Chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa
Công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, UBKT các cấp, giúp cho công tác kiểm tra, giám sát phát huy hiệu lực, hiệu quả; góp phần đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa” và tình trạng quan liêu, tham nhũng lãng phí, tiêu cực...
Nhận thức rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng đó, trong thời gian qua, cấp ủy, UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Với phương châm “kiểm tra đi trước một bước”, nên trong quá trình nắm tình hình, xác định rõ dấu hiệu vi phạm, cấp ủy, UBKT các cấp đều triển khai ngay việc tiến hành kiểm tra, thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, không chờ đợi, phụ thuộc hoạt động, thanh tra, điều tra….Qua đó, nhiều vụ, việc đã được kiểm tra, kết luận xem xét, xử lý kỷ luật kịp thời; nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý, kể cả nghỉ hưu vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đều bị xử lý nghiêm minh, tạo sự đồng thuận, ủng hộ dư luận xã hội và quần chúng Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay, cấp ủy các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 04 đảng viên (BTV Tỉnh ủy kiểm tra 01; cấp ủy các cấp kiểm tra 03). Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra 24 tổ chức và 315 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Qua kết quả kiểm tra, cấp ủy, UBKT các cấp đã xem xét, kết luận 24 tổ chức và 319 đảng viên có vi phạm, phải thi hành và đã thi hành kỷ luật đối với 10 tổ chức và 157 đảng viên theo quy định. Việc thực hiện các cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm được thực hiện thận trọng, đúng quy trình, quy định, kế hoạch đề ra. Qua kiểm tra kết luận, xử lý đã tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, ý nghĩa của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, giúp tổ chức đảng, đảng viên nắm vững và chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt nguyên tắc công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 cua Ban Chấp hành Trung ương đó là “phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng từ khi mới manh nha, không để vi phạm tích tụ thành sai phạm lớn kéo dài và lan rộng…”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có DHVP, vẫn còn một số cấp ủy, UBKT chưa thực sự coi trọng thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, số lượng kiểm tra còn ít; việc phát hiện, kiểm tra vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc sợ bị ảnh hưởng đến thành tích cơ quan, đơn vị, địa phương; việc tự kiểm tra, tự phát hiện dấu hiệu vi phạm trong tổ chức vẫn là khâu yếu… Nguyên nhân do một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ kiểm tra DHVP trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình ở một số cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên chưa cao; ý thức tự nhận khuyết điểm, vi phạm của một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế…
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra khi có DHVP, góp phần phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Trong thời gian tới, cấp ủy, UBKT các cấp trong Đảng bộ tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, Cấp ủy, UBKT các cấp xác định nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có DHVP là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Nêu cao nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao của người đứng đầu cấp ủy về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có DHVP. Có như vậy, mới tạo điều kiện thuận lợi cho UBKT các cấp chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, nhất những vụ việc phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến cán bộ, đảng viên chủ chốt, cấp ủy viên các cấp.
Hai là, Ngành kiểm tra cần chủ động, tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có DHVP đối với tổ chức đảng và đảng viên. Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, có tính chất, mức độ vi phạm từng vụ, việc khác nhau, nên cần phải đòi hỏi có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, thường trực cấp ủy, sự phối chặt chẽ của các cơ quan chức năng có liên quan và sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo của UBKT và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp. Đồng thời, phải chống tư tưởng thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp trên; hay, tâm lý ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của UBKT và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp.
Ba là, Cấp ủy, UBKT các cấp bám sát, tập trung kiểm tra những vấn đề phức tạp, điểm “nóng”, những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa” trong nội bộ. Khi phát hiện DHVP phải kịp thời kiểm tra, xem xét, giải quyết dứt điểm để giúp cho tổ chức đảng và đảng viên chấn chỉnh, khắc phục, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm ngay từ sớm, từ xa, không để vi phạm kéo dài, tích tụ thành vi phạm lớn, lan rộng đến nhiều người, nhiều tổ chức.
Bốn là, Tăng cường thực hiện chức năng hướng dẫn, chỉ đạo về công tác kiểm tra, giám sát nói chung và công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm nói riêng đối với cấp ủy, UBKT cấp dưới, nhất là những kinh nghiệm hay và những khó khăn, vướng mắc thường gặp phải, để có giải pháp tháo gỡ qua các vụ việc kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ số lượng, đảm bảo chất lượng; có bản lĩnh vững vàng, kinh nghiệm thực tiễn công tác, trình độ nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giao./.
Đường Hồng Thắng