Những kết quả trong thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2024
Tỉnh Đắk Nông có 40 dân tộc cùng sinh sống, có tổng dân số là 706.327 người (170.550 hộ). Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 227.270 người (48.492 hộ) chiếm tỷ lệ 32,17% so với dân số toàn tỉnh. Có 03 DTTS tại chỗ (M’Nông, Mạ, và Ê Đê) với tổng số 72.896 người (16.310 hộ) chiếm 10,32% so với dân số toàn tỉnh. Với sự chung tay, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông lần thứ III giai đoạn 2019 - 2024, các chính sách hỗ trợ phát triển trong đồng bào dân tộc thiểu số được lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai khá đồng bộ góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao sức mạnh quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Bên cạnh việc triển khai các chính sách của Trung ương như: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; dự án nâng cao năng lực giảm nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo; chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn đặc biệt khó khăn; các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, đất ở, đất sản xuất; các chính sách an sinh xã hội; các chương trình tín dụng vay vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo; các dự án, mô hình về khuyến nông, khuyến lâm; chương trình định canh, định cư; các chương trình mục tiêu quốc gia: về nước sạch và vệ sinh môi trường, đưa thông tin về cơ sở, về việc làm và dạy nghề… ; tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách đặc thù của tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, cụ thể là: chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất kinh doanh; chương trình kết nghĩa với bon, buôn; đề án phát triển đội ngũ cán bộ DTTS,….Qua 5 năm triển khai (2019 - 2024), nhiều chương trình, chính sách phát huy hiệu quả góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Một số kết quả cụ thể như:
Chính sách giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019 - 2021 (Chương trình 135-Quyết định số: 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa), tỉnh Đắk Nông luôn đạt và vượt kế hoạch được giao: năm 2019, toàn tỉnh còn 21.070 hộ nghèo (chiếm 13,51% hộ toàn tỉnh). Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) có 13.397 hộ (chiếm 30,14% so với số hộ dân tộc thiểu số và chiếm 63,58% so với tổng hộ nghèo toàn tỉnh); dân tộc thiểu số tại chỗ có 5.624 hộ (chiếm 38,57% so với tổng số hộ). Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh đã giảm 2,79%, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiếu số chung giảm 6,87%; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 8,14%. Như vậy, so với mục tiêu đưa ra kết quả rà soát hộ nghèo năm 2023 chưa đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung (giảm 2,79% so với mục tiêu giảm từ 3% trở lên) nhưng vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (giảm 8,14% so với mục tiêu giảm từ 5% trở lên).
Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 (Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ): tỉnh đã triển khai hỗ trợ đất ở cho 1.468 hộ, hỗ trợ đất sản xuất 5.424 hộ (gồm: đất sản xuất 602 hộ; chuyển đổi ngành nghề 4.822 hộ), hỗ trợ nước sinh hoạt 4.886 hộ, hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư thực hiện đầu tư 04 dự án; với tổng kinh phí thực hiện là 271.734 triệu đồng.
Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” (Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ): đến nay, đã giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân từ 2%-3%/năm số cặp tảo hôn và 3%-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống, duy trì 39 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, 686 mô hình hoạt động độc lập (trong đó: 132 mô hình câu lạc bộ phát triển bền vừng, 286 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 162 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 106 đường dây nóng).
|
Ban Dân tộc tỉnh thực hiện tuyên truyền tảo hôn trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2024 |
Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số: đã lựa chọn, phê duyệt danh sách công nhận người có uy tín và thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số với 310 người; hàng năm thực hiện biểu dương tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín, phổ biến giáo dục pháp lý, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào, truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, chương trình mục tiêu quốc gia… với tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn là 2.122 triệu đồng.
Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới” (Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ): Đã đạt được một số kết quả nhất định, đối với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị tối thiểu là 10% tổng số biên chế được giao; từ năm 2020 - 2023, toàn tỉnh tuyển dụng 200 cán bộ, công chức, trong đó, có 32 công chức là người DTTS (chiếm 16%); tuyển dụng 532 viên chức, trong đó, 71 viên chức là người DTTS (chiếm 13,34%). Đến nay, trong cơ quan Đảng có 50 người DTTS chiếm 8,01%; trong tổ chức chính trị có 93 người DTTS chiếm 13,78%; Đại biểu hội đồng nhân dân: cấp tỉnh 8 người DTTS chiếm 16,3%, cấp huyện 30 người DTTS chiếm 12,2%, cấp xã 346 người chiếm 20,3%; Giữ chức vụ lãnh đạo: cấp tỉnh 54 người DTTS chiếm 12,19%, cấp huyện 6 người DTTS chiếm 10,53% và cấp xã 144 người DTTS chiếm 19,35%. Toàn tỉnh có: 15.772 cán bộ, công chức viên chức cấp tỉnh, cấp huyện (có 1.822 người DTTS, chiếm 11,55%); 1.452 cán bộ, công chức cấp xã (trong đó, DTTS 186 người, chiếm 12,8%).
