Tỉnh ủy Đắk Nông sơ kết 05 năm thực hiện Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”
Tính đến ngày 15/8/2023, tỉnh Đắk Nông có 12 Đảng bộ trực thuộc (có 07 Đảng bộ huyện, 01 Đảng bộ thành phố; 03 Đảng bộ lực lượng vũ trang và 01 Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh), với 437 tổ chức cơ sở đảng (164 đảng bộ, 273 chi bộ cơ sở) và 1.699 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở (trong đó 01 đảng bộ bộ phận).
Tổng số đảng viên 27.302 đồng chí (trong đó: đảng viên nữ 9.878 đ/c; người dân tộc thiểu số 4.288 đ/c; trong các tôn giáo 935 đ/c; đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh 6.437 đ/c). Công tác xóa thôn, buôn, bon, bản “trắng” chi bộ, “trắng” đảng viên đã được cấp ủy các cấp tích cực triển khai thực hiện. Đến nay, 100% thôn, buôn, bon, bản, TDP đã có chi bộ (trong đó 04 chi bộ thôn chưa có đảng viên là người tại chỗ gồm: Chi bộ Thôn Xuân Trang, Thôn Thanh Sơn, Thôn Xuân Sơn, Thôn Xuân Thành, thuộc xã Đức Minh, huyện Đăk Mil).
Sau 05 năm triển khai Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW đã được những kết quả thực hiện như sau :
- Các cấp ủy chi bộ đã có bước chuyển biến tích cực về nhận thức trong tổ chức sinh hoạt chi bộ; nắm vững nội dung, phương thức, quy trình sinh hoạt bảo đảm theo trình tự, bám sát yêu cầu và các nội dung trong Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương và Hướng dẫn số 23 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy để triển khai thực hiện. Việc tổ chức sinh hoạt của các chi bộ đã đi vào nền nếp; duy trì sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ đều đặn hằng tháng; bảo đảm trình tự và nội dung một buổi sinh hoạt theo quy định.
- Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã chú trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các ban đảng của Tỉnh ủy đã tích cực trong công tác chuyên môn, chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp cho cấp ủy chỉ đạo sát sao việc thực hiện Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, vận dụng tốt các quy định, hướng dẫn của Trung ương trong công tác xây dựng Đảng; kịp thời giải quyết vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
- Sự thống nhất cao và đồng thuận của các đảng bộ trực thuộc tỉnh nhằm thực hiện một cách tốt nhất Hướng dẫn số 12 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Sự tham mưu tích cực của các ban đảng, đặc biệt là ban tổ chức các huyện ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức cơ sở đảng, các chi bộ thực hiện.
- Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hưởng ứng tích cực; đặc biệt, các cấp ủy đảng đã và đang triển khai thực hiện tốt việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 06-CT/TW, Chỉ thị số 03-CT/TW và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên đối với công tác xây dựng Đảng nói chung, chất lượng nội dung sinh hoạt chi bộ nói riêng.
- Đội ngũ cấp ủy viên, bí thư, phó bí thư chi bộ là những người có kinh nghiệm, uy tín tại cơ sở hoặc là cán bộ chủ chốt của cơ quan, đơn vị, có bản lĩnh chính trị, vững về chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm công tác nên đã thể hiện được vị trí, vai trò của mình trong chi bộ. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chi bộ được nâng lên một bước.
- Các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đã làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, kế hoạch của cấp ủy cấp trên, trong đó có sinh hoạt chi bộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại, hạn chế, giải pháp trong thời gian tới như sau:
- Về thực hiện các tính chất sinh hoạt chi bộ: một số ít cấp ủy, chi bộ chưa thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt đảng; tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ chưa thể hiện rõ nét; tinh thần tự phê bình và phê bình, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao nên chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều mặt hạn chế.
- Về nền nếp sinh hoạt chi bộ: việc duy trì chế độ sinh hoạt ở một số ít chi bộ không đều; do đặc thù của một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên thường xuyên đi công tác dẫn đến việc tổ chức sinh hoạt định kỳ chưa quy định thời gian cụ thể; nhất là các chi bộ trường học; cán bộ, đảng viên có chế độ nghỉ thời gian dài (nghỉ hè) dẫn đến tổ chức sinh hoạt chưa bảo đảm theo đúng quy định, còn tổ chức sinh hoạt ghép.
- Về nội dung sinh hoạt hàng tháng: một số cấp ủy, chi bộ chưa làm tốt việc lựa chọn nội dung dẫn đến nội dung sinh hoạt chi bộ còn hạn chế về chất lượng, cụ thể: nội dung thông tin thời sự và phổ biến các văn bản chỉ đạo cấp trên có khi còn dàn trải, không xác định rõ trọng tâm. Có chi bộ chưa đánh giá một cách cụ thể việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh hằng tháng, một số chi bộ lúng túng trong việc chọn nội dung, chủ đề để học tập, rèn luyện... Nội dung đánh giá kết quả tình hình thực hiện nghị quyết của chi bộ trong tháng chưa nêu rõ vai trò lãnh đạo của chi bộ mà còn mang tính liệt kê vụ việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị; ít đề cập đến khuyết điểm, tồn tại, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Do cấp ủy chuẩn bị nội dung chưa được tốt, nên trong sinh hoạt nhiều chi bộ thảo luận không tập trung, khó khăn cho việc kết luận và ra nghị quyết. Nhiệm vụ của chi bộ đề ra tháng tới còn thiếu cụ thể, chưa bám sát nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị; phân công cán bộ, đảng viên phụ trách, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết của chi bộ chưa rõ ràng.
