Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về Độc lập Dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vừa phù hợp với khát vọng của dân tộc Việt Nam, vừa phù hợp với quy luật phát triển của thời đại
Từ giữa thế kỷ XIX, dân tộc Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược. Đến cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã cơ bản hoàn tất công cuộc xâm lược và bình định nước ta, biến Việt Nam từ một quốc gia độc lập trở thành một nước thuộc địa của Pháp. Dân tộc Việt Nam trở thành dân tộc thuộc địa. Đối với mỗi một người dân mất nước, cái quý giá nhất là độc lập của Tổ quốc, tự do của bản thân và của dân tộc.
Dựa vào phân tích thực trạng xã hội Việt Nam sau khi thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh nhận thấy, mâu thuẫn lớn nhất trong xã hội là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp; nhu cầu lớn nhất của mọi người dân là: đất nước được độc lập, nhân dân được hưởng tự do dân chủ, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hồ Chí Minh cho rằng, lựa chọn con đường nào phải giải quyết triệt để mâu thuẫn và thỏa mãn được các nhu cầu và xem đây như là những tiêu chí để lựa chọn con đường đúng đắn cho dân tộc. Hồ Chí Minh đã từng nói: Cái mà tôi cần nhất trên đời là Tổ quốc tôi được độc lập, đồng bào tôi được tự do. Việc tìm đường và chọn đường cứu nước của Hồ Chí Minh không chỉ là việc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân mất nước với Tổ quốc bị xâm lược, mà còn là việc Người gánh vác sứ mệnh thực hiện khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc.
Trong quá trình tìm đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc đã đi qua khắp các châu lục trên thế giới, làm đủ mọi nghề, trực tiếp quan sát cuộc sống của những người lao động dưới ách áp bức, bóc lột tàn bạo của bọn tư bản ở chính quốc đối với các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Đối với Nguyễn Ái Quốc, việc nghiên cứu, khảo sát thế giới, khu vực và quốc tế trước hết là nhằm hướng tới giải phóng và phát triển dân tộc Việt Nam, đặt cách mạng Việt Nam sao cho phù hợp với trào lưu, xu thế chung của thời đại.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến Mỹ, tìm hiểu tinh thần bất hủ của bản Tuyên ngôn Độc lập (1776) của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ; Người đã sống và làm việc ở Paris - Thủ đô của nước Pháp, trung tâm văn hóa của châu Âu, tiếp cận với những giá trị nhân văn của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền và tinh thần tiến bộ của cách mạng Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Quyền con người, quyền của các dân tộc là quyền thiêng liêng, vốn có của con người mà tạo hóa đã ban tặng. Các dân tộc đều bình đẳng về quyền thiêng liêng ấy, không ai có thể xâm phạm. Mọi sự xâm phạm độc lập, tự do đều trái với đạo lý, lẽ phải. Trên cơ sở đó, Người suy ra những quyền cơ bản của các dân tộc và của nhân dân Việt Nam, đó là quyền độc lập, tự do. Độc lập, tự do của dân tộc không tách rời mà gắn bó chặt chẽ với quyền con người, quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân lao động, của giai cấp cần lao. Độc lập dân tộc theo Hồ Chí Minh phải gắn liền với tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc thấy được những điều cần thiết cho cách mạng Việt Nam trong Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Nguyễn Ái Quốc dành nhiều công sức nghiên cứu về các cuộc cách mạng đã diễn ra trên thế giới: Cách mạng tư sản Mỹ, Pháp, đặc biệt là cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga do V.I. Lênin lãnh đạo. Người nhận xét: Chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 - cuộc cách mạng thực hiện một cách trọn vẹn lý tưởng nhân đạo “Vì con người, cho con người, do con người” trong đời sống thực tế và nâng lên một trình độ mới: chủ nghĩa nhân đạo hiện thực cộng sản chủ nghĩa, đã chỉ rõ con đường đi tới cửa cách mạng Việt Nam. Sự so sánh về mặt lý luận và thực tiễn đã tạo cho sự lựa chọn con đường phát triển cách mạng Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc có sự thuyết phục, dễ đi vào lòng người. Chính sự so sánh này đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến nhận thức: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Sự lựa chọn và quyết định con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam phải đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga - con đường cách mạng vô sản, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mặt nhận thức tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.
