Kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo (Chỉ thị 40-CT/TW); Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 18/01/2006 về thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1661/QĐ-UBND, ngày 03/11/2005 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 - 2010” tỉnh Đắk Nông; Quyết định số 1030/QĐ-UBND, ngày 22/8/2006 ban hành Kế hoạch xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2006 - 2010; Quyết định số 446/QĐ-UBND, ngày 04/4/2007 ban hành Đề án “Đào tạo sau đại học cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2006 - 2010”.
Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ này cơ bản được chuẩn hoá, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đối với lĩnh vực giáo dục mầm non, phổ thông: Năm học 2003 - 2004, toàn ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông chỉ có 4.016 cán bộ quản lý, giáo viên, trong đó 1.278 cán bộ, giáo viên là đảng viên (chiếm tỷ lệ 32%), tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn: mầm non 70%, tiểu học 80%, THCS 98%, THPT 97%. Tính đến đầu năm 2024, số cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành đã tăng lên 9.739 người, trong đó cán bộ quản lý 835; giáo viên 8.904. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn đạt 95,63% theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, trong đó, 95,15% giáo viên mầm non, 92,6% giáo viên tiểu học, 97,83% giáo viên THCS, 100% giáo viên THPT đạt chuẩn và trên chuẩn. Số cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ trở lên 201 người, so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, toàn tỉnh Đắk Nông chỉ có 01 người; cán bộ, giáo viên đã có trình độ trung cấp lý luận chính trị là 1.379 người (chiếm tỉ lệ 14,16%), cao cấp lý luận chính trị 49 người (chiếm tỉ lệ 0,51%).
Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: tỉnh Đắk Nông có 399 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 72 cán bộ, nhà giáo là đảng viên (chiếm 18%). 100% nhà giáo đã đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của giáo dục nghề nghiệp. Số cán bộ, nhà giáo có trình độ tiến sĩ là 02 người, trình độ thạc sĩ là 31 người, trình độ đại học là 121 người, còn lại là trình độ cao đẳng. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đã được nâng cao và chuẩn hóa qua từng năm.
Việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục được chú trọng thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 40-CT/TW và Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 32-CTr/TU, ngày 19/11/2014 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; UBND tỉnh xây dựng, ban hành các văn bản triển khai bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tế, đạt được các kết quả tích cực, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.
Qua 20 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, các cấp ủy đảng ngày càng quan tâm chăm lo hơn đến công tác giáo dục, trong đó có việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh từ tình hình thực tế của địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, các chương trình, kế hoạch, dự án để phát triển toàn diện giáo dục - đào tạo. Đến nay, toàn ngành Giáo dục - Đào tạo có 320 chi bộ độc lập/357 trường (trong đó có 40 trường ngoài công lập), tỷ lệ đảng viên trên tổng số cán bộ, giáo viên đạt 55,91%. Các đảng bộ/chi bộ trường học đã phát huy hiệu quả công tác lãnh đạo, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên trong trường học những năm qua được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: Chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu về đổi mới giáo dục và yêu cầu của xã hội. Tỷ lệ giáo viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị còn thấp. Nguồn tuyển giáo viên chưa bảo đảm được cơ cấu vùng, miền, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn; tình trạng thiếu giáo viên chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường lớp; xử lý việc dôi dư giáo viên cục bộ trong các cấp học và các địa phương... còn chậm. Một số trang thiết bị đào tạo nghề chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng, đang bắt đầu hư hỏng xuống cấp; trang thiết bị dạy và học nghề phục vụ đào tạo tuy đã được đầu tư nhưng so với quy định thì số lượng trang thiết bị còn thiếu.
Qua 20 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, một số bài học kinh nghiệm được chỉ ra để làm cơ sở xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong giai đoạn tiếp theo, đó là:
Thứ nhất, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, quán triệt cho cán bộ, đảng viên và đội ngũ giáo viên nhận thức sâu sắc Chỉ thị 40-CT/TW; từ đó, có những cách làm sáng tạo, linh hoạt để không ngừng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Thứ hai, để việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có hiệu quả, cần thực hiện lồng ghép đồng thời với nhiều chương trình, dự án, huy động nhiều nguồn lực để làm tốt công tác nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Thứ ba, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chi bộ trong trường học, cán bộ quản lý với chính quyền địa phương; gắn kết giữa công tác đào tạo bồi dưỡng với công tác đánh giá, thi đua, bố trí và sử dụng cán bộ.
Lam Giang