Tuy Đức đạt nhiều kết quả trong 10 năm thực hiện Quyết định số 1361 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 1362-QĐ/TU, ngày 15/01/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy định trách nhiệm tiếp thu góp ý kiến của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị “Ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; huyện Tuy Đức đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Thông qua công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở và Nhân dân đã nắm bắt được những vấn đề xã hội, những bức xúc và những vấn đề mà đông đảo Nhân dân quan tâm; từ đó kiến nghị, đề xuất đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện; những vấn đề, nội dung cụ thể mà MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội tham gia góp ý đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm tiếp thu kịp thời, có chuyển biến khá rõ nét; hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng lên, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Góp phần tăng cường sự phối hợp thống nhất hành động giữa cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, nhất là cơ sở. Qua đó, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển ổn định; các hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục và phát triển; diện tích các cây trồng tiếp tục được mở rộng, Chương trình xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt; sản xuất nông nghiệp đảm bảo kế hoạch đề ra. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá, xã hội được đảm bảo, quan tâm và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội cho người dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công bằng, bình đẳng.
Các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ trương hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; thực hiện có hiệu quả nhiều nội dung tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Bằng các phương pháp góp ý định kỳ, thường xuyên, đột xuất với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong 10 năm qua phối hợp tổ chức được 63 hội nghị tiếp xúc cử tri với Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân hai cấp tỉnh, huyện và Đại biểu Hội đồng nhân dân hai cấp huyện, xã có 5.614 lượt cử tri tham dự, có 1.034 lượt ý kiến, trong đó ý kiến trực tiếp tại hội nghị là 948, ý kiến bằng văn bản là 86. Ngoài ra còn các Hội nghị tiếp xúc cử tri của Đại biểu Hội đồng nhân dân xã tại các thôn, bon, bản. Phối hợp với cấp ủy chính quyền tổ chức Hội nghị đối thoại, tiếp xúc với lãnh đạo và các hội nghị khác do MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, kết quả các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức các hội nghị. Các ý kiến đa số lãnh đạo các cấp và cán bộ hội đã trả lời sát đáng, các ý kiến vượt thẩm quyền đã tổng hợp và chuyển cấp có thẩm quyền trả lời bằng văn bản.
MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng chính quyền và tham gia góp ý văn bản của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, đạt được nhiều kết quả. Triển khai lồng ghép phối hợp tuyên truyền phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, Luật Đất đai, tập trung vào những nội dung đổi mới quan trọng; tham gia cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp ý dự thảo Bộ Luật Dân sự, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và một số luật khác.
Đảng ủy các xã đã triển khai công tác lấy ý kiến đóng góp của các Chi bộ trực thuộc, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, nhiệm kỳ 2020-2025. Tổ chức các hội nghị lấy ý kiến đóng góp của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã đã nghỉ hưu; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; đại diện các hoạt động xã hội, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, có uy tín. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng văn kiện trình đại hội Đảng các cấp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hàng năm việc lấy ý kiến đóng góp trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của cấp trên, nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; việc lãnh đạo các mặt công tác, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; các giải pháp nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của Đảng ủy trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự.
Khi có ý kiến góp ý, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội chủ động sàng lọc, kiểm chứng thông tin, nhất là những nội dung nhạy cảm. Trường hợp nội dung góp ý chưa đúng thì chủ động gặp gỡ, trao đổi, thông tin lại để cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý hiểu và chia sẻ; nếu nội dung góp ý đúng, nhưng chỉ là những vấn đề nhỏ, thì chủ động trao đổi trực tiếp với tổ chức đảng được góp ý để kịp thời chấn chỉnh, tiếp thu ngay. Khi có kết quả thông tin lại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý. Đối với những nội dung cần có giải pháp, có sự chỉ đạo của cấp trên thì chủ động báo cáo bằng văn bản với thường trực cấp ủy theo quy định. Theo dõi và thông tin kết quả tiếp thu góp ý của cấp ủy, đảng viên tới tổ chức, cá nhân góp ý. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định của Đảng và Nhà nước về bảo vệ bí mật thông tin.
Triển khai thực hiện tốt việc tổ chức để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý và tiếp thu ý kiến góp ý theo quy định. Định kỳ hằng năm, thông qua việc gửi báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Đảng ủy, chính quyền, đã tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia góp ý việc thực hiện. Tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về những chủ trương, nghị quyết của Đảng thông qua hội nghị ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Triển khai lấy ý kiến tham gia các dự thảo nghị quyết, chương trình... và các văn bản trước mỗi kỳ họp bằng hình thức gửi văn bản đề nghị tham gia ý kiến bằng văn bản hoặc trực tiếp tại hội nghị.
Các ý kiến kiến nghị của cử tri chủ yếu liên quan đến đất đai, môi trường, điện, đường, trường học và một số chính sách để phát triển nông nghiệp, đại đa số các ý kiến đã được Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các sở ngành và hội đồng nhân dân các cấp, lãnh đạo các phòng, ban trả lời trực tiếp tại hội nghị và trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến vẫn chưa trả lời giải quyết dứt điểm như các ý kiến liên quan đến đất đai của các tổ chức đóng trên địa bàn, vấn đề xử lý rác, công tác giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.
Ngoài các ý kiến kiến nghị, phản ánh, góp của của nhân dân tại các cuộc họp hội nghị do MTTQ các cấp chủ trì đã thẳng thắn góp ý cho tổ chức nhằm mục đích để tập thể hoạt động hiệu quả hơn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong lĩnh vực công tác. Nêu cao tinh thần trách nhiệm tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí trong đơn vị để công việc đạt hiệu quả cao.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1361-QĐ/TU, bên cạnh những kết quả đạt được là chủ yếu, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Việc quán triệt Quyết định số 1361-QĐ/TU và các văn bản liên quan chưa thường xuyên, chưa thực sự được quan tâm đúng mức; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của MTTQ huyện, xã và các đoàn thể triển khai tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa chủ động, chưa nghiên cứu sâu các văn bản cần góp ý. Việc góp ý cho cơ quan, cá nhân người đứng đầu và các thành viên trong cơ quan đôi lúc, đôi nơi chưa thật sự thẳng thắn hoặc góp ý chưa trọng tâm. Việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, xử lý ý kiến đôi lúc chưa đến nơi đến chốt, dẫn đến người dân ý kiến phản ánh góp ý nhiều lần. Công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Công tác triển khai tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ huyện, xã chưa có tính đột phá, đổi mới.
Quốc Đạt