Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về vị trí, vai trò và chất lượng sinh hoạt chi bộ
Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; sự thành công của phong trào công nhân trong mỗi nước chỉ có thể được bảo đảm bằng sức mạnh của sự thống nhất và sự tổ chức. Trong quá trình xây dựng các tổ chức cộng sản, C.Mác và Ănghen đưa ra quan điểm "Cần phải biến mỗi chi bộ thành trung tâm và hạt nhân của các Hiệp hội công nhân’’ ( Mác - Ănghen Tuyển tập, NXBST, HN 1984, t1, tr68).
Quan điểm đó đã được V.I.Lênin kế thừa, phát triển và áp dụng vào xây dựng Đảng Xã hội dân chủ Nga. V.I. Lênin coi các tổ chức cơ sở Đảng là hạt nhân, là người lãnh đạo nhằm “Lôi cuốn quần chúng vào giải quyết một cách tự giác các vấn đề của Đảng". V.I.Lênin nhấn mạnh: “Muốn đưa cách mạng đến thắng lợi, Đảng phải có sự thống nhất ý chí hết sức chặt chẽ, tuyệt đối; đoàn kết là nguồn gốc, sức mạnh chủ yếu, vô tận … của Đảng”.
Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đảng ta phải là một tổ chức cách mạng chân chính. Từ Ban Chấp hành Trung ương đến mỗi đảng viên đều phải toàn tâm, toàn ý xây dựng, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Người còn căn dặn, nhờ có lý luận cách mạng tiền phong mà Đảng ta làm tròn nhiệm vụ của Đảng tiền phong. Nhưng Đảng không phải từ trên trời rơi xuống, Đảng cũng ở trong xã hội, trong quần chúng, song Đảng là tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, đạo đức, lương tâm và danh dự của dân tộc.
Đảng phải được xây dựng từ phong trào cách mạng của quần chúng, từ cơ sở. Chi bộ là “cửa ngõ” của Đảng. Nơi ấy, Đảng lựa chọn, đón nhận những người con ưu tú của dân tộc, sẵn sàng, tự nguyện, tự giác gia nhập vào “ngôi nhà chung” của Đảng để cùng nhau đồng tâm, đồng chí hy sinh chiến đấu cho lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Tinh thần Đảng cao cả mà lại gần sát ngay trong lòng quần chúng. “Cửa ngõ” ấy khắt khe, khép kín thì không thể tiếp nhận được người đủ tài năng, đức độ, có tinh thần cách mạng và giác ngộ chính trị vào Đảng. Đảng sẽ trở nên hẹp hòi, biệt lập, “kín cổng cao tường”, xa rời quần chúng.
Ngược lại, “cửa ngõ” ấy thiếu nghiêm cẩn, không quang minh chính đại thì Đảng sẽ chỉ còn như một cái câu lạc bộ, ai vào ra cũng được thì sẽ dễ dàng cho bọn cơ hội luồn lách, chui vào Đảng, làm hại “ngôi nhà chung” của Đảng. “Cửa ngõ” ấy phải có đường vào cho những ai có chí hướng cách mạng phấn đấu và cũng có đường ra cho những ai nhạt phai lý tưởng, hờ hững với sự nghiệp của Đảng, của dân hoặc thoái hóa, biến chất, không còn xứng đáng đứng trong “ngôi nhà chung” của những người cộng sản.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng”. Nhiều lần Người nhấn mạnh: “gốc có vững cây mới bền”. Mọi tư tưởng hay, mọi chủ trương, chính sách đúng của Đảng chỉ trở thành hiện thực khi chi bộ quán triệt, tổ chức thực hiện với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Nếu chi bộ yếu kém thì chẳng những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không được thi hành đến nơi, đến chốn mà còn gây tổn thất, thậm chí đi ngược lại, làm cho cơ quan cấp trên nói một đằng, cơ sở làm một nẻo, gây ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, làm cho dân chúng mất lòng tin vào Đảng và Nhà nước, khi ấy Đảng rơi vào nguy cơ xa rời và mất dần quần chúng. Hồ Chí Minh đã nói “Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”.
