Tăng cường vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu của sự phát triển
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, công tác cán bộ được đổi mới một bước. Một trong những vấn đề cấp bách của công tác cán bộ là phải tăng cường đội ngũ cán bộ nữ, đưa phụ nữ tham gia vào công việc quản lý kinh tế, quản lý nhà nước.
Đảng phải “làm tốt công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ, chú ý cán bộ nữ”[1]. Đồng thời, “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.[2] Có thể nói, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ đặt ra không phải trên quan niệm giới tính hẹp hòi, bồi dưỡng một cách chiếu lệ mà đó là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
.jpg)
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế
Sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo, quản lý được coi là thước đo cơ bản về vai trò của phụ nữ trong nền chính trị hiện đại. Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nhưng các quan điểm đều nhất quán ở chỗ cho rằng, vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị tỷ lệ thuận với tỉ lệ phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý. Điều này giải thích tại sao Chiến lược và Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành. Giải phóng phụ nữ, đưa yếu tố giới và phụ nữ vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào đời sống chính trị đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu chứ không chỉ của riêng quốc gia, dân tộc nào. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có sự khác biệt lớn giữa nam và nữ trong việc tham gia hoạt động chính trị ở các quy mô, từ trong gia đình đến cộng đồng, từ địa phương đến quốc gia, phụ nữ vẫn có rất ít đại diện trong bộ máy chính quyền và các cấp ra quyết định.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Đảng ta phải tiếp tục sự nghiệp giải phóng phụ nữ sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, cần chú ý thực hiện hai điều: một là, Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ, để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo; hai là, bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Theo Người, thực hiện được hai điều này là “một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”. Giải phóng phụ nữ khỏi những ràng buộc, quan niệm lạc hậu, đồng thời tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ bình đẳng và phát triển, thực hiện chống phân biệt đối xử với phụ nữ là cái gốc, là cơ sở để tạo cơ hội cho phụ nữ tiến bộ. Bình đẳng giới trở thành mục tiêu, đồng thời cũng trở thành vấn đề trung tâm của phát triển, là yếu tố để nâng cao khả năng tăng trưởng kinh tế của quốc gia, xóa đói giảm nghèo và quản lý nhà nước có hiệu quả. Để có một đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp, các ngành phải có kế hoạch đào tạo cán bộ nữ, có kế hoạch đào tạo thì có cơ sở vững chắc mà đề bạt cán bộ “ Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo”[3].
Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ đã được Đảng ta quán triệt và thực hiện từ trước đến nay, thể hiện qua các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng trong công tác vận động phụ nữ, nhằm phát huy vai trò to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng. Đảng luôn chú trọng đến vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với lực lượng phụ nữ trong xã hội, có phẩm chất, trình độ và năng lực tham gia mọi lĩnh vực của đời sống.
Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16-5-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới chỉ rõ: “Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội là một yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ, là điều kiện để phát huy tài năng, trí tuệ và nâng cao địa vị của phụ nữ”, phụ nữ tham gia quản lý nhà nước là một bảo đảm để các vấn đề giới được phản ánh trong quá trình ra quyết định, là sự khẳng định về năng lực, trí tuệ của phụ nữ.
Nghị quyết IX của Đảng nêu rõ: “Thiết thực chăm lo sự bình đẳng về giới, sự tiến bộ của phụ nữ”. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; chăm sóc sức khỏe, bà mẹ tạo điều kiện cho chị em kết hợp nghĩa vụ công dân với chức năng làm mẹ và xây dựng hạnh phúc gia đình.
Nghị quyết X của Đảng nhấn mạnh: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp”[4].
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục khẳng định quan điểm: Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng”[5]. Có thể nói, những quan điểm đó đã và đang được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai, quán triệt và lấy làm kim chỉ nam trong việc thực hiện công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng. Đó là những cơ sở pháp lý và lý luận vững chắc, tạo nền tảng cho việc thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực chính trị.
Đại hội XIII xác định cụ thể: “ Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”[6].
Thực tiễn đã cho thấy, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, một mặt Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành phải quan tâm và có chính sách phù hợp đối với cán bộ nữ, song mặt khác, bản thân chị em phải tự phấn đấu vươn lên, phải có ý thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, có khả năng và tinh thần làm chủ, có tài đức, luôn có tinh thần học tập, cầu tiến bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”[7].
Nhìn lại chặng đường đã qua, phụ nữ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên; mặt khác, sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước đã tạo môi trường thuận lợi để chị em có cơ hội phát triển toàn diện và tham gia trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những đóng góp tích cực và cụ thể của phụ nữ vào thành quả của công cuộc đổi mới đã dần làm thay đổi những định kiến về vai trò của phụ nữ trong xã hội, khiến xã hội phải thừa nhận phụ nữ có khả năng tham gia lĩnh vực chính trị không thua kém nam giới và nhìn nhận, đánh giá đúng hơn về vai trò, vị trí của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước.
Cẩm Trang
[1] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2002, tr. 141.
[2] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 169.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, tr. 617.
[4] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr. 120.
[5] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII , Nxb CTQG, Hà Nội, 2016, tr. 163
[6] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 169.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, tr.59-60.