Thực trạng và những vấn đề đặt ra với công tác tham mưu lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở Đắk Nông hiện nay
Văn hóa, văn nghệ là một lĩnh vực đặc thù đòi hỏi Đảng phải định hình phương thức lãnh đạo phù hợp ở từng giai đoạn cách mạng. Trong điều kiện mới, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa, văn nghệ có ý nghĩa bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Với quan điểm “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, văn hoá là một trong bốn vấn đề cần phải được coi trọng và được đặt ngang nhau, đó là: chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá. Thực tế cho thấy, cùng với kinh tế, văn hóa nói chung, hoạt động văn hóa, nghệ thuật nói riêng, được coi là thành tố đảm bảo sự phát triển bền vững, khẳng định vị thế, sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc và tổ chức, cá nhân trong quá trình hội nhập. Trên phương diện vĩ mô, công tác tham mưu, quản lý hoạt động văn hóa, nghệ thuật góp phần định hướng, điều chỉnh sự phát triển của văn hóa, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Đồng thời, tác động đến mục tiêu, bản chất của văn hóa, bảo đảm cho sự phát triển văn hóa bền vững, lành mạnh, hội nhập ngày càng sâu rộng mà không bị hòa tan.
Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lĩnh vực văn hoá, văn nghệ trên địa bàn, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang lại những kết quả tích cực, từng bước đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Để công tác văn hoá, văn nghệ hoạt động đảm bảo đúng định hướng, mục tiêu phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, cơ quan, đơn vị và nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân, ban tuyên giáo các cấp đã tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, hướng dẫn, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hoá, văn nghệ; bảo tồn và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc để hoạt động văn hoá, văn nghệ trở thành công cụ sắc bén trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng. Phối hợp các cấp, ngành, đơn vị liên quan theo dõi các sự kiện, hoạt động văn hoá, văn nghệ, hoạt động xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch văn hoá với các địa phương trong và ngoài nước; theo dõi, chỉ đạo các sự kiện văn hoá, hoạt động văn hoá, văn nghệ; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và xây dựng thiết chế văn hoá thông tin - thể thao; nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ cán bộ hoạt động trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ thông qua các hoạt động gặp mặt đầu xuân, lễ đón nhận, tôn vinh các danh hiệu...
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ tiếp tục được tăng cường. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham mưu, thực hiện tốt công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ phục vụ các nhiệm vụ chính trị; hướng dẫn tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ đảm bảo chất lượng, nội dung, hình thức phong phú, lành mạnh, phù hợp với nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục của các dân tộc trên địa bàn, tôn vinh, đề cao các giá trị “chân - thiện - mỹ”; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hoạt động văn hóa trái với quy định của pháp luật; ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đồng thời quan tâm phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác văn hóa, văn nghệ... góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đắk Nông đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, liên hoan nghệ thuật quần chúng, liên hoan tuyên truyền lưu động... cũng diễn ra sôi nổi, rộng khắp, tạo sự vui tươi, phấn khởi trong cán bộ, các tầng lớp Nhân dân, góp phần tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc và địa phương; giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh.
Cùng với việc tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa văn nghệ, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; quản lý, tổ chức lễ hội tiếp tục được quan tâm, chú trọng thực hiện. Tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư nguồn lực, các giải pháp phù hợp tạo điều kiện cho quản lý, bảo vệ và phát huy các di sản văn hoá phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững. Đến tháng 3/2024, Đắk Nông có 02 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh; 18 di tích được xếp hạng, trong đó: 01 cấp quốc gia đặc biệt, 10 di tích cấp quốc gia. 04 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Sử thi (Ot N’Drong) của người M’nông tỉnh Đắk Nông (huyện Đắk Mil, huyện Tuy Đức và Đắk Song); Nghệ thuật trình diễn Nau M’Pring (dân ca) của người M’nông tỉnh Đắk Nông; Nghề thủ công truyền thống - Nghề dệt của người M’nông tỉnh Đắk Nông; tập quán xã hội tín ngưỡng Lễ cúng Thần rừng (Yang brê) của người Mạ, thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ 44.500 tài liệu, hiện vật, có 55 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú, trong đó: có 04 nghệ nhân nhân dân và 51 nghệ nhân ưu tú.
Tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh; động viên, khuyến khích các hội viên, văn nghệ sĩ, các phóng viên thâm nhập thực tế, sáng tác tạo ra các tác phẩm có giá trị cao về văn học, nghệ thuật; một số tác phẩm được vinh danh và đạt giải...
Qua đó, cho thấy công tác tham mưu trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ được tổ chức triển khai theo đúng định hướng của Đảng, phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương, đơn vị, tạo môi trường văn hoá, xã hội ổn định, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, công tác tham mưu, quản lý văn hoá, văn nghệ và những kết quả đạt được về lĩnh vực văn hoá, văn nghệ trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, bất cập, đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đắk Nông cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục cải thiện, đổi mới, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; nâng cao nhận thức vai trò quan trọng của văn hóa trong việc phát triển toàn diện các lĩnh vực ở cơ sở. Quan tâm đầu tư đúng mức cho lĩnh vực văn hóa, tương ứng với mức tăng trưởng, phát triển kinh tế. Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên bảo tồn văn hóa truyền thống và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, duy trì hoạt động hiệu quả của các câu lạc bộ văn hóa; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ thiết thực, đổi mới nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia.
Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, rà soát, sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo số lượng và chất lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu, quản lý văn học nghệ thuật.
Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa số, ứng dụng công nghệ số trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá góp phần đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, gắn với tuyên truyền nâng cao sức đề kháng của người dân khi tham gia mạng xã hội.
Hồng Nhung