Huyện Krông Nô với một số kết quả trong công tác biên soạn Lịch sử Đảng
Huyện Krông Nô luôn xác định công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách lịch sử Đảng là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, nhằm làm rõ các chặng đường lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng, tổng kết thực tiễn, nêu bật những thành tựu và cả những hạn chế, tồn tại, làm sáng tỏ những bài học, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, bồi dưỡng tình cảm yêu nước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới.
Theo đó, trong những năm qua, Đảng bộ huyện luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát và thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử Đảng bộ huyện, lịch sử đảng bộ địa phương, ban, ngành, đoàn thể và giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc. Là một địa phương giàu truyền thống cách mạng, có nhiều di tích cùng với những nhân chứng lịch sử đã làm phong phú nguồn tài liệu, tư liệu để sưu tầm, nghiên cứu và thực hiện biên soạn lịch sử địa phương. Nhân dân các dân tộc huyện Krông Nô tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, tích cực thi đua lao động, sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc đây chính là cơ sở, nguồn tư liệu quý giá phục vụ cho công tác sưu tầm và biên soạn lịch sử địa phương.
Qua 03 năm triển khai thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 05/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn và lịch sử truyền thống các sở, ban, ngành tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 (viết tắt là Đề án 05); công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương và nhiệm vụ giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu quê hương, đất nước trên địa bàn huyện đã có những bước phát triển, đạt nhiều kết quả tích cực góp phần vào việc tổng kết thực tiễn lịch sử cách mạng qua các thời kỳ đấu tranh, xây dựng và phát triển địa phương.
Chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng” (viết tắt là Chỉ thị 20-CT/TW) và Kế hoạch số 72-KH/TU, ngày 09/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông, Đề án 05-ĐA/TU; trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, như: Kế hoạch số 62-KH/HU, ngày 02/7/2018 triển khai thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW; Kế hoạch số 67-KH/HU, ngày 28/02/2022 về nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương và lịch sử truyền thống ngành của huyện đến năm 2030. Đồng thời chỉ đạo việc tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện trên địa bàn huyện bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả thiết thực, cụ thể: Đã mở 01 lớp cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện và cán bộ, công chức khối Đảng, Đoàn thể với 171 đồng chí tham gia; các tổ chức cơ sở đảng, Mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn huyện đã mở được 19 lớp triệt cho hơn 2.600 cán bộ, công chức và 05 lớp cho 1.233 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục trong đợt bồi dưỡng chính trị hè các năm học 2019 - 2020. Cùng với đó, công tác kiểm tra giám sát được chú trọng, từ năm 2021 đến nay, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ tiến hành 07 cuộc kiểm tra công tác tuyên giáo, trong đó chú trọng kiểm tra kết quả công tác lịch sử Đảng; nghiên cứu, biên soạn các đề tài lịch sử; công tác sưu tầm, lưu giữ tư liệu; công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống tại địa phương, đơn vị.
Nhiều công trình lịch sử của địa phương được biên soạn, xuất bản
Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản và phát hành được 05 đầu sách với 2.500 bản, bao gồm: Kỷ yếu 20 năm thành lập huyện Krông Nô (1987 - 2007); Tập thơ “Miền đất mang tên dòng sông”; Lịch sử Phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Nâm Nung (1930 - 2010); Tập san 30 năm thành lập huyện Krông Nô (1987 - 2017); Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Nô (1995 - 2015), Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Krông Nô; có 03 xã, thị trấn biên soạn được kỷ yếu (thị trấn Đắk Mâm, xã Đắk Drô, xã Đắk Sôr). Hiện nay có 09/12 xã, thị trấn triển khai sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, trong đó 06 xã đã xuất bản (xã Nâm Nung, xã Quảng Phú, xã Đức Xuyên, xã Nam Đà, xã Đắk Nang, xã Đắk Drô), 01 đơn vị đang quá trình biên soạn, hoàn chỉnh nội dung (thị trấn Đắk Mâm), 02 đơn vị đã có chủ trương biên soạn (xã Đắk Sôr, xã Tân Thành) và huyện đang tiếp tục tạo điều kiện để các xã còn lại, các cơ quan, đơn vị, ngành biên soạn. Cơ bản các công trình lịch sử đã biên soạn đảm bảo tính khoa học, tính lịch sử, có sử dụng các nguồn tư liệu của thời kỳ trước còn lưu trữ, có gặp gỡ, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử… Nội dung bảo đảm tính giáo dục, tính chiến đấu, định hướng thông tin, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương; tuyên truyền những thành tựu của thực tiễn, những tập thể, cá nhân điển hình trong kháng chiến, trong cuộc sống, sản xuất, lao động, chiến đấu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Bên cạnh đó, các công trình lịch sử được nghiên cứu, biên soạn và xuất bản đã góp phần xác minh, làm rõ thêm một số vấn đề về các sự kiện, nhân chứng lịch sử, giải quyết chính sách đối với người có công với cách mạng, việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá, nhà lưu niệm, nhà truyền thống của các địa phương, đơn vị.
Chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử
Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng, lịch sử địa phương, nhất là việc sử dụng hiệu quả nội dung các công trình lịch sử sau khi xuất bản vào việc tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, học sinh và Nhân nhân được chú trọng, mang lại hiệu quả tích cực. Trung tâm Chính trị huyện đưa chương trình giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương vào tuyên truyền lồng ghép cho cán bộ, đảng viên, học viên thông qua các chương trình bồi dưỡng hàng năm, trong năm 2024, Trung tâm đã mở 4 lớp bồi dưỡng chuyên đề “ đảng ta thật là vĩ đại” với 450 học viên là cán bộ, đảng viên hội viên ở cơ sở. Đối với các chương trình trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị, trong mỗi giai đoạn lịch sử đều có sự liên hệ, vận dụng với lịch sử Đảng bộ huyện, lịch sử địa phương đơn vị, qua đó giúp học viên nắm vững thêm về lịch sử đảng bộ và vai trò lãnh đạo của đảng bộ địa phương trong giai đoạn kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông tăng cường lượng tin, bài tuyên truyền về các sự kiện lịch sử địa phương, cá nhân tiêu biểu qua các giai đoạn cách mạng của các địa phương trên hệ thống đài truyền thanh, trên trang địa phương, cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội...
Các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã tổ chức nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, như: tổ chức thăm quan khu di tích lịch sử, các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Đảng, tổ chức tọa đàm, lễ kỷ niệm ngày thành lập ngành, đảng bộ, thành lập xã, thị trấn…đồng thời đã đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương vào sinh hoạt chi bộ dưới nhiều hình thức: lồng ghép nội dung sinh hoạt định kỳ (phổ biến, quán triệt các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn); sinh hoạt theo chuyên đề thông qua các hoạt động như hành trình về nguồn thăm Khu di tích căn cứ kháng chiến B4 - Liên Tỉnh IV tại xã Nâm Nung, khu di tích mộ N’Trang Gưh, xã Buôn Choah hoặc mời các đồng chí lão thành cách mạng kể chuyện kháng chiến, sinh hoạt ngoại khóa, chuyên đề hàng năm của đoàn, hội, đội. Thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống tiếp tục khơi dậy niềm tự hào dân tộc, truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh. Qua đó, góp phần định hướng tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống lịch sử cách mạng, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử truyền thống địa phương cho học sinh, Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT trên địa bàn đưa nội dung lịch sử địa phương vào giảng dạy tại các giờ ngoại khoá, khuyến khích giáo viên lồng ghép lịch sử, văn hóa địa phương vào các tiết học. Kết hợp công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương trong các nhà trường với các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ thông qua việc chiếu phim tư liệu, đưa học sinh đi tham quan các di tích, đài tưởng niệm, dạy hát các làn điệu dân ca, liên hoan văn nghệ, thi tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề... để giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho học sinh qua đó đã làm chuyển biến cách nhìn và cảm nhận về lịch sử quê hương, đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống của dân tộc, tri ân những anh hùng và các đồng chí lão thành cách mạng, người có công trong việc xây dựng quê hương đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác biên soạn và tuyên truyền lịch sử địa phương vẫn còn một số tồn tại,hạn chế như: một số cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác công tác lưu trữ tài liệu, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng, lịch sử ngành, địa phương, đơn vị; chưa xem công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư cho hoạt động sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng, lịch sử địa phương hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu…
Trong thời gian tới, cấp ủy các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng, lịch sử truyền thống, như:
Thứ nhất, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống theo văn bản các cấp; phấn đấu đến năm 2030: đạt 100% đảng bộ các xã còn lại hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương như xã Đắk Sôr, xã Tân Thành, xã Buôn Choah, xã Nam Xuân, xã Nâm N’Đir, Đảng bộ Công an huyện.
Thứ hai, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử đảng theo hướng chuyên môn, có kinh nghiệm và năng lực tham mưu, xây dựng chương trình, kế hoạch, đề xuất chủ trương, biện pháp công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống.
Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị, đoàn thể, các cấp, các tổ chức để triển khai các hoạt động nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương. Các cơ quan, đơn vị chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử; phối hợp, tích cực trao đổi, cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời, có hệ thống đến các cơ quan liên quan.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, rộng khắp phù hợp với từng đối tượng. Đổi mới phương pháp, cách thức tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng gắn với truyền thông số. Tăng cường sử dụng kết quả nghiên cứu lịch sử đảng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác kịp thời, hiệu quả các quan điểm sai trái, những luận điệu phản động của các thế lực thù địch..
Thứ năm, thực hiện công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thương kịp thời những cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
Phạm Lục