Thực hiện Chỉ thị số 35- CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đổi với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân (viết tắt là Chỉ thị số 35- CT/TW, Chỉ thị số 27-CT/TW, Quy định số 11-QĐi/TW).
Trong năm 2024, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tiếp 2.194 lượt với 3.156 công dân đến trình bày các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, giảm 275 lượt (11,1%), giảm 445 người (12,4%) so với năm 2023. Trong đó, các Cơ quan Tư pháp tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cụ thể: (1) Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp 145 lượt công dân (giảm 41 lượt so với cùng kỳ năm 2023); (2) Tòa án nhân dân tỉnh tiếp định kỳ hơn 52 lượt công dân; (3) Các cơ quan đơn vị trực thuộc Công an tỉnh tiếp 450 lượt công dân (giảm 145 lượt so với cùng kỳ năm 2023); (3) Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp: 48 lượt/53công dân.
Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tổng số đơn thư các cấp ủy đảng tiếp nhận và xử lý 1.968 đơn. Công tác bảo vệ người tố cáo. Trong kỳ, không phát hiện trường người tố cáo bị trả thù, trù dập và không phát sinh yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo như: Bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo trong quá trình tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo... Việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quá trình tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn tố cáo và trong quá trình giải quyết tố cáo bảo đảm chặt chẽ. Qua đó, giúp việc bảo vệ người tố cáo bảo đảm hiệu quả, không lộ lọt họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo; phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là chủ yếu, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Việc phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, Chỉ thị số 27-CT/TW và Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, thực hiện kịp thời, tuy nhiên việc triển khai thực hiện còn hạn chế về số lượng và hình thức tuyên truyền; một số cơ quan, đơn vị thường gắn chung với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chậm, quá thời hạn quy định. Trong giải quyết, mới chú trọng giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến các biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong giải quyết khiếu nại, tố cáo một số vụ việc đôi khi còn thiếu chặt chẽ, chưa được quan tâm, chưa giải quyết dứt điểm vụ việc ngay tại cơ sở, dẫn đến tình trạng khiếu kiện, vượt cấp, công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện giải quyết đơn chưa kịp thời. Một số vụ việc người đứng đầu của các cấp có thẩm quyền đã tiếp công dân trả lời, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại nhưng công dân vẫn không chấp hành, tiếp tục gửi đơn đến nhiều cấp, nhiều ngành để yêu cầu giải quyết và được tiếp công dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật, chia sẻ dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa kịp thời và hiệu quả.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục một số tồn tại, hạn chế nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW gắn với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bảo vệ người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cụ thể như: Chỉ thị số 35-CT/TW; Chỉ thị số 41-CT/TU, ngày 22/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031;…
Tăng cường công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh sự phối họp giữa cơ quan hành chính với các đoàn thể chính trị nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tạo chuyển biến tích cực, đồng bộ trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu và khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách; tổ chức đối thoại công khai với người khiếu kiện, giải quyết thấu tình, đạt lý; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đảm bảo chính xác, khách quan, kịp thời, đúng pháp luật; lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng các vụ việc đông người, phức tạp kéo dài, vượt cấp.
Tiếp tục tăng cường và có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung ở những địa bàn, lĩnh vực xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng”. Chú trọng làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, trình độ hiểu biết pháp luật cho đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với phương châm giỏi về pháp luật, am hiểu lý luận và thực tiễn quản lý nhà nước trong từng ngành, từng lĩnh vực của cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, giảm thiểu đơn khiếu nại, tố cáo phát sinh. Quan tâm hỗ trợ, bố trí phương tiện, điều kiện làm việc cần thiết cho UBND cấp xã để bảo đảm việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị được thực hiện tốt từ cấp cơ sở, giúp ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Tiếp tục tập trung rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài, nắm chắc địa bàn và tình hình công dân tập trung khiếu nại, tố cáo, không để công dân tập trung đông người tại các cơ quan Trung ương để khiếu kiện vượt cấp. Chú trọng thực hiện công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo như: Tài chính, quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Xuân Tuân