Sau khi đã chuẩn bị kỹ càng về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một chính đảng mácxít, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2/1930). Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp khởi thảo, đã xác định mục tiêu chính trị của Đảng là: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Cụ thể là: Đánh đỗ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc và tiến lên xã hội cộng sản.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Người long trọng khẳng định trước quốc dân, đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Độc lập, tự do, hạnh phúc không chỉ là nhu cầu riêng của dân tộc Việt Nam, mà còn là chân lý của thời đại. Đó là thời đại mà tất cả các dân tộc thuộc địa phải được độc lập, phải có chủ quyền, phải tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Đó là thời đại mà mọi người được tự do suy nghĩ và hành động, tự do có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Độc lập, tự do, hạnh phúc là tiêu chí để đánh giá, để phấn đấu của mỗi dân tộc cũng như của mỗi người. Có độc lập, tự do thật sự, con người sẽ có tất cả, sẽ được ấm no, hạnh phúc. Hồ Chí Minh đã tìm thấy hạnh phúc trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc mình, cho đồng bào mình. Tìm ra con đường độc lập, tự do, hạnh phúc đó không chỉ phù hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam, mà còn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, phù hợp với quy luật phát triển của loài người.
Sau khi giành được độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân bằng con đường cách mạng vô sản, Hồ Chí Minh đã chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mới ngày càng ấm no, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh. Chủ nghĩa xã hội là điều kiện để đảm bảo cho độc lập dân tộc được vững chắc, được thực thi trên thực tế. Đó là một nền độc lập thật sự, lâu dài. Người khẳng định: “Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được lịch sử loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển”.
Hồ Chí Minh đã trực tiếp chứng kiến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô qua những lần Người đến Liên Xô (thời kỳ 1923-1924, thời kỳ 1934-1938) và so sánh với các mô hình xã hội và chế độ xã hội ở nhiều nước mà Người có dịp sống và nghiên cứu: Xã hội thuộc địa phong kiến Việt Nam; Cộng hòa Trung Hoa dân quốc của Tôn Trung Sơn; Quân chủ lập hiến ở Anh; Cộng hòa đại nghị ở Pháp; Cộng hòa tự do ở Mỹ; Cộng hòa chuyên chế ở Đức, Ý, thì Xô Viết Nga thời Lênnin có ưu việt là giải phóng đa số người lao động, biến người nô lệ thành người tự do.
Đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, theo Hồ Chí Minh, cũng trên cơ sở của lý luận Mác - Lênin, nghĩa là trên những mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Còn về cụ thể, chúng ta thấy Hồ Chí Minh nhấn mạnh chủ yếu trên những quan điểm sau đây:
Chủ nghĩa xã hội là một chế độ chính trị do nhân dân làm chủ. Chủ nghĩa xã hội có chế độ chính trị dân chủ, nhân dân lao động là chủ và nhân dân lao động làm chủ. Nhà nước là của nhân dân, do dân và vì dân, dựa trên khối đại đoàn kết toàn dân mà nòng cốt là liên minh công-nông-trí, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Mọi quyền lực trong xã hội đều tập trung trong tay nhân dân. Nhân dân đoàn kết thành một khối thống nhất để làm chủ nước nhà. Nhân dân là người quyết định vận mệnh cũng như sự phát triển của đất nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh coi nhân dân có vị trí tối thượng trong mọi cấu tạo quyền lực. Chủ nghĩa xã hội chính là sự nghiệp của chính bản thân nhân dân, dựa vào sức mạnh của toàn dân để đem lại quyền lợi cho nhân dân.
Chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội có nền kinh tế phát triển cao, gắn liền với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật. Đó là xã hội có một nền kinh tế phát triển dựa trên cơ sở năng suất lao động xã hội cao, sức sản xuất luôn luôn phát triển với nền tảng phát triển khoa học - kỹ thuật, ứng dựng có hiệu quả những thành tựu khoa học - kỹ thuật của nhân loại.
Chủ nghĩa xã hội là chế độ không còn người bóc lột người. Đây là một vấn đề được hiểu như là một chế độ hoàn chỉnh, đạt đến độ chín muồi. Trong chủ nghĩa xã hội không còn bóc lột, áp bức, bất công, thực hiện chế độ sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất và thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động. Đó là một xã hội được xây dựng trên nguyên tắc công bằng, hợp lý. Công bằng không phải là bình quân, cào bằng, mà phân phối theo kết quả lao động và mức độ cống hiến của mỗi người cho xã hội. Làm theo năng lực, hưởng theo lao động, không làm không hưởng, trừ những người yếu thế trong xã hội; các dân tộc đều bình đẳng, miền núi được giúp đỡ để tiến kịp mền xuôi.
