Sau 25 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) “về tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học” (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 34-CT/TW); 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 29-NQ/TW) nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên về thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW và Nghị quyết số 29-NQ/TW đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW; Nghị quyết số 29-NQ/TW còn có những hạn chế, khó khăn nhất định.
Công tác chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, tổ chức cơ sở đảng chưa thường xuyên, sâu rộng. Nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên về mục đích, nội dung Chỉ thị số 34-CT/TW và Nghị quyết số 29-NQ/TW chưa sâu sắc, chưa chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Chưa có nhiều đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng, thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả. Các tổ chức cơ sở đảng trong các cơ sở giáo dục chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong việc phát hiện, tạo nguồn, giới thiệu cho tổ chức cơ sở đảng phát triển đảng viên. Tỷ lệ các tổ chức đảng có học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh còn thấp.
Việc tuyển dụng giáo viên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông gặp khó khăn về nguồn tuyển, đặc biệt đối với các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Cơ sở vật chất mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Việc sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực vào giảng dạy ở các trường vùng đặc biệt khó khăn chưa thường xuyên. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa làm tốt công tác đào tạo gắn với nhu cầu xã hội nên tỷ lệ sau đào tạo một số ngành nghề phi nông nghiệp có việc làm mới chưa cao; một số ngành nghề đã được đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo nhưng không thu hút được học viên tham gia đào tạo, gây lãng phí về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo đã được đầu tư.
Để đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, Nghị quyết số 29-NQ/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo nhằm sớm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, Đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt sâu sắc nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ của Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Rà soát các chương trình, kế hoạch đã ban hành để bổ sung kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương; tạo thêm nguồn lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vừa quyết liệt, vừa có trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp thiết đặt ra trong công tác giáo dục và đào tạo của địa phương.
Hai là, Coi trọng công tác phát triển đảng, công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục và đào tạo gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và việc triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động của ngành Giáo dục và Đào tạo. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội sinh viên, đội thiếu niên trong các trường học. Chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa, ý thức pháp luật, ý thức công dân cho học sinh, sinh viên, học viên.
Ba là, Xây dựng chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi trong huy động sự tham gia của toàn xã hội để đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ hoạt động của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hội quần chúng và Nhân dân địa phương để xây dựng nhà trường. Khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao ở khu vực đô thị. Khuyến khích việc thành lập các quỹ học bổng, khuyến học, khuyến tài, tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tập thể có nhiều thành tích và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Bốn là, Đổi mới công tác quản lý giáo dục bảo đảm dân chủ, thống nhất, nghiêm minh; tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục. Tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động giáo dục, qua đó giúp phát huy những mặt tích cực trong quản lý dạy và học; kịp thời khắc phục những mặt hạn chế, góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, đóng góp vào phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.
Năm là, Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 72-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2026, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng giáo viên là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về công tác tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Quan tâm phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huy động con em là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có trình độ tham gia hoạt động giáo dục; quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, hiệu quả hoạt động của Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.
Sáu là, Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Nhà nước. Cung cấp rộng rãi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường lao động, nhằm định hướng các hoạt động giáo dục và phát triển giáo dục của địa phương; đào tạo, phát triển ngành nghề phù hợp với ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia hỗ trợ các hoạt động đào tạo tăng cường gắn kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông đẩy mạnh hợp tác liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học có uy tín.
Mỹ Linh