Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc lịch sử Việt Nam
Việt Nam luôn tự hào là một dân tộc với những trang sử hào hùng, vẻ vang được viết lên từ xương máu, sự hy sinh của toàn dân tộc. Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng (03/02/1930), 3 cột mốc chói lọi bằng vàng mang tầm vóc giá trị lịch sử và thời đại, đó là: Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và Chiến thắng mùa Xuân 1975. Những chiến thắng vang dội của dân tộc Việt Nam đạt được là sự thật lịch sử hiển nhiên, không ai có thể phủ nhận. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều chia sẻ niềm vui chiến thắng với dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, các thế lực thù địch có hành vi xuyên tạc lịch sử Việt Nam, họ cố tình xuyên tạc, nói sai sự thật, bịa đặt về những chiến thắng đó, nhằm để Nhân dân ta nhận thức sai lệch về lịch sử, từ đó gây mất đoàn kết và mất lòng tin vào Đảng.
Đối với chiến thắng của Cách mạng Tháng Tám 1945, trên các trang mạng, các thế lực thù địch tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc ý nghĩa của sự kiện này. Chúng tuyên truyền rằng: Cách mạng Tháng Tám 1945 với việc lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền chỉ là sự “ăn may” khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh, chứ Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh không có vai trò gì. Trắng trợn và lố bịch hơn, chúng còn rêu rao rằng, Cách mạng Tháng Tám đã đưa dân tộc vào “thảm họa” với hai cuộc chiến tranh (1945 - 1954 và 1954 - 1975), làm cho đất nước bị tàn phá, dân tộc bị phân ly và ngày nay vẫn nghèo nàn, đói khổ... Theo họ, giá như không đi theo con đường những người cộng sản vạch ra mà bằng cách xin “chính quốc” trao trả độc lập thì nước ta vẫn có độc lập, tránh được chiến tranh, đi theo con đường của các nước tư bản để tới phồn vinh…
Đối với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), các thế lực thù địch thường có nội dung phán xét, xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn này của Nhân dân Việt Nam, như: cho rằng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta “chỉ là cuộc đụng độ giữa 2 thế lực hiếu chiến”. Đặc biệt, chúng còn tráo trở cho rằng, thực chất quân đội Pháp dưới sự hậu thuẫn của Mỹ có mặt ở Việt Nam là để ngăn Việt Nam xâm lược một nước khác hay “Người Pháp không xâm lược nước ta, họ đến để khai hóa văn minh”. Rồi chúng viện dẫn những bằng chứng như: “Người Pháp đến mang theo điện sáng”, “Người Pháp xây dựng cầu Long Biên, xây Nhà hát lớn Hà Nội, làm tuyến đường sắt, nhà ga…”. Bên cạnh tập trung xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta, chúng còn xuyên tạc, hạ bệ thần tượng lịch sử như phủ nhận tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng Tô Vĩnh Diện, rằng “Anh hùng LLVTND Tô Vĩnh Diện với hành động anh dũng khi lấy thân mình chèn pháo là không có thực”, đây chỉ là nhân vật hư cấu chứ khẩu pháo nặng hàng tấn, với độ dốc như thế, con voi to cũng bị nó đè cho dập nát, chứ người thường chèn thế nào được; hay như phủ nhận công lao của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò chỉ huy tài ba của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Đối với chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam, các thế lực thù địch lập luận rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta là “hoàn toàn vô nghĩa, lẽ ra dân tộc Việt Nam đã có thể tránh được cuộc chiến tranh này”, cuộc “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền Nam - Bắc, “không có kẻ thua, người thắng, chỉ Nhân dân là chịu thiệt thòi”, cuộc chiến tranh Việt Nam là “không cần thiết” và hoàn toàn “có thể tránh khỏi”. Trên một số trang mạng, website, blog cá nhân như: Việt Tân, BBC News Tiếng Việt, RFAVietnam, Chân trời mới Media... các phần tử cơ hội, chính trị phát tán nhiều tin, bài xuyên tạc lịch sử. Họ còn đòi “định danh lại ngày 30/4 cho phù hợp”, vì không chấp nhận 30/4 là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; xuyên tạc “người Việt trẻ gọi 30/4 là một biến cố buồn”; nếu không có ngày 30/4/1975 thì miền Nam Việt Nam ngày nay phát triển không kém gì Hàn Quốc, vượt xa Thái Lan; có một số người, nhất là số phản động lưu vong lại coi ngày 30/4 là ngày “quốc hận”, là ngày giỗ của một chính thể phi pháp, phi nghĩa… nhằm mục đích phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi người Việt Nam ở nước ngoài đấu tranh “vì tự do dân chủ”, đưa ra điều kiện hết sức phi lý là để “hòa hợp dân tộc” thì phải bỏ việc kỷ niệm ngày Chiến thắng 30/4/1975.
