Tư tưởng tiến công trong Đề cương cách mạng miền Nam ( Kỷ niệm 116 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4/ 1907 - 7/4/2023)
Sau khi Hiệp định Geneve vừa được ký kết, Mỹ-Diệm đã xé bỏ hoàn toàn Hiệp định, khước từ mọi đề nghị của Chính phủ ta cử đại biểu hai miền gặp nhau bàn bạc việc lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền và bàn bạc việc hiệp thương tổng tuyển cử.
Với âm mưu quyết biến miền Nam thành một quốc gia chống Cộng theo quỹ đạo của Mỹ... Nhằm thực hiện âm mưu trên, đế quốc Mỹ và bọn tay sai Ngô Đình Diệm thực hiện các thủ đoạn dã man tàn bạo đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam bằng việc liên tiếp mở các cuộc hành quân, bắt bớ những người cách mạng, khủng bố tinh thần quần chúng.Thực hiện chính sách “tố Cộng, diệt Cộng”, quyết tiêu diệt hết những đảng viên Cộng sản, xoá tư tưởng Cộng sản, triệt hạ tận cùng Đảng Cộng sản.
Trước tình thế cách mạng miền Nam lâm vào hoàn cảnh khó khăn phức tạp, đấu tranh chính trị đơn thuần không còn là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn bàn tay đẫm máu của quân thù, cán bộ và nhân dân miền Nam khát khao trông chờ một điều kỳ diệu nào đó để có thể làm thay đổi tình hình.
Đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó, từ mùa thu năm 1955 đến mùa thu năm 1956, ở Bến Tre và Sài Gòn, đồng chí Lê Duẩn, khi ấy là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đã soạn thảo Đề cương Cách mạng miền Nam chuyển xuống các đảng bộ nghiên cứu và góp ý kiến. Đề cương Cách mạng miền Nam được phác thảo ở Bến Tre từ mùa khô năm 1955. Lúc đầu đưa ra thảo luận trong Hội nghị các Bí thư Tỉnh ủy miền Tây Nam Bộ, sau đó ở miền Đông Nam Bộ và cuối cùng ở Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ họp ở Phnôm-Pênh tháng 12/1956. Đề cương nhấn mạnh: “Trong hoàn cảnh đó, nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác”[1]. Chủ trương kết hợp nhuần nhuyễn đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, hậu phương lớn gắn với tiền tuyến lớn, phối hợp chặt chẽ giữa ba vùng chiến lược (rừng núi, đồng bằng, đô thị) tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc, đã dấy lên niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Đây là văn kiện quan trọng hướng dẫn các đảng bộ ở miền nam kịp thời chuyển hướng chỉ đạo đấu tranh, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng, đồng thời góp phần chuẩn bị cơ sở lý luận chính trị để hình thành Nghị quyết Trung ương lần thứ 15.
Trong bản đề cương với 24 trang viết tay, gồm 5 phần: Phần I: ba nhiệm vụ chính của cả nước hiện nay; Phần II: mục đích, nhiệm vụ và đối tượng của cách mạng miền Nam; Phần III: yêu cầu và khẩu hiệu của cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam; Phần IV: hình thức đấu tranh và khả năng phát triển của phong trào cách mạng miền Nam và phần V là bài học lịch sử và những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam.
Nội dung Đề cương cách mạng miền Nam đã phân tích chính xác âm mưu, thủ đoạn và khả năng của Mỹ - ngụy; thái độ của các giai cấp, tầng lớp nhân dân; tình hình chính trị, kinh tế, xã hội miền Nam... Từ nội dung của bản đề cương, các đảng bộ địa phương lúc đó tập trung vào ba việc: có biện pháp đối phó với bọn ngoan cố, tổ chức vũ trang tự vệ và xây dựng căn cứ địa vững chắc.
Xác định đối tượng của cách mạng miền Nam là đế quốc và phong kiến; kẻ thù cụ thể và trước mắt của cách mạng miền Nam là đế quốc Mỹ xâm lược, địa chủ phong kiến, tư sản mại bản phản động - tay sai của đế quốc Mỹ, “Chính quyền miền Nam hiện nay không chỉ là chính quyền do bọn thực dân cũ và phong kiến bị bại trận để lại, mà còn là con đẻ của chủ nghĩa thực dân mới, của tên đế quốc đầu sỏ rất hiếu chiến đang có mưu đồ xâm lược nước ta là đế quốc Mỹ”[2]. Thực tế, việc xác định đúng tính chất xã hội miền Nam, xác định đúng kẻ thù của cách mạng ở thời điểm đó có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện tư duy sắc sảo và nhãn quan chính trị sáng suốt của đồng chí Lê Duẩn.
Từ việc xác định đối tượng, Đề cương nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là trực tiếp đánh đổ chính quyền độc tài, phát-xít Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách đế quốc, phong kiến, thiết lập ở miền Nam một chính quyền liên hiệp có tính chất dân tộc, dân chủ để cùng với miền Bắc thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ nhân dân”[3].
Về phương pháp đấu tranh thống nhất Tổ quốc, bản Đề cương nêu rõ, hiện nay vừa phải sử dụng đấu tranh hoà bình, vừa phải chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang khi tình hình thay đổi. Trong đấu tranh chính trị có vũ trang tự vệ, đồng thời phải chuẩn bị khả năng để tiến lên đấu tranh vũ trang toàn diện.
