Đảng Cộng sản việt nam vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về công bằng xã hội trong thời kỳ đổi mới
Những quan điểm tuy giản dị song hết sức cụ thể, mang những giá trị cốt lõi về công bằng xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta tiếp thu, lĩnh hội, cụ thể hóa và hoàn thiện trong các giai đoạn phát triển của cách mạng.
Tại Đại hội VI - Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới toàn diện của đất nước (1986), Đảng ta đã chỉ ra rằng, trong nhận thức cũng như hành động, trong lĩnh vực phân phối đã tồn tại tình trạng “tách rời việc trả công lao động với số lượng và chất lượng lao động”. Từ đó, Đảng ta xác định cần phải “bảo đảm về cơ bản phân phối theo lao động”; rằng “việc thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động đòi hỏi sửa đổi một cách căn bản chế độ tiền lương thao hướng bảo đảm yêu cầu tái sản xuất sức lao động, khắc phục tính chất bình quân, xóa bỏ từng bước phần cung cấp còn lại trong chế độ tiền lương, áp dụng các hình thức trả lương gắn chặt với kết quả lao động và hiệu quả kinh tế.
Với sự đột phá từ nguyên tắc phân phối theo lao động, chúng ta bước đầu đã thực hiện công bằng xã hội trong kinh tế. Nhưng về cơ bản, những chính sách khởi đầu của đổi mới vẫn chưa đủ mạnh để có thể tạo ra chuyển biến quan trọng trong việc thực hiện công bằng xã hội nói chung. Đại hội VI của Đảng chủ trương “xóa bỏ những thành kiến thiên lệch trong sự đánh giá và đối xử với người lao động thuộc các thành phần kinh tế khác nhau… Đó là chính sách nhất quán với mọi công dân, không phân biệt họ thuộc thành phần kinh tế nào” và “bảo đảm cho người lao động có thu nhập thỏa đáng phụ thuộc trực tiếp vào kết quả lao động, có tác dụng khuyến khích nhiệt tình lao động. Tôn trọng lợi ích chính đáng của những hoạt động kinh doanh hợp pháp, có ích cho xã hội”.
Bước sang Đại hội VII, Đảng ta đã chính thức khẳng định quan điểm phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đã mở rộng nội dung của nguyên tắc phân phối nhằm bảo đảm công bằng xã hội; trong đó, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế làm hình thức chính, khuyến khích làm giàu đi đôi với giảm số nghèo, nâng cao phúc lợi xã hội với trình độ phát triển kinh tế. Như vậy, Đại hội Đảng lần thứ VI và Đại hội Đảng lần thứ VII đã khẳng định nguyên tắc phân phối theo lao động, xác định phân phối theo kết quả sản xuất kinh doanh là hình thức chính. Theo tư tưởng của C. Mác, phân phối theo lao động là nguyên tắc được áp dụng trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản (giai đoạn chủ nghĩa xã hội).Vì vậy, Đảng ta đã vận dụng tư tưởng này vào thực tiễn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tuy nhiên, trên thực tế, nước ta đang trải qua thời kỳ quá độ, do vậy, cần thiết phải bổ sung các hình thức phân phối khác ngoài hình thức chính là phân phối theo lao động. Chính vì vậy, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta đã mở rộng và cụ thể hóa thêm một bước nữa: “phân phối theo lao động là chủ yếu, khuyến khích và đãi ngộ xứng đáng các tài năng; đồng thời phân phối theo nguồn vốn đóng góp và sản xuất kinh doanh”. Theo đó, ngoài hình thức phân phối theo lao động, hình thức phân phối theo nguồn vốn đóng góp và sản xuất kinh doanh lần đầu tiên chính thức được Đảng ta thừa nhận. Trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, Đảng ta đã bổ sung thêm một nhận định: “lấy phân phối theo lao động làm hình thức chính, khuyến khích làm giàu đi đôi với giảm số người nghèo, nâng cao phúc lợi xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế”. Có chính sách bảo trợ và điều tiết thu nhập giữa các bộ phận dân cư, các ngành và các vùng. Đồng thời, Đảng ta cũng đưa ra tư tưởng “thực hiện chính sách toàn dân đóng góp để đền ơn trả nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với nước; chính sách bảo trợ trẻ mồ côi, người tàn tật, người già cô đơn; chính sách cứu hộ những vùng gặp thiên tai, rủi ro và những gia đình quá nghèo khổ. Nguồn kinh phí dựa vào các quỹ xã hội, các hội từ thiện, tranh thủ sự viện trợ của các tổ chức nhân đạo quốc tế và một phần dựa vào ngân sách nhà nước”. Đến Đại hội Đảng lần thứ IX (2001), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Thực hiện chính sách ưu đãi xã hội và vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các lão thành cách mạng, những người có công với nước, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh và cha mẹ, vợ con liệt sĩ, người được hưởng chính sách xã hội”.
