Cách mạng Tháng Tám - bài học của nghệ thuật chuẩn bị lực lượng và chớp thời cơ
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 là một minh chứng sinh động về nghệ thuật chuẩn bị lực lượng và chỉ đạo chớp thời cơ khởi nghĩa của Hồ Chí Minh và Đảng ta. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra trong 15 ngày, nhưng đó là thành quả của quá trình chuẩn bị 15 năm trời của Đảng ta và nhân dân ta.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi. Nhưng do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào đó đã lần lượt thất bại. Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.
Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Người khẳng định: cách mạng muốn thành công phải có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo; đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là hệ tư tưởng Mác-Lênin.
Trước yêu cầu bức thiết của lịch sử, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác- Lê Nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; là kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc, khách quan của lịch sử. Ngay từ khi ra đời, Đảng đã có Cương lĩnh chính trị xác định đúng đắn con đường cách mạng là giải phóng dân tộc theo phương hướng cách mạng vô sản. Chính đường lối đúng đắn của Đảng là cơ sở đảm bảo cho sự tập hợp lực lượng và sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc cùng chung tư tưởng và hành động để tiến hành cuộc cách mạng vĩ đại giành những thắng lợi to lớn trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Hồ Chí Minh đã tập hợp, xây dựng lực lượng và tôi luyện qua thực tiễn phong trào cách mạng 1930 – 1931, 1936 – 1939, 1939 - 1945. Trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn cách mạng thế giới và trong nước, dự báo về thời cơ để tích cực xây dựng, phát triển lực lượng, đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân khi thời cơ chín muồi.
Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ và lan rộng khắp châu Âu, tình hình thế giới và phong trào cách mạng trong nước có những chuyển biến mau lẹ. Tháng 11-1939, Đảng ta họp Hội nghị Trung ương 6 nhận định và chỉ rõ nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng lúc này là tập trung mũi nhọn đấu tranh vào chủ nghĩa đế quốc thực dân Pháp và phong kiến tay sai, chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.
Tháng 11-1940, Hội nghị Trung ương 7 họp, trên cơ sở phân tích tình hình chính trị thế giới và những tác động, ảnh hưởng của cuộc Chiến tranh thế giới thứ II, Hội nghị nhận định thời cơ của cách mạng Việt Nam đang đến gần. Đảng ta xác định nhiệm vụ chủ yếu lúc này là tích cực xây dựng lực lượng, chờ thời cơ.
Năm 1940, phát xít Nhật nổ súng đánh chiếm Lạng Sơn, hai tên đế quốc Nhật - Pháp tranh nhau miếng mồi Đông Dương. Từ sự phân tích khoa học về diễn biến cuộc chiến tranh giữa phe phát xít và Đồng minh, tương quan lực lượng cách mạng và phản cách mạng, Hồ Chí Minh khẳng định thời cơ giải phóng dân tộc đang đến rất gần, tình thế cách mạng sắp xuất hiện.
Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương 8 được triệu tập dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh. Hội nghị đánh giá: tình hình thế giới, tình hình trong nước sẽ có những biến chuyển theo chiều hướng tích cực. Hội nghị nhận định: trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.
Trên cơ sở xác định quyết tâm giành tự do, độc lập, Đảng đã tích cực xây dựng lực lượng cách mạng, chủ động sẵn sàng đón thời cơ, nổi dậy khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Để hoàn thành được sứ mệnh đó, Đảng quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh), đưa ra Chương trình Việt Minh, kêu gọi nhân dân giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tích cực chuẩn bị lực lượng, đứng về phe Đồng minh chống phát xít.
Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính quân Pháp. Lúc này, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đang họp và nhanh chóng đưa ra những nhận định về thời cơ khởi nghĩa đã chin muồi và ra Chỉ thị: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” - quyết định phát động cao trào kháng Nhật cứu nước.
Tháng 7-1945, phát xít Đức, Ý đã thất bại trên chiến trường châu Âu. Ở châu Á, phát xít Nhật đang trên đường thảm bại. Đảng ta khẳng định tình thế cách mạng đã xuất hiện, đây là cơ hội giải phóng dân tộc nghìn năm có một, Hồ Chí Minh ra chỉ thị: “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập”. Cả dân tộc ta theo tiếng gọi của Người, nhất tề đứng lên khởi giành thắng lợi, thành lập chính quyền nhân dân trong cả nước.
Như vậy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 là minh chứng sinh động về sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, quy luật vận động phát triển của khởi nghĩa và cách mạng, khôn khéo trong nghệ thuật chuyển hướng chỉ đạo chiến lược qua Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6, 7, 8, chớp thời cơ giành thắng lợi nhanh lẹ và ít đổ máu; chứng tỏ tầm nhìn thời đại của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
78 năm trôi qua, nhưng bài học về nghệ thuật chuẩn bị lực lượng, nhận định thời cơ và chớp thời cơ cách mạng của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám 1945, vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường. Dưới sự lãnh đạo sang suốt của Đảng, sự đồng thuận của nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, sớm hiện thực hóa được mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh - biến lý tưởng và mục tiêu của Đảng ta, nhân dân ta thành hiện thực.
Đoàn Văn Kỳ