Sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã: Công tác nhân sự trước yêu cầu mới
Công tác nhân sự có vai trò then chốt trong việc đảm bảo sự ổn định của hệ thống chính trị
"Cuộc cách mạng" về bộ máy tổ chức, đơn vị hành chính tại nước ta hiện nay đang được thực hiện hết sức khẩn trương, tích cực, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện được triển khai theo phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ địa phương, tỉnh không chờ huyện, huyện không chờ cơ sở” với cách làm bài bản, khoa học, dân chủ.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương 2 cấp. Cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cấp xã gồm xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố. Theo dự kiến, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương hai cấp sẽ hoàn thành trước ngày 01/9/2025.
Sau khi sáp nhập tỉnh, thành phố, bỏ cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã, một trong những vấn đề quan trọng, khó khăn đặt ra là công tác nhân sự, đặc biệt là công tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập bởi công tác cán bộ nói chung, việc lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập nói riêng là đặc biệt quan trọng, có vai trò then chốt trong việc đảm bảo sự ổn định của hệ thống chính trị, nhanh chóng thích ứng với tình hình mới để triển khai kế hoạch phát triển ở các địa phương.
Kết luận số 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới đã nêu rõ: "Không xem xét, phân công, bố trí, giới thiệu giữ chức vụ cao hơn, có vị trí quan trọng hơn đối với cán bộ đã bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 hoặc có vi phạm, khuyết điểm theo kết luận của cấp có thẩm quyền hoặc có thông tin về trách nhiệm cá nhân trong các vụ án, vụ việc, kết luận mà các cơ quan chức năng đang, sẽ điều tra, thanh tra, kiểm tra".
Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khi bàn về nội dung sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh:“phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác”. Tổng Bí thư cũng nêu rõ quan điểm: “Trong tình hình hiện nay, không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân"; “"những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu thì tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người xứng đáng hơn - tự nguyện đứng về phía sau vì sự phát triển cũng là hành động bản lĩnh, dũng cảm, đáng tự hào, đáng được khen ngợi".
Các chủ trương, quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ của Nhân dân, đồng thời, mang đến kỳ vọng về đội ngũ cán bộ bản lĩnh, có năng lực xứng tầm với những trọng trách lịch sử trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đắk Nông chú trọng phát triển nguồn nhân lực ngay từ đầu nhiệm kỳ
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Đắk Nông đã quan tâm, chú trọng đến công tác cán bộ và phát triển nguồn nhân lực; ban hành, triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương và đạt các kết quả khả quan, đáng ghi nhận.
Việc quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh cơ bản phù hợp với vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh cán bộ. Công tác tuyển dụng được thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật, tuyển chọn những cá nhân có năng lực, trình độ chuyên ngành phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Việc bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy định, phù hợp chuyên môn được đào tạo. Cơ cấu độ tuổi, nữ, dân tộc thiểu số, có tính kế thừa và phát triển bảo đảm.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện. Từ năm 2020 đến năm 2023, tỉnh đã tổ chức hơn 12.876 lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; trong đó, cán bộ cấp xã chiếm hơn 7.000 lượt người, tập trung vào các khóa học nhằm nâng cao kỹ năng quản lý hành chính và ứng phó với các vấn đề thực tế tại địa bàn. Tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số tham gia các chương trình đào tạo cũng tăng lên đáng kể, đạt hơn 30% tổng số học viên; việc quan tâm chăm lo, phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số luôn được tỉnh Đắk Nông quan tâm. Các chính sách thu hút đặc thù đối với một số ngành trọng điểm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh chú trọng, tăng cường.
Một số giải pháp về công tác nhân sự trước yêu cầu mới
Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đang thực hiện những quyết sách có tính cách mạng, các yêu cầu, nhiệm vụ đang đặt ra ngày càng cao sẽ vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chứng minh năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Chúng ta cần xác định rõ việc tinh gọn bộ máy không đơn thuần là cắt giảm cơ học mà là một cuộc cách mạng toàn diện, đòi hỏi sự tham gia chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hơn bao giờ hết, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần hiểu rõ mục tiêu, nắm vững nghiệp vụ, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Do đó, cần xây dựng một đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Để có đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, có chiến lược phát triển nguồn nhân lực bài bản, từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đến đánh giá và sử dụng.
Trong tuyển dụng cần công khai, minh bạch, chú trọng phẩm chất, năng lực thực tế, năng lực chuyên môn và khả năng nhạy bén, linh hoạt đối với yêu cầu công việc để thu hút được những người trẻ có trình độ, nhiệt huyết và khát vọng cống hiến. Công tác tuyển dụng phải thực sự công tâm, khách quan, vì lợi ích chung thì mới tuyển chọn được những cán bộ có đủ tâm, đủ tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Không ngừng đổi mới, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ hiện có. Chú trọng đào tạo theo vị trí việc làm, gắn lý thuyết với thực tiễn, cập nhật những kiến thức mới về quản lý nhà nước, kinh tế, xã hội và công nghệ.
Xây dựng được hệ thống đánh giá cán bộ khách quan, công bằng, dân chủ, công khai dựa trên hiệu quả công việc thực tế và phẩm chất đạo đức để làm căn quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ.
Hai là, đánh giá toàn diện năng lực và nhu cầu nhân sự, thực hiện khảo sát và đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu nhân sự tại các đơn vị hành chính sau sáp nhập; xác định các vị trí thừa, thiếu và các công việc có thể được tinh giản hoặc chuyển giao cho các cơ quan khác.
Ba là, việc cắt giảm biên chế cần phải được thực hiện một cách hợp lý và công bằng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức. Quá trình tinh giản biên chế cần có lộ trình rõ ràng, công khai và được thực hiện một cách đồng bộ.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính thủ công, giảm bớt khối lượng công việc thủ công và nâng cao hiệu quả công việc.
Mục tiêu cao nhất của việc xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, lắng nghe ý kiến, giải quyết kịp thời những bức xúc của Nhân dân. Vì vậy, phải lựa chọn được những người đủ năng lực, trình độ, có tinh thần cống hiến, trách nhiệm cao, có khát vọng và nhiệt huyết cống hiến để đảm đương tốt trọng trách được giao để bố trí vào bộ máy mới. Đồng thời, cần dũng cảm giải quyết chính sách, chế độ đối với người không đáp ứng yêu cầu công việc.
Đào Thu Hà