Giá trị và ý nghĩa bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 55 năm (1969 - 2024)
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người tháng 9/1969, gồm 4 trang in khổ 14,5 cm x 22 cm. Trải qua 55 năm (1969 -2024), bản Di chúc của Người vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới.
Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp cách mạng
Di chúc là Tâm nguyện của Người: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm với Nhân dân của Người thể hiện sâu sắc ở dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày thống nhất đất nước, ở những chỉ dẫn về công việc của sự nghiệp cách mạng còn dang dở. Di chúc là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và Nhân dân; là tấm lòng chung thuỷ với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”.
Di chúc là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với Nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Di chúc nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ Nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.
Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đảng cầm quyền phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”, có như vậy mới thực hiện thành công lý tưởng xây dựng một xã hội mới, tiến bộ, văn minh. Bác dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, đó là công việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Cách mạng Việt Nam không thể tách rời cách mạng thế giới. Sự vững mạnh của Đảng còn được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bè bạn quốc tế. Điều Bác dặn trong Di chúc “về phong trào cộng sản thế giới” chỉ dẫn định hướng quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng, đó là nguyên tắc đoàn kết quốc tế dựa trên “nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”.
Di chúc là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta
Di chúc là điểm kết tinh tư tưởng của Bác về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam, mối quan hệ giữa công bằng và tiến bộ xã hội, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá trong xây dựng xã hội mới, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại, động lực lợi ích và chăm lo chu đáo tới cuộc sống con người, tư tưởng trọng dân, coi dân là gốc, là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.
Di chúc như một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý xã hội, như đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp hoàn cảnh mới, khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế, phát triển công tác vệ sinh, y tế, chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân, chính sách xã hội, công bằng xã hội...
Giá trị văn hoá của Di chúc chỉ dẫn con đường, mục tiêu phát triển của nền văn hoá Việt Nam; trù tính, dự liệu về những cuộc vận động lớn giáo dục văn hoá trong toàn dân, toàn xã hội, lấy văn hoá chính trị của Đảng Cộng sản cầm quyền và văn hoá trong thể chế nhà nước - một nhà nước dân chủ pháp quyền của dân, do dân, vì dân làm sức mạnh tiêu biểu nêu gương thuyết phục Nhân dân. Qua lời dặn dò về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến việc xây dựng một đời sống văn hoá mới; một lối sống tiết kiệm, không lãng phí; mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, môi trường sinh thái.
Di chúc phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, đổi mới là một tất yếu để phát triển; đổi mới là một cuộc đấu tranh bền bỉ, một quá trình xây dựng gian khổ, "là một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”, là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Người yêu cầu, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.
Theo Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện nước ta phải đặc biệt chú trọng phát huy khả năng sáng tạo của dân, “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”[1].
Về ý nghĩa bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là văn kiện lịch sử vô giá kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam hôm nay và tương lai.
Qua 20 năm thực hiện Di chúc của Người, Đắk Nông đã vận dụng và phát huy hiệu quả các bài học về tinh thần lạc quan và bản lĩnh khoa học cách mạng của Đảng; bài học về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; bài học về thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; bài học về sự quan tâm đặc biệt sâu sắc tới thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước; bài học về chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân; bài học về tinh thần cống hiến cho lý tưởng cách mạng. Bằng việc phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của các dân tộc tỉnh; việc đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế, lựa chọn các trụ cột tăng trưởng phù hợp, đề ra những đột phá chiến lược, kết hợp hài hòa các nguồn lực; quan tâm chăm lo đến công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung… đã kiến tạo những thành quả làm nền tảng cho sự phát triển bằng những kết quả cụ thể: từ thu ngân sách chỉ đạt khoảng 200 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người 5 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo chiếm tới 33,73%; tiềm năng, thế mạnh của tỉnh chưa được khơi dậy; tình hình an ninh nông thôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định (năm 2004). Đến hết năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh năm 2010) đạt trên 23.889 tỷ đồng, gấp 12 lần so với năm 2004; GRDP bình quân đầu người của tỉnh năm 2023 đạt 68,02 triệu đồng/người, gấp hơn 12 lần so với năm 2004; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2023 ước đạt 18.668 tỷ đồng, gấp 20 lần năm 2004; tổng thu ngân sách giai đoạn 2004 - 2023 khoảng 31.879 tỷ đồng, riêng năm 2023 ước thu đạt 3.150 tỷ đồng, cao gấp 15,2 lần năm 2004. Tiềm lực, vị thế Đắk Nông được khẳng định, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; quốc phòng - an ninh, đối ngoại của tỉnh đều đạt được những kết quả khá toàn diện. Với 12 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, hơn 27.000 đảng viên, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng lên; việc học tập và làm theo Bác đi vào nền nếp và lan tỏa sâu rộng tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động; niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ thật sự được củng cố. Bộ máy hoạt động của tổ chức chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới được củng cố và giữ vững, khu vực phòng thủ được xây dựng vững chắc. Quan hệ hữu nghị với Mondulkiri (Campuchia) được vun đắp, mở rộng quan hệ hợp tác, đối ngoại với một số nước tạo cơ hội quảng bá, hợp tác thu hút đầu tư phát triển.
Kỷ niệm 55 năm ngày Bác đi xa là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng tự soi rọi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" như ý nguyện của Người, là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.
Hoàn Anh
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị Quốc gia, 2011, t.15, tr.617.