Thực chất những quan điểm, luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, bịa đặt mà các thế lực thù địch dựng lên, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành quả cách mạng to lớn của Nhân dân ta. Những luận điệu này tuy không mới về thủ đoạn, nhưng hết sức thâm độc với mục đích gieo rắc sự hoài nghi, nhằm làm suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và niềm tự hào chính đáng vào những chiến thắng vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần hết sức tỉnh táo để nhận diện và cần chủ động đấu tranh sắc bén, hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực thù địch, trong đó tập trung với một số giải pháp như:
Thứ nhất, tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử của các trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Khẳng định Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ sức mạnh của khối đại đoàn kết và truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam được hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử và khi thời cơ đến, đã bùng lên mạnh mẽ đấu tranh giành chính quyền cách mạng. Thực tiễn minh chứng, ngay từ khi vừa ra đời, Đảng ta đã phát động, lãnh đạo cao trào cách mạng 1930-1931 và 1936-1939. Đó là những cuộc tổng diễn tập, chuẩn bị tiền đề cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 09/3/1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Pháp. Ngay tối hôm đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã triệu tập hội nghị mở rộng và ngày 12/3/1945 ban hành Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Hội nghị quyết định phát động cao trào chống Nhật, cứu nước trong toàn quốc, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Ngày 14/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Ngày 16/8/1945, Đại hội quốc dân họp, quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay trong ngày 16/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, Nhân dân cả nước đã nhất tề vùng lên, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, cuộc tổng khởi nghĩa của Nhân dân ta đã thành công, lật đổ bộ máy thống trị phát xít cùng triều đình phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng trên cả nước. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra con đường phát triển của dân tộc. Như vậy, Cách mạng Tháng Tám nổ ra và giành thắng lợi nhanh chóng là nhờ sự tài tình của Đảng và Bác Hồ trong nghệ thuật chỉ đạo và lãnh đạo cách mạng; sự chuẩn bị chu đáo về đường lối, lực lượng,… nhất là, việc dự báo, chớp lấy thời cơ lịch sử “ngàn năm có một” để lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đứng lên tự giải phóng mình, chứ không hề ngồi yên trông mong, chờ đợi một “khoảng trống quyền lực” hay một khoảng “chân không chính trị” nào; càng không bao giờ ngồi chờ “trao trả độc lập”.
Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 được biết đến là một trận đánh lớn nhất, mang ý nghĩa hết sức to lớn trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Năm 1954, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, quân và dân cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đã có 55.000 quân được huy động để tham gia lực lượng chiến đấu, trên 260.000 dân công và 27.400 tấn gạo được huy động. Hàng vạn thanh niên xung phong cũng được huy động làm nhiệm vụ mở đường. Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công mở màn trận chiến Điện Biên Phủ tại đồi Him Lam. Với kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc”, bộ đội ta đã kéo pháo lên núi cao, đưa vào hầm và chĩa thẳng pháo xuống trận địa kẻ thù, nâng cao được uy lực, chính xác và mang lại hiệu quả cao nhất. Chiến dịch Điên Biên Phủ là thảm bại lớn nhất của quân đội viễn chinh Pháp trong lịch sử khoảng 200 năm xâm lược thuộc địa, cũng là trận thua lớn nhất của người da trắng trước người da màu: 16.200 quân bị tiêu diệt, bắt sống, chưa tính hàng trăm phi công bị chết do bị bắn rơi, bị thương, cùng hàng ngàn culi đi theo phục vụ bị bắt sống. Thảm bại của Pháp tại lòng chảo Mường Thanh đánh dấu kết thúc của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn cầu, khiến Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha… phải trao trả độc lập cho hàng loạt các nước ở châu Á, Phi, Mỹ Latinh,… Về anh hùng Tô Vĩnh Diện, với hành động quả cảm lấy thân mình chèn vào càng pháo, chính Đại tá Trần Quốc Chân, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 8, trực tiếp chỉ huy Khẩu đội Tô Vĩnh Diện trong Chiến dịch Điện Biên Phủ khẳng định: “Lịch sử có giá trị như chân lý, tức là mọi sự việc đều hết sức hiện thực, khách quan và được kiểm nghiệm qua thực tế thì nếu kẻ nào đó càng dã tâm phủ nhận càng làm nó sáng hơn”.
