Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân…
Chính phủ do dân cử ra, được dân ủy quyền thay mặt dân để điều hành, quản lý đất nước. Tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đưa ra quan điểm hết sức đúng đắn: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ. Từ lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta đã khẳng định vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Gặp mặt Đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2019, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng căn dặn: Muốn nhớ lời Di chúc theo chân Bác, trước hết phải ghi nhớ, phải hiểu, phải ngấm vào máu, vào tim điều Bác dặn là gì, phải trăn trở, suy nghĩ, day dứt để học và làm theo.
Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể nước ta trong cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng XHCN; trong thời kỳ đổi mới, kết hợp hài hòa các quy luật kinh tế thị trường với các nguyên lý của CNXH làm cơ sở định hướng có tính nguyên tắc trong thực tiễn xây dựng CNXH; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN với mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; giữa việc củng cố, chỉnh đốn và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản với vai trò xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những thành quả cách mạng hơn 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hết sức quan trọng làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ “máu thịt” không thể tách rời.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, như: Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013, “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 30-CT/TW “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Quyết định số 217-QĐ/TW “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Quyết định số 218-QĐ/TW “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, vv…
Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa thành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Các hình thức thực hiện dân chủ từng bước được hoàn thiện và được bảo đảm bằng Hiến pháp, Pháp luật. Dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức nhà nước, đoàn thể và xã hội, trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan dân cử được mở rộng. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý các hành vi vi phạm quyền dân chủ được chú trọng hơn. Qua đó, góp phần tích cực vào quá trình phát huy quyền làm chủ của nhân dân vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng – an ninh, củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã tập trung đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân, tổ chức tốt việc tiếp công dân, đối thoại với công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Trung ương đã kiện toàn, tăng cường các cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhiều vụ án tham nhũng lớn, theo quan điểm không có “vùng cấm”, góp phần răn đe, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, còn nhiều khó khăn. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn cao, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn. Số người thiếu việc làm và việc làm không ổn định còn nhiều, nhất là ở khu vực nông thôn. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường hiện nay rất khó khăn trong tìm việc làm. Đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân về đền bù giải phóng mặt bằng đất đai còn lớn. Quản lý nhà nước về tài nguyên còn bộc lộ nhiều khâu yếu kém; Ô nhiễm môi trường ở một số nơi còn nghiêm trọng. Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh còn yếu. Tình trạng tham nhũng còn phức tạp... Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên quan liêu, xa dân, chỉ lo thu vén cá nhân, làm giàu bất chính, vô cảm trước những khó khăn của quần chúng nhân dân,vv... Những biểu hiện này làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị Dân vận toàn quốc đã chỉ rõ: Hiện nay vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân. Phát triển kinh tế phải quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, quan tâm các đối tượng chính sách, người có công, cải cách chính sách tiền lương,... Trên cơ sở đó, cải thiện, nâng cao thực chất đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Học tập và làm theo Bác thì mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; triển khai và thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo quy dịnh của pháp luật. Thể chế hóa phương châm “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt Cải cách hành chính, Quy chế giám sát và phản biện xã hội các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định về các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy dân chủ phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội; phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân là tạo nguồn lực to lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo ra mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân trong tình hình mới. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân, không để xẩy ra diểm nóng. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng. Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân bất luận thời kỳ nào cũng luôn được coi là mối quan hệ “mật thiết”, “máu thịt”, “sống còn”. Trên nền tảng lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh hoa văn hóa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân; không có sức mạnh nào vô địch như sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Muốn cách mạng thành công thì Ðảng phải vững mạnh, phải dựa vào dân, tổ chức vận động nhân dân tham gia và lãnh đạo nhân dân thực hiện những nguyện vọng, lợi ích thiết thực cho nhân dân. Nước phải lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ được tăng cường, củng cố vững chắc khi Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp theo quan diểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đoàn Văn Kỳ