Nhân tố quyết định làm nên sức chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Sức mạnh của quân đội cách mạng là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó, con người đóng vai trò quyết định, vũ khí là yếu tố quan trọng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong mối quan hệ giữa con người và vũ khí thì con người giữ vai trò quyết định, “Vũ khí tốt mà tinh thần hèn, thì cũng vô dụng” và “không thể cậy vũ khí mà có thể quyết định được thắng lợi. Phải xem những người cầm vũ khí có phải là những chiến sĩ hăng hái đánh trận không”.
Tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng trong điều kiện kinh tế nghèo nàn, vũ khí ít ỏi và lạc hậu, điều duy nhất Việt Nam có được là con người, cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra lời giải duy nhất đúng cho bài toán của chiến tranh Việt Nam, đó chính là phát huy nhân tố con người, lấy tinh thần, ý chí con người để thắng sức mạnh của vũ khí, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong hoạt động quân sự, coi đây là phương hướng cơ bản, chủ yếu, nhất quán, xuyên suốt trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự”, và “Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch”. Vì thế, trong thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc (1925-1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cử một số thanh niên tiêu biểu trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên theo học ở Trường Quân sự Hoàng Phố, làm cơ sở cho việc đào tạo cán bộ quân sự cho cách mạng Việt Nam.
Năm 1941, tại Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “Không sợ thiếu vũ khí. Chỉ sợ khi thời cơ đến lại thiếu người cầm vũ khí”. Do đó, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời (ngày 22/12/1944) với 34 chiến sĩ được trang bị “2 khẩu súng thập, 17 khẩu súng trường, vừa giáp năm, giáp ba, vừa khai hậu và súng Tàu chế tạo, 14 khẩu súng kíp”, trong điều kiện ít ỏi về nhân lực, thiếu thốn về vũ khí nhưng lần đầu tiên xuất trận, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã giành thắng lợi khi tập kích hai đồn Phai Khất, Nà Ngần tạo ra một bước ngoặt lớn trong đấu tranh cách mạng.
Khi chú trọng phát huy nhân tố con người, trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh chủ trương đào tạo các chiến sĩ có lý tưởng cách mạng, có trình độ tác chiến, Người yêu cầu “phải luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức: trí, dũng, liêm, trung”.
Cùng với đó, những người lính cũng phài dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, biết sử dụng thuần thục các loại vũ khí có trong tay. Bởi vậy, phải chăm chỉ học tập cũng như rèn luyện kỹ năng tác chiến, “Bộ đội cũng ví như con dao cái súng, không lau chùi luôn sẽ hỏng. Chăm tập luyện sẽ tiến bộ”.
Hồ Chí Minh đề cao vai trò của đội ngũ tướng lĩnh, tướng lĩnh phải có đầy đủ các phẩm chất trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung, phải thực gương mẫu về mọi mặt và đặc biệt phải hết sức gần gũi, thương yêu, chăm sóc chiến sĩ, “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên... Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu minh rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”. Bên cạnh đó, “Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên. Chưa làm được như vậy là chưa hết nhiệm vụ. Cán bộ có thân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt”. Có như vậy, chiến sĩ mới kính trọng và tuân lệnh chỉ huy, trên dưới mới một lòng, hoàn thành nhiệm vụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tuy khí giới ta còn kém, kinh nghiệm ta còn ít nhưng lòng kiên quyết, chí hy sinh của tướng sĩ ta đã lập những chiến công oanh liệt, vẻ vang, có thể nói là kinh trời động đất”. “Quân đội ta mới tổ chức, mới huấn luyện. Nhưng lòng yêu nước, đức dũng cảm, chí hy sinh, thì chẳng kém quân đội nào”. Cho nên, quân đội ta cần phải phát huy truyền thống cách mạng anh dũng và vẻ vang, nâng cao chí khí phấn đấu, giữ vững kỷ luật, đoàn kết trên dưới, đoàn kết quân dân, luôn “nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội… luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm”.
Có thể thấy, việc chú trọng yếu tố tinh thần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo cho quân đội ta sức mạnh kỳ diệu như khả năng vô tận của con người. Bởi vậy, khi nói về nguyên nhân của thắng lợi, Người khẳng định “Lòng yêu nước nồng nàn, sự thống nhất về tinh thần và chính trị của nhân dân và quân đội xung quanh Đảng và Chính phủ đã giúp chúng tôi vượt qua những thử thách khó khăn không tưởng tượng được và tạo những điều kiện về chính trị, kinh tế và quân sự để chiến thắng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo xây dựng lực lượng quân đội theo nguyên tắc tập trung: “Về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng”. Quân đội ấy phải hết sức coi trọng chính trị: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”.
Rõ ràng, sự lãnh đạo của Đảng là nguồn gốc, nhân tố quyết định sự ra đời, trưởng thành và chiến thắng của lực lượng vũ trang của nhân dân ta. Có sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang mới có bản chất cách mạng tốt đẹp, bản chất giai cấp công nhân, mới trở thành lực lượng vũ trang thực sự của nhân dân, mới có mục tiêu chiến đấu và đường lối xây dựng đúng đắn, mới có điều kiện để phát huy sức mạnh, chiến thắng mọi kẻ thù, hoàn thành mọi nhiệm vụ. Cho nên, học tập chính trị để có quyết tâm, để rèn luyện ý chí đánh giặc, để ở bất cứ thời nào, bất cứ nơi đâu, nếu có chiến tranh thì yếu tố con người vẫn là yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng.
Bởi vậy, khi nói về thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh khẳng định: “Lúc đầu, địch mạnh hơn ta gấp trăm gấp ngàn lần về vật chất. Nhưng về tinh thần và chính trị thì ta mạnh hơn địch gấp trăm gấp ngàn lần…Nhờ vậy, ta đã chuyển từ không đến có, từ yếu đến mạnh”. Điều đó cho thấy, một cây súng trong tay một người lính được giác ngộ chính trị sẽ có công lực hoàn toàn khác với một cây súng trong tay một kẻ đánh thuê.
Thắng lợi của dân tộc Việt Nam, của Quân đội Nhân dân Việt Nam là một minh chứng sinh động về sự toàn thắng của trí tuệ con người. Tuy nhiên, quan điểm đề cao con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn không dẫn đến việc phủ nhận vai trò của vũ khí và các phương tiện hiện đại để phục vụ chiến tranh, bởi chiến tranh không chỉ là cuộc đấu trí, đấu lý mà còn là đấu lực. Ngược lại, nếu không tìm cách tăng cường sức mạnh vật chất thì sức mạnh tinh thần dù lớn đến mấy cũng dần kiệt quệ. Do đó, phát huy yếu tố con người, đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm mọi cách để có được vũ khí và từng bước đưa quân đội ta tiến lên chính quy, hiện đại.
Vận dụng sáng tạo vào xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội ta luôn được chăm lo xây dựng vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ thường xuyên được giáo dục chính trị, tư tưởng, trau dồi bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu. Thực hiện tốt công tác huấn luyện, giáo dục, đào tạo, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ có sức khỏe, trình độ, kiến thức, năng lực, ý thức tổ chức kỷ luật cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho Quân đội theo khả năng cao nhất có thể của đất nước. Nhờ đó, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Cẩm Trang