Chính sách tín dụng hộ DTTS được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội: Cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn với doanh số cho vay năm 2021 là 361.165 triệu đồng; năm 2022 là 390.193 triệu đồng; Năm 2023 là 454.290 triệu đồng.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Tổng nguồn vốn đầu tư ngân sách trung ương đã được phân bổ cho tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025 là 1.069.725 triệu đồng; trong đó năm 2022, 2023 và 2024 là 1.191.858 triệu đồng (trung ương là 1.081.704 triệu đồng; địa phương là 110.154 triệu đồng). Kết quả thực hiện giải ngân Chương trình (đến ngày 19/8/2024) đã thực hiện giải ngân nguồn vốn được phân bổ năm 2022, 2023 và 2024 là: 532.300 triệu đồng, đạt 44,66 % so với tổng kế hoạch, trong đó, vốn đầu tư là 450.797 triệu đồng, đạt 54,88%, vốn sự nghiệp là 81.503 triệu đồng, đạt 21,99%.
Chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc việt khó khăn, trường phổ thông dân tộc bán trú: Tổng số 47.017 lượt học sinh, với tổng số kinh phí đã hỗ trợ 127,370 tỷ đồng.
Chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: Tổng số học sinh thuộc đối tượng được hỗ trợ là 144.267 lượt học sinh, với số tiền đã hỗ trợ: 54,880 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông: Đã thực hiện hỗ trợ cho 1.172 hộ với số tiền là 6.454,82 triệu đồng; ước đạt hết năm 2024 là 1.968 hộ với số tiền là 10.424,72 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ, giúp đỡ thông qua kết nghĩa với bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ: giai đoạn 2021-2025 có 79 bon, buôn đồng bào DTTS tại chỗ kết nghĩa với 84 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; trong đó có 46/79 bon, buôn đặc biệt khó khăn; vận động hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, vật chất và tinh thần, xây dựng mô hình phát triển kinh tế để đảm bảo an sinh xã hội với tổng số tiền 10.454,51 triệu đồng (mười tỷ, bốn trăm năm mươi tư triệu năm trăm mười nghìn đồng).
Chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Đắk Nông: Hỗ trợ chính sách chi phí học tập đối cho 176 học sinh, sinh viên là người DTTS tỉnh Đắk Nông với số tiền là 657.090.000 đồng. Ký kết hợp đồng với trên 15 trường đại học, cao Đẳng với số lượng 455 em sinh viên được đào tạo qua từng năm, nhưng thực tế tham gia học là 447 em, trong đó 369 sinh viên được cử học hệ đại học, 36 học hệ cao đẳng và 50 học hệ trung học chuyên nghiệp. Kết quả, sau khi tốt nghiệp trở về địa phương UBND tỉnh đã bố trí được 272 em vào làm việc.
Thông qua việc triển khai thực hiện các chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực làm thay đổi rõ nét diện mạo bức tranh buôn làng; kinh tế được cải thiện, chất lượng cuộc sống gia đình được nâng lên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định an ninh, trật tự xã hội vùng dân tộc.
Trong thời gian tới, công tác dân tộc nói chung và việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai một số nhiệm vụ như:
Thứ nhất, tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, đặc biệt ở vai trò đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với vùng đồng bào.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương và địa phương về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS: tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, đầu tư phát triển các bon, buôn đồng bào DTTS nhằm hoàn thành việc xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa, trung tâm các xã, thôn, bản; đảm bảo điện thắp sáng, các công trình nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ; gắn với sắp xếp, ổn định dân cư thuận lợi cho phát triển; bên cạnh đó, phải có kế hoạch, giải pháp hạn chế trạng di cư tự do.
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép các nguồn vốn trong các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, tạo môi trường thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực vào phát triển nông nghiệp, nông thôn nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động người dân tộc thiểu số; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu và tranh chấp đất sản xuất, đất ở cho đồng bào vùng DTTS.
Thứ tư, chú trọng bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa: xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS. Khôi phục các nghề, làng nghề truyền thống để phục vụ nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng, góp phần tạo công ăn việc làm vùng đồng bào DTTS.
Thứ năm, tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề đối với con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Hoàn Anh