Chương trình thực hiện nghị quyết số 23-nq/tw của bộ chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng tây nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết số 23), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông ban hành Chương trình số 64-CTr/TU, ngày 30/6/2023 thực hiện Nghị quyết số 23.
Theo đó, xác định mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2030, xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên. Công nghiệp là động lực cho tăng trưởng, đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp bôxit - nhôm quốc gia. Phát triển du lịch trở thành trung tâm của du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan .... Phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên” và tầm nhìn đến năm 2045: “Tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên, có mức thu nhập bình quân cao hơn bình quân chung cả nước. Trở thành địa phương phát triển bền vững, xã hội văn minh và văn hóa đặc sắc, nghĩa tình. Có quy mô nền kinh tế phù hợp, hiệu quả và bền vững gắn với mục tiêu xuyên suốt là mức sống và chất lượng sống cao của người dân (so với trung bình cả nước) trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và cơ hội phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường”.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Chương trình đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp để các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy thực hiện, như sau:
1. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững: Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao trên cơ sở huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo chất lượng và thích ứng với biến đối khí hậu. Tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, hoa, rau củ quả... gắn với công nghiệp chế biến. Phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững nhằm góp phần nâng cao tỉ lệ che phủ rừng, bảo đảm mục tiêu ổn định dân cư, an sinh xã hội, sinh kế của người dân.
Tập trung phát triển 3 trụ cột của nền kinh tế địa phương: (1) Phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), xây dựng Đắk Nông trờ thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia; (2) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; (3) Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
2. Phát triển văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực: Nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của người dân; hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong đồng bào các dân tộc. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu của tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mở rộng quy mô giường bệnh và tăng cường phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu phù hợp với từng tuyến. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện di dời dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho người dân tại vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.
3. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên tỉnh, liên vùng. Phối hợp với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông và vùng Tây Nguyên. Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Phát triển du lịch bền vững, theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm gắn với sinh thái, cộng đồng và bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm du lịch mới, đặc thù, độc đáo mang đậm bản sắc riêng của tỉnh Đắk Nông.
4. Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách liên kết vùng: Xây dựng và tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững theo hướng xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dựa trên yếu tố đặc trưng là con người, văn hóa, thiên nhiên và truyền thống lịch sử gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.
5. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
6. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị: Tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Phạm Lục