Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở về việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để Đảng thực sự xứng đáng là đạo đức, là văn minh. Người nhấn mạnh rằng mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần đạo đức cách mạng, trở thành người lãnh đạo và là đầy tớ trung thành của Nhân dân. Người từng nói: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" là những phẩm chất cốt lõi mà mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện để phục vụ Nhân dân một cách tốt nhất.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng đã khẳng định: "Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ". Lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội XII, Đảng nhấn mạnh xây dựng Đảng không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức mà còn về đạo đức.
Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn đề cao việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Nhiều chỉ thị, nghị quyết đã được ban hành nhằm xây dựng Đảng về đạo đức, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cụ thể, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII đã yêu cầu toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo Bác bằng những hành động thiết thực. Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Thực tế, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đã thực hiện việc nêu gương bằng những hành động cụ thể. Nhiều cán bộ, đảng viên trở thành tấm gương mẫu mực trong học tập, công tác, lao động sản xuất và chiến đấu; nhiều đảng viên trẻ đã có nhiều sáng kiến giúp cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được vinh danh tại các hội nghị thi đua yêu nước. Những đóng góp đó góp phần tích cực vào công tác đấu tranh ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cũng như những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa được coi trọng đúng mức. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu gương trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Một số người có dấu hiệu phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Đặc biệt, có một số cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao do Trung ương quản lý. Điển hình như các vụ việc tiêu cực liên quan đến một số cán bộ cấp cao trong các vụ án như vụ Việt Á, vụ Thủ Thiêm, cho thấy sự suy thoái về đạo đức, tư tưởng cần được xử lý nghiêm minh.
Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế này là do sự thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên. Do đó, cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn, bao gồm việc ban hành các chế tài, hành lang pháp lý đủ sức răn đe, cảnh tỉnh. Đồng thời, cần kết hợp với các biện pháp bồi dưỡng, rèn luyện mang tính phòng ngừa tích cực, giúp cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và trách nhiệm trước Nhân dân.
Xây dựng Đảng về đạo đức không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là yêu cầu mang tính chiến lược để đảm bảo Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.
Văn Bá