; có chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nạn nhân chất độc da cam, quan tâm sửa chữa và xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn sản xuất, trao học bổng, hỗ trợ khám chữa bệnh, thăm hỏi tặng quà nhân ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc. UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã đẩy mạnh công tác truyền thông - giáo dục, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đồng hành cùng tổ chức hội, đồng tình ủng hộ, hưởng ứng phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin”, phối hợp chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho nạn nhân nhân chất độc da cam/dioxin.
Tỉnh Đắk Nông thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, thống kê, lập hồ sơ xét duyệt cho 1.008 nạn nhân, nâng tổng số đối tượng được hưởng trợ cấp lên hơn 1.221 người. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại cộng đồng được quan tâm chu đáo; 100% Nạn nhân được cấp thẻ bảo hiểm y tế, thường xuyên điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Tổ chức hội thật sự là tổ ấm của nạn nhân và gia đình nạn nhân, đã được cộng đồng và xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác quán triệt, triển khai thực hiện Thông báo số 292-TB/TW ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn hạn chế, việc tuyên truyền và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin chưa thường xuyên. Một số địa phương chưa thực hiện tốt chính sách đối với người tham gia kháng chiến, Nạn nhân chất độc da cam chưa được giám định để nhận chế độ, chính sách; việc giám sát tổ chức thực hiện chính sách còn hạn chế. Vai trò của hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở một số nơi chưa phát huy trách nhiệm. Năng lực của một số cán bộ hội nhất là cơ sở còn hạn chế trong việc tiếp cận và chăm sóc nạn nhân chất độc da cam.
Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tiếp tục thực hiện Thông báo Kết luận 292-TB/TW trong thời gian tới:
Một là, các cấp ủy đảng tăng cường, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại địa phương, đơn vị. Tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường sống và sức khỏe con người là việc cấp thiết trước mắt và quan trọng lâu dài, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Hai là, cấp ủy Đảng, chính quyền, UBMTTQ các cấp, các ngành, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dung Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 14/6/2016 của Tỉnh ủy Đắk Nông về triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Ba là, đẩy mạnh công tác truyền thông - giáo dục, tuyền truyền, vận động để tạo sự chuyển biến tích cực, đồng bộ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về thảm họa da cam và việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tích cực vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, tích cực thường xuyên ủng hộ góp phần thiết thực vào cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, tham gia chăm sóc, giúp đỡ, xoa dịu nỗi đau da cam. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thường xuyên gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; kịp thời nêu gương “Người tốt, việc tốt”, xây dựng các điển hình tiên tiến; thực hiện tốt công tác thi đua - khen thưởng.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tiêu cực khi thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Năm là, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, kinh phí cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin; phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cấp hội; xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng gắn với công tác quy hoạch, đào tạo đảm bảo tính kế thừa thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hội, nhất là cơ sở.
Sáu là, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, UBMTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác truyền thông - giáo dục, tuyền truyền, vận động; đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động nguồn lực góp phần tích cực vào công tác chăm sóc, giúp đỡ và thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Thường xuyên nắm bắt tình hình, kết quả giải quyết chất độc hóa học ở địa phương, đơn vị, phối hợp tham mưu chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Nguyễn Thị Thu Thúy – Ban Dân vận Tỉnh ủy.