Để tập hợp, xây dựng và phát triển rộng rãi lực lượng cách mạng Miền Nam, bản Đề cương nêu rõ chủ trương xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam. Đề cương cũng nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng cho phù hợp với tình hình cụ thể ở miền Nam.
Trước những diễn biến mới, đầy phức tạp khi ngày 6/5/1959, chính quyền Sài Gòn thông qua Luật 10/59 về việc thành lập “tòa án quân sự đặc biệt” để sát hại những người cộng sản với phương châm “giết nhầm còn hơn bỏ sót” gây tổn thất nặng nề cho cách mạng, Xứ ủy Nam Kỳ đã gửi ba bức điện cho Trung ương, trong đó nhấn mạnh: “Sự đàn áp khốc liệt của địch làm cho nhân dân Nam Bộ không còn con đường nào khác phải vùng lên chống lại đế quốc Mỹ và tay sai”[4].
Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” đó, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II) đã họp tiếp đợt 2 (từ ngày 10 đến 15-7-1959) và lần này mới thông qua được nghị quyết. Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 (khóa II) đã đánh dấu việc xác định phương hướng cho cách mạng miền Nam và tạo ra phong trào đồng khởi mạnh mẽ của nhân dân miền Nam trong những năm 1959-1960. Nghị quyết khẳng định phải dùng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để đánh đổ chính quyền của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền nhân dân. Tuy muộn, nhưng Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 (khóa II) cũng đã đáp ứng được mong mỏi của nhân dân và sát với tình hình cách mạng, theo tinh thần của bản Đề cương cách mạng miền Nam. Như vậy, chính đồng chí Lê Duẩn là người đầu tiên đề xuất Cương lĩnh chống đế quốc Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Sau này, khi tổng kết ưu, khuyết điểm của Đảng trong chỉ đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đảng ta chính thức thừa nhận: “Trong một thời gian khá dài, khi cả miền Nam tràn ngập trong nước sôi lửa bỏng, Đảng ta đã chậm tìm ra phương pháp đấu tranh chuyển thế để địch thẳng tay khủng bố, tàn sát, gây tổn thất không kể xiết cho nhân dân miền Nam, đưa cách mạng lâm vào tình trạng rất hiểm nghèo”[5]. Điều này càng cho thấy giá trị tầm nhìn xa rộng trong tư duy lãnh đạo của đồng chí Lê Duẩn.
Trong khi đợi Nghị quyết Trung ương 15 được truyền đạt đến, các đảng bộ phía nam khi đó đã chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, hoàn cảnh thực tế cũng như nội dung Đề cương cách mạng miền nam mà dần tiến hành khởi nghĩa, giải phóng vùng miền núi phía tây các tỉnh đồng bằng, phát động nhân dân phá các khu tập trung của địch, đưa dân trở lại núi rừng, lập căn cứ kháng chiến chống Mỹ – Diệm. Cuộc nổi dậy của nhân dân Bác Ái vào năm 1959 đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở miền núi, tạo tiền đề cho các cuộc khởi nghĩa từng phần ở miền núi, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng trong toàn Liên khu V chuyển sang thế tấn công. Cùng với phong trào đồng khởi trên toàn miền nam, các cuộc đồng khởi ở cực Nam Trung Bộ lúc bấy giờ đã góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đơn phương của Mỹ – Diệm, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước sang thời kỳ chủ động tiến công địch, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Rõ ràng, Bản đề cương đã tác động trực tiếp đến phong trào đấu tranh chống Mỹ – Diệm ở miền nam nói chung, các tỉnh cực Nam Trung Bộ nói riêng, làm chuyển hướng phương thức đấu tranh của nhân dân, từ đấu tranh chính trị hoàn toàn sang đấu tranh chính trị kết hợp tự vệ vũ trang. Ở giai đoạn này các tỉnh Nam Trung Bộ lần lượt thành lập các đội vũ trang. Lực lượng vũ trang những năm chống Mỹ bắt đầu hình thành từ năm 1958, sau đó chúng ta dấy lên cao trào đồng khởi 1960, tạo chuyển hướng chiến lược cách mạng quan trọng.
Có thể khẳng định, trong bối cảnh tưởng chừng bế tắc của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ thì bản Đề cương có giá trị cực kỳ to lớn, mang tính đột phá, khai thông, dấy lên không khí phấn chấn, tin tưởng, tạo ra phong trào Đồng khởi mạnh mẽ (1958-1960). Hơn thế, Đề cương còn là tài liệu quý, góp phần chuẩn bị cơ sở tư tưởng, lý luận để Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng), trong đó khẳng định “Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến”[6], đã phản ánh đúng đắn khát vọng nóng bỏng của đồng chí, đồng bào miền Nam về chuyển sang đấu tranh vũ trang, bảo vệ thành quả cách mạng.
Cẩm Trang
[1] Lê Duẩn: Tuyển tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 1, tr. 98.
[2] Lê Duẩn: Tuyển tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 1, tr. 110.
[3] Lê Duẩn: Tuyển tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 1, tr. 112.
[4] Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền nam (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.208-209.
[5] Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 44-45.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 20, tr. 81.