Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đức LIÊM, CHÍNH trong xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng
Liêm chính - Phẩm chất quan trọng hàng đầu của người cán bộ, đảng viên nói chung và đội ngũ cán bộ Ngành kiểm tra Đảng nói riêng.
Đảng ta thường xuyên nhấn mạnh, một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác cán bộ là tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên,… gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có bản lĩnh, đạo đức trong sáng, nắm vững nghiệp vụ chuyên môn thì việc vận dụng tư tưởng về “Liêm” “Chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đức “Liêm” “Chính” của người cán bộ
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đức “Liêm” được hiểu “là trong sạch, không tham lam”, là “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình”. Trái ngược với Liêm, thì người “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm, cho nên cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân”. Người có đức Liêm là người liêm sỉ, biết phải trái, đúng sai và hổ thẹn khi làm điều xấu; đồng thời, biết tự răn mình để tránh điều xấu, để tâm trí luôn trong và sáng. Sự thanh liêm của họ sẽ tự tỏa sáng và hấp dẫn những người xung quanh.
Vì, đức Liêm của người cán bộ sẽ tạo lòng tin của nhân dân, cho nên, nếu không có hoặc thiếu Liêm “mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời”, cho nên, cán bộ phải nhất thiết phải Liêm, phải thực hành chữ Liêm, “tuyệt đối không đem của công dùng vào việc tư, không động đến cái kim sợi chỉ của dân;... mua bán phải công bình, mượn cái gì phải trả tử tế, hỏng cái gì phải bồi thường”, nhất là “mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước với dân” … Không chỉ có vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu cán bộ phải có trách nhiệm giáo dục đức liêm cho người khác, nếu không, dù họ trong sạch đến mấy vẫn chỉ là “Liêm một nửa”. Đồng thời, với nâng cao trình độ dân trí của nhân dân, để “dân hiểu biết, không chịu đút lót”, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra Liêm” là việc pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề gì.
Vê đức “Chính” theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”. “CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc của CHÍNH. Nhưng một cây cần phải có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn”. Đức “Chính” đòi hỏi con người phải có sự chính trực, dũng cảm đấu tranh với cái xấu để bảo vệ lẽ phải; chi phối mọi công việc, mọi con người trong xã hội, do đó, Chính là đức khó thực hiện nhất trong "tứ đức", là sự biểu hiện đầy đủ nhất của nhân cách con người.
Với ý nghĩa đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn là một cán bộ liêm chính (trong sạch, ngay thẳng: người liêm chính không có lòng tư túi) trong công tác và cuộc sống đời thường để xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, thì mỗi người: 1) Đối với mình, phải “chớ tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình”, vì “tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”. 2) Đối với người, “phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ Bác - Ái”. 3) Đối với việc, “phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà”, “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”; “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm”.
Xây dựng đức “Liêm” “Chính” đối với đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng
Đội ngũ cán bộ kiểm là bộ phận trong đội ngũ cán bộ của Đảng, là cán bộ là công tác xây dựng Đảng, chuyên trách về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Đội ngũ cán bộ kiểm tra là lực lượng nòng cốt, là nhân tố quyết định thực hiện nhiệm vụ của UBKT các cấp. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, UBKT các cấp cần cần vận dụng sáng tạo tư tưởng Chí Minh để xây dựng đức “Liêm” “Chính” cho đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng.
Về đức “Liêm” của người cán bộ kiểm tra. Trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập với bên ngoài, những nhân tố tiêu cực hàng ngày, hàng giờ tác động vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ kiểm tra của Đảng. Do đó, muốn giữ đức “Liêm”, mỗi cán bộ kiểm tra của Đảng phải thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Không ngừng rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; nghiêm túc thực hiện và vận động gia đình, người thân sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; tích cực trau dồi phẩm chất cho bản thân với mục đích “tu thân bằng đạo đức, tu tài bằng trí tuệ, thuyết phục người khác bằng sự liêm chính và trong sạch”. Nghiêm túc chấp hành quy định những điều cán bộ, đảng viên không được làm; chân tình, thẳng thắn với đồng chí, đồng nghiệp; giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng, không tham vọng, không đố kỵ.
Mọi suy nghĩ, hành động của người cán bộ kiểm tra xuất phát từ động cơ trong sáng, kiên quyết đấu tranh những hành vi vô tổ chức, vô kỷ luật, vô trách nhiệm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cổ vũ những mặt tốt, nhân tố mới, bảo vệ những tổ chức, cá nhân làm đúng góp phần chủ động phòng ngừa vi phạm kỷ luật của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.
Về đức “Chính”, trước hết người cán bộ kiểm tra của Đảng phải có tính trung thực, khách quan, công tâm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì trong xem xét, xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên không chỉ tác động tới đối tượng kiểm tra, còn phát huy tính giáo dục cán bộ, đảng viên nói chung, củng cố niềm tin quần chúng đối với Đảng. Do đó, đức “Chính” của người cán bộ kiểm tra vừa là phẩm chất đạo đức, vừa là cơ sở tạo nên sự tin cậy của tổ chức đảng và quần chúng nhân dân đối với cán bộ kiểm tra của Đảng.
Đức “Liêm” của người cán bộ kiểm tra còn thể hiện khi xem xét, đánh giá con người và vụ việc, phải vì lợi ích chung của Đảng, của sự nghiệp cách mạng mà nói đúng sự thật, không thiên vị, không thiên tư, không thành kiến, không chạy theo động cơ cá nhân hoặc chạy theo tình cảm riêng tư; không bị chi phối bởi sức ép nào. Đồng thời, phải kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm.
Mặt khác, để giữ đức “chính” , cán bộ kiểm tra giữ lối sống lành mạnh, gương mẫu, trong sáng, không vì lợi ích cá nhân mà làm sai trái, ảnh hưởng xấu đến uy tín, truyền thống của Ngành kiểm tra, đội ngũ cán bộ kiểm tra, hạn chế kết quả thực hiện nhiệm vụ, làm tổn hại đến uy tín của Đảng.
Xây dựng đức “Liêm” “Chính” của người cán bộ kiểm tra theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm hết sức quan trọng trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Liêm chính không chỉ là đạo đức của cá nhân, của xã hội mà còn là đạo đức của Đảng, phản ánh trí tuệ, hóa hóa Kiểm tra của Đảng, đảm bảo bản chất tốt đẹp của Đảng. Chính sự tu dưỡng, rèn luyện đức “Liêm” “Chính” sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu về đạo đức cách mạng với quyết tâm “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Mỗi cán bộ làm công tác kiểm tra phải có dũng khí đấu tranh, thật sự công tâm, khách quan, chính trực và hơn ai hết phải liêm, phải sạch. Không liêm không sạch thì không nói được người khác, không kỷ luật được người khác. Nhiều người vẫn thường ví cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng phải là những “Bao công” của thời đại nay, phải là những người Cộng sản Chân chính vừa có dũng khí đấu tranh, vừa có lòng nhân ái ..
Đường Hồng Thắng