Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
Nói về vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: không có lý luận chính trị thì chí khí kém cương quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”.
Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng khẳng định: cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, vấn đề cán bộ và công tác cán bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng hệ thống chính trị. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trang bị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những nguyên lý cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược có nhận thức đúng đắn, đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng và niềm tin vững chắc vào lý tưởng cộng sản và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. từ đó hình thành, phát triển và hoàn thiện đường lối chính trị, đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho Đảng viên mới - Hình ảnh sưu tầm
Nhận thức rõ tầm quan trọng công tác giáo dục lý luận chính trị, thời gian qua, Tỉnh ủy đã quan tâm chỉ đạo các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở chú trọng công tác giáo dục lý luận chính trị, gắn công tác giáo dục lý luận chính trị với việc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Vì vậy, công tác giáo dục lý luận chính trị đạt được những kết quả nhất định:
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị được quan tâm kịp thời với nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng hơn. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên các lĩnh vực được triển khai thực hiện có hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy – học góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng. Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên được đẩy mạnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh – quốc phòng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, công tác giáo dục lý luận chính trị trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định:
Nhận thức về công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở một số cấp ủy có nơi, có lúc chưa được coi trọng; công tác chiêu sinh mở lớp chưa có sự phối hợp chỉ đạo sát sao giữa các đơn vị liên quan. Đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục lý luận chính trị nhìn chung còn hạn chế cả về lý luận và tực tiễn. Nội dung chương trình còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, chưa sát với đối tượng, vị trí việc làm của người học. Phương pháp giảng dạy còn nặng về thuyết trình, chưa phát huy được nhiều tính cực, chủ động, sáng tạo của người học. Hình thức tổ chức kiểm tra, thi, viết khóa luận tốt nghiệp, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn nhiều bất cập. Ý thức của người học chưa cao, còn nặng về bằng cấp hơn là chuẩn hóa trình độ. Cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác giáo dục lý luận chính trị đã được đầu tư, nhưng chưa đồng bộ, nhất là các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Từ thực trạng nêu trên, để công tác giáo dục lý luận chính trị đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XII, thời gian tới, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các cấp ủy đảng nâng cao nhận thức về công tác giáo dục lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; nắm vững và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Quy định 54-QĐ/TW, ngày 12-5-1999 của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng; Nghị quyết 32-NQ/TW, ngày 26/5/2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030; Quyết định 185 – QĐ/TW ngày 03 tháng 9 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương; Quyết định số 1853 – QĐ/BTGTW, ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Ban Tuyên giáo Trung ương về ban hành Quy chế giảng dạy và học tập của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030.
Thứ hai, đổi mới nội dung, chương trình phù hợp với từng đối tượng chức danh cán bộ. Xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thiết thực, phù hợp với từng loại chức danh cán bộ. Nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian đào tạo phù hợp, bảo đảm tính kế thừa, thống nhất; bậc đào tạo càng cao, nội dung càng chuyên sâu, tránh trùng lặp nội dung ở các hệ, bậc học dưới. Chú trọng hơn về phương pháp luận, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kỹ năng công tác và phong cách lãnh đạo, quản lý.
Thứ ba, đổi mới căn bản phương pháp đào tạo theo hướng phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, người học tham gia tích cực vào quá trình đào tạo; giúp học viên tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn đặt ra.
Thứ tư, đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả đào tạo bảo đảm thực chất “học để biết, học để làm”. Hình thành hệ thống kiểm định đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo, các chương trình đào tạo, quy trình và tiêu chí đánh giá cán bộ sau đào tạo, qua đó tạo nguồn chủ động trong công tác cán bộ các cấp của tỉnh.
Thứ năm, rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Thực hiện triệt để các quy chế, quy định về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong việc kiểm tra, quản lý và tổ chức đào tạo. Thực hiện thống nhất Quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ theo Quyết định số 923 – QĐ/TU, ngày 09/4/2009 của Tỉnh ủy. Từng bước chuẩn hóa CSVC, thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ sáu, kiện toàn hệ thống cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu, tham mưu về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Trong đó, kiện toàn xây dựng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ sở đào tạo phù hợp với tình hình mới, theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động, bộ máy tinh gọn, nhiệm vụ rõ ràng, không chồng chéo. Xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng, có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp và tâm huyết với nghề. Tăng cường đội ngũ giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có nhiệm vụ làm giảng viên kiêm nhiệm, thỉnh giảng tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.
Thứ bảy, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng mục tiêu của chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Giảng viên và học viên được cung cấp đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy - học tập trên lớp và nghiên cứu thực tế ở địa phương.
Đoàn Văn Kỳ