Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã đề cập những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách sâu sắc, toàn diện, tâm huyết. Đây là tài liệu hết sức quý báu phục vụ việc nghiên cứu, học tập, giáo dục chính trị, tư tưởng và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách sâu sắc, toàn diện, tâm huyết (Ảnh: Tư liệu)
Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị
Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta. Do đó, để xây dựng Đảng về chính trị, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tuyệt đối kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, giữ vững bản chất giai câp công nhân của Đảng. Đặc biệt, trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền, hoạt động trong môi trường phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; cán bộ, đảng viên hằng ngày, hàng giờ đối mặt với mặt trái của cơ chế thị trường, do đó càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng. Nếu cán bộ, đảng viên không kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, không vững vàng về tư tưởng, bản lĩnh chính trị thì rất dễ bị thoái hóa, biến chất, cho nên tác phẩm yêu cầu, “phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động”[1].
Bên cạnh đó, “cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”[2].
Đẩy mạnh xây dựng Đảng về tư tưởng
Theo Tổng Bí thư, vấn đề cốt lõi của xây dựng Đảng về tư tưởng là phải “kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; thường xuyên đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nên tảng tư tưởng của Đảng”[3]
Cùng với đó, coi trọng công tác lý luận, “không thể để kéo dài tình trạng còn lạc hậu của lý luận so với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn. Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn, “phải có tầm nhìn vượt trước’, phải tạo được những bước đột phá về lý luận phát triển, khai thông những điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, quan điểm phục vụ cho việc hoàn thiện thể chế, xây dựng đường lối, chủ trương, định hướng, chính sách phát triển; khơi dậy khát vọng và phát huy ý chí, quyết tâm vươn lên của cả dân tộc; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”[4].
Tiếp tục xây dựng Đảng về đạo đức
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất phức tạp vì nó liên quan đến công tác tổ chức, đến con người. Việc tu dưỡng đạo đức của đảng viên cũng rất khó khăn vì phải chống kẻ thù “nội xâm” - kẻ thù ở trong mình và ở các đồng chí của mình. Khó khăn là vậy nhưng nhất thiết phải làm, để thực hiện được nhiệm vụ đó thì phải có khâu đột phá.
Do đó, trong tác phẩm, yêu cầu về xây dựng Đảng về đạo đức được Tổng Bí thư phát triển lên một tầm cao mới, đặt trong mối quan hệ với xây dựng văn hóa Đảng, văn hóa chính trị. Chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên; xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quán lý; chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức; kiên quyêt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, cần tiếp tục đưa “việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, nhu cầu văn hóa tinh thần trong Đảng, tạo dấu ấn rõ rệt về xây dựng văn hóa đảng, để Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”[5].
Cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong Đảng và trong bộ máy chính quyền lại càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Trong tác phẩm, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả”[6]. Bởi vậy, “chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài: phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không ngưng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực”[7], thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trí tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm: phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng” một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng” và mội cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”.
Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực: xử lý đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật hình sự đối với những người vi phạm, bất kể đó là ai. Đặc biệt: “phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch: không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân: bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội”[8].
Bởi vậy, nhiệm vụ của Đảng ta là tăng cường xây dựng đảng về công tác cán bộ, phải “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”[9], đội ngũ cán bộ “có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quổc, phục vụ nhân dâ, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ dù ở vị trí nào cũng cần phả luôn luôn có ý thức đđầy đủ về trách nhiệm của mình, làm “đúng vai, thuộc bài”, thật sự có chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý trọng. Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung”[10].
Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng
Tổng Bí thư yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp cần phải tiếp tục nhận thức thật sâu sắc và đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Theo đó, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Phải giữ vững các nguyên tắc của Đảng, coi trọng chứng cứ, không suy diễn, không áp đặt, không thành kiến, thực hiện đúng phương châm: “Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”. Kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống; xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Các cấp ủy, nhất là người đứng đầu, phải tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng theo chức năng, nhiệm vụ. Phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cẩm Trang
[1] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG - ST, H, 2022, tr. 37.
[2] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG - ST, H, 2022, tr. 37-38.
[3] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG - ST, H, 2022, tr. 56.
[4] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG - ST, H, 2022, tr. 227-228.
[5] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG - ST, H, 2022, tr. 336.
[6] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG - ST, H, 2022, tr.412.
[7] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG - ST, H, 2022, tr.413.
[8] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG - ST, H, 2022, tr.412.
[9] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG - ST, H, 2022, tr.48.
[10] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG - ST, H, 2022, tr.379.