Khẳng định về giá trị của chiến thắng mùa Xuân 1975. Về bản chất, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam là cuộc đối đầu giữa Nhân dân Việt Nam chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai nhằm giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đó hoàn toàn không phải là cuộc “nội chiến” giữa hai miền Nam - Bắc do xung đột về ý thức hệ như những luận điệu xuyên tạc lịch sử tuyên truyền. Đối với Nhân dân Việt Nam, chiến thắng ngày 30/4/1975 không phải là một thắng lợi dễ dàng, mà đó là “chiến thắng lớn từ hy sinh lớn lao mà dân tộc Việt Nam đã trải qua trong suốt 21 năm dài đằng đẵng”. Từ việc kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sự ủng hộ của dư luận quốc tế, với đường lối kháng chiến tài ba, quân và dân ta đã tạo nên chiến thắng 30/4/1975 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng từng thừa nhận cuộc đấu tranh kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, giải phóng dân tộc là cuộc chiến tranh chính nghĩa: “Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào năm 1975”.
Thứ hai, cấp ủy đảng các cấp cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử, tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, vai trò của cách mạng Tháng Tám 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến dịch mùa Xuân 1975. Đồng thời, có biện pháp rèn luyện, tăng cường nghiên cứu lịch sử truyền thống, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, bản lĩnh, lập trường tư tưởng, chính trị cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, tăng cường biện pháp rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, lập trường tư tưởng, chính trị để cán bộ, đảng viên có đủ kiến thức, nhãn quan chính trị, nhạy bén nhận biết những thông tin sai trái, xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử của kẻ xấu để lên án, đấu tranh, ngăn chặn được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc lịch sử dân tộc; ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ ba, tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng, toàn diện và triệt để tinh thần Nghị quyết TW 4 khóa XII của Đảng về đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Xác định nhiệm vụ “Bảo vệ Đảng là công tác thường xuyên, luôn luôn gắn chặt với các mặt công tác xây dựng Đảng trong mọi giai đoạn cách mạng, để bảo đảm cho tổ chức của Đảng được trong sạch và vững mạnh”, cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân cần phải nhận thức đúng đắn sách lược của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tham gia đấu tranh bằng nhiều phương thức, giải pháp, như đấu tranh, phản bác với nêu gương; tuyên truyền, phổ biến với giáo dục ý thức cách mạng, chủ nghĩa yêu nước; đấu tranh, phản biện với chứng minh, đối chứng, so sánh …
Thứ tư, tăng cường và phát huy vai trò trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong nhận diện, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc lịch sử Việt Nam của thế lực thù địch trong tình hình mới trên không gian mạng. Trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, một trong những thủ đoạn tinh vi mà các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị sử dụng đó là triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội, coi mạng xã hội là một công cụ hữu hiệu để như xuyên tạc lịch sử cách mạng tháng Tám 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, chiến thắng mùa Xuân 1975, nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu. Thực tế cho thấy không ít những thông tin trên mạng đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là giới trẻ, đối tượng thường xuyên tiếp cận với các mạng xã hội. Phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, ban chỉ đạo 35, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện, thành lập lực lượng chuyên trách ở các cấp, thiết lập các blog, fanpage, group... trong việc cảm nhận, chia sẻ các thông tin, tư liệu, hình ảnh về các sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, của Đảng. Đồng thời đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu xuyên tạc, các bài viết tiêu cực, sai trái lan tràn trên không gian mạng của các thế lực thù địch nói xấu, xuyên tạc giá trị lịch sử như cách mạng tháng Tám 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, chiến thắng mùa Xuân 1975… Tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng nòng cốt, chuyên trách nắm chắc vị trí, vai trò, nội dung, quy chế, hình thức, phương pháp đấu tranh và nề nếp chế độ hoạt động của mình, đặc biệt là cách nhận diện các thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch và cách viết tin, bài đấu tranh, phản bác lại chúng trên các trang mạng xã hội …
Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng lịch sử phải được tôn trọng, được đánh giá khách quan, trung thực. Không thể phủ nhận, coi thường những hy sinh, mất mát to lớn của nhiều thế hệ người Việt Nam để làm nên những chiến công vang dội, để cho đất nước được độc lập, đời sống Nhân dân ổn định. Vì vậy, nếu ai đó, vì bất cứ lý do gì, lãng quên hay coi thường, xuyên tạc sự hy sinh, mất mát nói trên của Nhân dân Việt Nam, tìm cách chống phá, gây mất ổn định, cản trở sự phát triển của Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc là có tội với Nhân dân, với đất nước, với anh linh của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, cần kiên quyết đấu tranh chống lại các luận điệu công kích, xuyên tạc của các thế lực thù địch; tiếp tục khẳng định và lan tỏa giá trị của lịch sử cách mạng Việt Nam, khẳng định vai trò của Đảng, Bác Hồ, để từ đó bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đổi mới, giữ vững niềm tin của Nhân dân, lãnh đạo toàn dân phát triển đất nước theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Lục Phạm