Hồ sơ, sổ sách ghi chép trong sinh hoạt chi bộ chưa đầy đủ; việc ghi biên bản họp của một số chi bộ còn sơ sài, không thể hiện rõ diễn biến cũng như những ý kiến thảo luận của đảng viên và kết luận của chủ trì. Một số nội dung về thể thức văn bản chưa được chú ý, như chưa ghi các ý kiến đồng ý, không đồng ý trong thảo luận, vấn đề cần biểu quyết, ngày tháng diễn ra cuộc họp, số đảng viên có mặt, vắng mặt, chữ ký của chủ tọa, thư ký… Ở một số chi bộ không ghi nội dung sinh hoạt chi ủy; vẫn còn tình trạng tổ chức sinh hoạt chi bộ lồng ghép với sinh hoạt chuyên môn cơ quan, dẫn đến nội dung sinh hoạt không tập trung, chất lượng không đảm bảo.
- Về phương pháp, cách thức tiến hành sinh hoạt: phương pháp điều hành sinh hoạt của một số cấp ủy chi bộ chưa hợp lý, chưa đúng trình tự các nội dung; ở một số chi bộ, hình thức sinh hoạt còn rập khuôn, đơn điệu, không khí sinh hoạt còn trầm lắng, nặng về phổ biến, quán triệt nên không gây được hứng thú thu hút đảng viên tham gia góp ý, thảo luận.
- Về sinh hoạt chuyên đề: vẫn còn nhiều chi bộ ít tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Việc lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề ở một số chi bộ còn mang tính hình thức, nội dung đưa ra chưa phải là những nội dung cần thiết, nổi cộm ở cơ sở hoặc của cơ quan, đơn vị.
- Ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm đảng viên: Nhận thức của một số cấp ủy và một bộ phận cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ còn hạn chế, việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng chưa đầy đủ và nghiêm túc. Ý thức của một số đảng viên trong việc thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng chưa tốt; nhiều đảng viên còn thụ động, ngại va chạm, thiếu tinh thần tự phê bình và phê bình, khi có sự việc bức xúc xảy ra thì đùn đẩy, bản thân không có trách nhiệm, quan điểm, chính kiến riêng.
- Công tác quản lý đảng viên: một số cấp ủy chi bộ thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đảng viên, chưa bố trí hợp lý thời gian sinh hoạt để đảng viên là cán bộ lãnh đạo quản lý (nhất là thủ trưởng cơ quan) tham gia sinh hoạt; công tác quản lý cán bộ đảng viên còn thiếu sâu sát. Một số đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ không đều đặn, thiếu trách nhiệm trong sắp xếp công việc chuyên môn để tham gia sinh hoạt chi bộ, còn viện lấy lý do bận nhiều công việc chuyên môn (trong đó có một số cán bộ lãnh đạo, quản lý) vắng nhiều kỳ sinh hoạt chi bộ trong năm; việc giữ mối liên hệ với chi uỷ, chi bộ nơi cư trú cũng còn hình thức.
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, thường xuyên quán triệt cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của chi bộ trong từng loại hình chi bộ đảng, nhất là đội ngũ cấp ủy, bí thư chi bộ. Không ngừng bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đồng chí bí thư và cán bộ chủ chốt. Tổ chức các lớp bồi dưỡng tập trung cho các đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy để nâng cao năng lực tổ chức, điều hành sinh hoạt chi bộ.
Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo, đề cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy các cấp, duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ sinh hoạt định kỳ. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, trong sinh hoạt dành thời gian để đảng viên phát biểu thể hiện chính kiến của mình, đồng chí chủ trì phải công tâm, khách quan, lắng nghe ý kiến và gợi ý những vấn đề quan trọng để đảng viên thảo luận. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Ba là, cải tiến việc ban hành nghị quyết, nâng cao chất lượng nghị quyết; nghị quyết phải xác định đúng vấn đề cần tập trung lãnh đạo, gắn với nhiệm vụ của địa phương, đơn vị trong từng thời kỳ để đi sâu, bàn kỹ có trọng tâm, trọng điểm; nghị quyết phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và khả năng thực thi được. Chọn những vấn đề nổi cộm, những bức xúc, vướng mắc, những băn khoăn lo lắng, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để tổ chức sinh hoạt chuyên đề nhằm qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của chi bộ.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cấp uỷ đảng phải chủ động, kịp thời, nghiêm túc, đúng nguyên tắc và phải có tác dụng giáo dục sâu sắc. Qua kiểm tra, tự phê bình và phê bình, kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt; kỷ luật nghiêm minh những đảng viên, tổ chức vi phạm. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách. Kiểm tra, xử lý kỷ luật phải luôn gắn với củng cố kiện toàn cấp uỷ, bố trí cán bộ, bảo đảm tính ổn định của tổ chức để lãnh đạo cơ quan và đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.
Năm là, cấp ủy cấp trên các cấp nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp đối với chi bộ, phải thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc chi bộ thực hiện chế độ sinh hoạt, tăng cường vai trò trách nhiệm của cấp uỷ cấp trên đối với việc xây dựng và chỉnh đốn cấp ủy, chi bộ, quan tâm sâu sắc việc củng cố tổ chức và cán bộ ở những đơn vị trọng điểm, khắc phục tình trạng cơ sở yếu kém. Coi trọng việc sơ kết, rút kinh nghiệm về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; kịp thời biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến.
Trà My