Vậy là sau một chặn đường dài, đầy cam go với những thử thách khắc nghiệt của cuộc chiến vượt qua sự bế tắc, trì trệ, đói nghèo và cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, khi vừa có thành tựu nhất định, Đảng ta đã đẩy mạnh thực hiện việc đền ơn, đáp nghĩa… Những nghĩa cử cao đẹp truyền thống của dân tộc đã được hiện thực hóa vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, làm yên lòng những người đang sống cũng như những người đã khuất. Đó là những minh chứng đầy sức thuyết phục cho những tư tưởng nhân đạo, nhân văn cao cả của Đảng, đồng thời là sự khẳng định trên thực tế những bước tiến mới trong nhận thức của Đảng về công bằng xã hội. Rõ ràng cả về đạo lý, tình cảm cũng như lý trí khoa học… chúng ta đã không mấy khó khăn để nhận ra rằng, những thành quả chúng ta đang được thừa hưởng hôm nay chính là từ những hy sinh, mất mát của cha anh chúng ta ngày hôm qua… và do đó, họ xứng đáng được nhận một phần những thành quả ngày hôm nay, chứ không chỉ là sự tôn vinh, sự biết ơn đơn thuần hay trả nghĩa đơn thuần của xã hội. Đây chính là vấn đề công bằng xã hội trong cống hiến và hưởng thụ. Nó bổ sung cho quan niệm trước đây coi công bằng xã hội chỉ là sự phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế. Người ta cống hiến như thế nào, đóng góp cho xã hội như thế nào thì cũng cần phải nhận được thành quả một cách xứng đáng từ phía xã hội.
Sự đóng góp, cống hiến ở đây không chỉ đo lường một cách đơn thuần trong kinh tế, nó cũng không chỉ được cân nhắc, xem xét một cách cô lập, đứt đoạn giữa hiện tại và quá khứ mà là sự liên tục, sự liền mạch, liền tuyến với quá khứ. Tương tự như vốn đóng góp trong sản xuất không chỉ có lao động “sống” mà còn là lao động “quá khứ” (những đóng góp về tư liệu sản xuất, nhà xưởng, máy móc), ruộng đất, công cụ lao động mà bản thân người lao động hoặc cha, ông họ đã tạo ra trước đó.
Tại Đại hội VII, Đảng đã khẳng định: “Chúng ta thực hiện chính sách công bằng xã hội chưa tốt. Bên cạnh những người giàu chính đáng, còn nhiều người giàu lên nhanh chóng do làm ăn phi pháp. Trong khi đó, nhiều gia đình có công với nước, đã hy sinh mất mát lớn trong kháng chiến, nay vẫn còn quá khó khăn, số người nghèo đó còn chiếm phần đáng kể”. Cũng trong Đại hội này, Đảng ta đã bổ sung khái niệm công bằng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: “phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, văn minh”. Tại Đại hội Đảng lần thứ VIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Khuyến khích làm giàu hợp pháp, chống làm giàu phi pháp, vừa coi trọng xóa đói giảm nghèo, từng bước thực hiện công bằng xã hội tiến tới làm cho mọi người, mọi nhà đều khá giả. Đặc biệt hơn nữa, ở Đại hội này, tư duy của Đảng ta đã tiến thêm một bước: “Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển. Công bằng xã hội phải thể hiện ở cả khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất lẫn ở khâu phân phối kết quả sản xuất, ở việc tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình”. Tuy nhiên, có sự công bằng xã hội về khâu phân phối tư liệu sản xuất, phân phối kết quả sản xuất vẫn chưa bao hầm đầy đủ những yếu tố của công bằng xã hội và theo đó chưa thể giúp người nghèo thoát nghèo. Theo nhận thức mới của Đảng, công bằng xã hội còn cần phải bao hàm cả việc tạo điều kiện của Nhà nước để mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình. Chính từ sự phân tích như vậy, Đảng đã hết sức chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho người dân, nâng cao sức khỏe cho người nghèo;… tăng cường sức lực dẻo dai cho họ… Hàng loạt các chiến lược về vấn đề này đã ra đời như: Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chiến lược về chăm sóc sức khỏe sinh sản; Chiến lược dân số