Thực tiễn trong những năm qua chứng tỏ rằng hầu như tất cả các vụ tiêu cực, tham ô, lãng phí… gây thất thoát lớn tạo thành một nguy cơ trầm trọng đối với sự tồn vong của chế độ ta đều do các tổ chức cơ sở đảng yếu kém, vai trò của chi bộ lu mờ, đảng viên có chức, có quyền không được chi bộ giáo dục, kiểm tra, giám sát, phê bình.
Hơn 90 năm phát triển và trưởng thành của Đảng đã chứng tỏ rằng: chi bộ là nơi tạo ra sự tác động hai chiều giữa Đảng và nhân dân:
Chi bộ trực tiếp tổ chức, Giáo dục, thuyết phục, nêu gương, dẫn dắt quần chúng. Quần chúng nhân dân trực tiếp giúp đỡ, phê bình, xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng. Soi vào thực tiễn, nhìn thẳng, đúng sự thật sẽ có một thước đo khách quan, một tấm gương phản chiếu hình ảnh, diện mạo, tầm vóc của Đảng. Chi bộ, TCCSĐ chính là nơi mà hình ảnh của Đảng thể hiện ra một cách cụ thể và chân thật nhất.
Để xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trước hế các tổ chức Đảng từ Trung ương đến các chi bộ cơ sở phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Tự phê bình được thực hiện trước hết, chủ yếu và thường xuyên là ở chi bộ. Không cấp nào, nơi nào hiểu thấu, sâu sát đảng viên bằng chi bộ. Phê bình được thể hiện đồng thời từ ba chiều: từ trên xuống, từ dưới lên và rất quan trọng là từ ngoài (quần chúng nhân dân) vào. Chi bộ là nơi trực tiếp nhận được sự tác động (phê bình) bằng mọi cách từ quần chúng nhân dân đối với Đảng và là nơi hiểu rõ những ưu điểm, thành tích, hạn chế và sai lầm, khuyết điểm của bản thân mỗi đảng viên cũng như mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thông qua sự tiếp nhận, lắng nghe ý kiến phê bình của nhân dân, chi bộ sẽ là nơi cung cấp thông tin chính xác để Đảng và Nhà nước đánh giá đúng những ưu điểm, sai lầm, khuyết điểm, hạn chế của mình, từ đó đề ra các quyết sách chính trị đúng đắn và kịp thời.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Đảng do nhiều đảng viên hợp lại mà thành. Mọi đảng viên bất kỳ ở cương vị nào từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội… đến đảng viên thường đều sinh hoạt trong một chi bộ nơi mình công tác, đều phải chịu sự giáo dục, giúp đỡ của chi bộ, đều phải làm tròn nghĩa vụ trách nhiệm của người đảng viên. Càng ở cương vị cao, càng phải gương mẫu, nghiêm túc sinh hoạt đảng.
Một thực tế cần chấn chỉnh là không ít ban chi ủy và chi bộ còn tự ti, e dè, né tránh, không thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình đối với đảng viên thuộc diện cấp trên quản lý. Nếu có thì cũng chỉ là hình thức, nặng về ca ngợi chứ ít khi dám phê bình những sai lầm, khuyết điểm của họ, cho rằng “đó là việc của cấp trên”. Còn cấp trên thì thường chỉ đặt vấn đề kiểm điểm phê bình cán bộ, đảng viên thuộc diện quản lý khi “câu chuyện đã vỡ lở”, khi quần chúng tố cáo và báo chí đã vào cuộc.
Muốn tiến bộ, muốn xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong gương mẫu của dân tộc thì đảng viên phải không ngừng học tập, tu dưỡng, phải luôn được giáo dục và biết tự giáo dục. Môi trường giáo dục ấy chính là chi bộ, là TCCS đảng. Hồ Chí Minh đã dặn “Chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt. Cho nên các cô, các chú phải quan tâm đến việc xây dựng chi bộ… phải làm thiết thực, đừng hình thức, đừng báo cáo sai”.
Từ vị trí, vai trò rất quan trọng của sinh hoạt chi bộ, đặt ra yêu cầu cho các tổ chức cơ sở đảng, mỗi đảng viên cần nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của sinh hoạt chi bộ đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng để từ đó có những giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Đoàn Văn Kỳ