Chủ nghĩa xã hội là một chế độ tạo điều kiện cho con người phát triển cao về văn hóa, đạo đức, lối sống. Chủ nghĩa xã hội gắn liền với văn hóa và là giai đoạn phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản về mặt giải phóng con người. Nền văn hoá ấy phải “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”, “phải soi đường cho quốc dân đi”; con người được giải phóng và có điều kiện phát triển toàn diện, có sự hài hòa trong phát triển của xã hội và tự nhiên; đạo đức - lối sống phát triển lành mạnh.
Chủ nghĩa xã hội đảm bảo sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; đồng thời có sự hợp tác hữu nghị với các dân tộc trên thế giới.
Với những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội thì chủ nghĩa xã hội là một xã hội ưu việt nhất trong lịch sử, lấy con người làm trung tâm, tất cả vì con người. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”. Chủ nghĩa xã hội là một xã hội thực hiện dân chủ, tự do, công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi người. Mọi người được thụ hưởng một cách công bằng trong phân phối lợi ích mà còn công bằng về cơ hội phát triển cho mọi thành viên trong cộng đồng xã hội. Đây chính là xã hội ước mơ của nhân loại.
Theo Hồ Chí Minh, muốn nâng cao đời sống nhân dân, phải tiến lên chủ nghĩa xã hội và “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân”. Đó là tiêu chí tổng quát để khẳng định và kiểm nghiệm tính chất xã hội chủ nghĩa của các lý luận chủ nghĩa xã hội và chính sách thực tiễn. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, không có chủ nghĩa xã hội chung, trừu tượng, mà chủ nghĩa xã hội bao giờ cũng phải dựa trên mảnh đất hiện thực được thể hiện sinh động và cụ thể trong từng quốc gia dân tộc, trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân lao động. Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với các đặc điểm Việt Nam, từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Một mặt, Hồ Chí Minh gắn lý luận Mác-Lênin với thực tiễn Việt Nam. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, có hai phương thức quá độ lên chủ nghĩa xã hội: Qúa độ trực tiếp, đối với những nước tư bản phát triển cao; quá độ gián tiếp, đối với những nước tiền tư bản, những nước có nền kinh tế lạc hậu chưa qua thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa (trong điều kiện Đảng cầm quyền và có sự giúp đỡ của các nước tiên tiến). Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh không duy ý chí, không trông chờ chủ nghĩa xã hội tự khắc đến với các dân tộc kém phát triển như dân tộc Việt Nam. Người cho rằng, chủ nghĩa xã hội không phải từ trên trời rơi xuống mà do con người tạo nên, “muốn người ta giúp mình thì tự mình phải giúp lấy mình đã”. Con đường phải biết tự nâng mình lên thành người chủ xã hội để chiến thắng mọi trở ngại khó khăn, nhằm xây dựng cho được xã hội mới ấm no, hạnh phúc cho mình và cho mọi người.
Hồ Chí Minh đã nêu lên nội dung xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam trên các mặt, các lĩnh vực phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, Người cũng chỉ ra tính chất khó khăn phức tạp của thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Đây là một cuộc cách mạng làm đảo lộn mọi mặt của đời sống xã hội, cả lực lượng sản xuất lẫn quan hệ sản xuất, cả cơ sở hạ tầng lẫn kiến trúc thượng tầng, đặt ra và giải quyết hàng loạt mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển cao của đất nước với thực trạng của nền kinh tế - xã hội thấp kém. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chưa có kinh nghiệm, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Do đó, ta phải vừa làm vừa học vừa rút kinh nghiệm. Để tránh vấp váp, thiếu sót, sai lầm, một mặt ta phải học tập kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội của các nước anh em, mặt khác phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta luôn bị các thế lực phản động trong và ngoài nước tìm mọi cách chống phá, ta phải thận trọng, tránh nôn nóng, chủ quan, phải tôn trọng quy luật khách quan, phải xác định bước đi, hình thức, phương pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Thủy Tiên