Việt Nam; Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; Chương trình định canh, định cư; Chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo; Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo. Song hành với những chiến lược nói trên, Đảng đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao kỹ năng, trình độ nghề nghiệp, tính năng động và năng lực lựa chọn, nắm bắt cơ hội và vận dụng cơ hội cho người nghèo theo phương châm là cứu trợ họ để họ tự cứu trợ mình bằng năng lực của chính mình… Nhiều chính sách với hàng loạt các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động với hàng ngàn sáng kiến về mô hình giúp người nghèo nở rộ như: câu lạc bộ giúp người nghèo; mô hình tín dụng, tiết kiệm của phụ nữ cơ sở… Muốn cho xã hội giảm nghèo hay giúp những cá nhân, những hộ gia đình bớt nghèo, chúng ta phải thực hiện tăng trưởng kinh tế cao. Trong điều kiện cơ chế phân phối không đổi, với “chiếc bánh” tăng trưởng to hơn sẽ tạo điều kiện và cơ hội thực tế tốt hơn cho mọi người trong xã hội nhận về mình “miếng bánh” lớn hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ thả nổi cho sự tăng trưởng kinh tế, chỉ để cho kinh tế theo cách tự nó, không chú ý hoặc tách rời với các chính sách về công bằng xã hội, về phân phối và phân phối lại, chính sách giải quyết việc làm, cải cách chế độ tiền lương, chương trình xóa đói giảm nghèo, chính sách ưu đãi xã hội, bảo trợ xã hội chính sách đền ơn đáp nghĩa, các chính sách hướng vào phát triển và lành mạnh hóa xã hội thì trong trường hợp đó, tăng trưởng kinh tế có thể dẫn đến những tổn thương xã hội, phương hại đến lợi ích của một bộ phận xã hội, làm tăng thêm biên độ giàu nghèo, không giúp gì cho việc thực hiện công bằng xã hội thậm chí trầm trọng hơn bất công bằng xã hội… và hậu quả của nó có thể dẫn đến rối loạn xã hội, xung đột xã hội.
Đến Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục quan điểm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được nêu rõ trong đường lối và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Về phân phối, Đảng ta xác định: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội. Tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển”. Như vậy, so với Đại hội VIII, quan điểm của Đảng tại Đại hội IX về các hình thức phân phối được xác định rõ hơn, cụ thể là khẳng định thực hiện phân phối theo mức đóng góp vốn, bên cạnh việc phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế cùng với phân phối thông qua phúc lợi xã hội.
Tư tưởng đó tiếp tục được Đại hội X của Đảng khẳng định: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục… giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội.
Việc khẳng định cần áp dụng nhiều hình thức phân phối khác bên cạnh hình thức phân phối theo lao động trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội phản ánh những nhận thức mới của Đảng ta trong việc xử lý các quan hệ phân phối và thực hiện công bằng xã hội phù hợp với thời kỳ này.
Tư tưởng về công bằng xã hội tiếp tục được khẳng định và hoàn thiện trong các văn kiện Đại hội của Đảng lần thứ XI, XII, XIII. Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về công bằng xã hội đã được kế thừa, tiếp nối và cụ thể hóa trong các văn bản, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Đó thực sự là những chỉ dẫn quý giá có giá trị như những “quốc bảo” giúp chúng ta có chỗ dựa vững chắc trên con đường xây dựng xã hội mới, một xã hội thực sự tốt đẹp, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Tuy nhiên, những nhận thức lý luận cơ bản và căn cốt đó cần phải được tiếp tục nghiền ngẫm và vận dụng sáng tạo vào từng hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, từng giai đoạn hết sức sinh động của đất nước.
Thủy Tiên – Tổng hợp