Kết quả sau 25 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) ở Đảng bộ tỉnh Đắk Nông
Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 34-CT/TW).
Gắn với các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành 02 chỉ thị và 02 đề án chuyên đề: Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 07/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai các nghị quyết của Đảng; Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 26/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 05/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018 - 2020; Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 05/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, nhằm tăng cường chỉ đạo công tác chính trị tư tưởng; đồng thời, chú trọng đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt, triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ.
Công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thời gian qua, được các đảng bộ, chi bộ trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chú trọng, nhằm nâng cao nhận thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua việc học tập, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là thực hiện các văn bản (quy định, chỉ thị, kết luận…) của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết TW4 (khoá XI, khóa XII); Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, bảo đảm kịp thời và đạt kết quả tích cực. Theo đó, đến nay 100% đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, được bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức quản lý; 100% cán bộ, đảng viên trong các trường học đều đăng ký kế hoạch, cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm - gắn với công tác thi đua, qua đó, góp phần đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên, nền nếp tại các đảng bộ, chi bộ trường học. Các chi bộ, đảng bộ trường học luôn coi trọng công tác chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng.
Sau 25 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW đã đạt được một số kết quả quan trọng: việc tổ chức học tập chính trị, tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh được thực hiện kịp thời, đầy đủ; phương pháp, cách thức tổ chức học tập được quan tâm đổi mới, từng bước nâng cao về chất lượng; trình độ chính trị của cấp ủy, cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng được nâng cao qua các chương trình đào tạo từ sơ cấp, trung cấp và cao cấp lý luận chính trị. Công tác phát triển đảng viên trong đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên được các đảng bộ, chi bộ trường học ngày càng quan tâm, chú trọng tổ chức thực hiện. Năm 2004, toàn ngành Giáo dục có 815/4.658 CBQL, giáo viên, nhân viên là đảng viên, chiếm 17,5%. Sau 10 năm (năm học 2014 - 2015), số lượng đảng viên trong toàn ngành giáo dục tăng lên 4.112/9.935 đảng viên, chiếm 41,4%. Đến nay, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo có 5.874 đảng viên trong tổng số 11.117 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, chiếm tỷ lệ 52,83% (tăng 35,33% so với năm học 2004 - 2005).
Hoạt động của các đoàn thể quần chúng trong trường học được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy được vị trí, vai trò, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng giáo dục đào tạo trong các nhà trường.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: một số cơ sở giáo dục chưa tổ chức thường xuyên, chưa nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên; chưa nắm bắt kịp thời các nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ giáo viên, công nhân viên chức và của học sinh, sinh viên. Nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống còn chung chung, hình thức; chưa có nhiều đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng, thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả, sâu sát trong thực hiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức cơ sở đảng tại các cơ sở giáo dục chưa kịp thời phát huy vai trò, trách nhiệm trong phát hiện, tạo nguồn, giới thiệu cho tổ chức cơ sở đảng phát triển đảng viên…
Để việc thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, Tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân theo Chỉ thị số 34-CT/TW; Nghị quyết số 29-NQ/TW và các chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần có sự chỉ đạo thường xuyên đối với các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể, các cơ sở giáo dục và đào tạo trong việc phối hợp, triển khai thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị.
Hai là, Các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo việc đổi mới công tác xây dựng Đảng trong trường học với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp, hiệu quả, góp phần xây dựng chi bộ trường học trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đối tượng đảng và đảng viên mới; tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng công tác cho đội ngũ cấp ủy chi bộ các trường học.
Ba là, Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo trong công tác chính trị, tư tưởng; tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh, trình độ lý luận chính trị cho đảng viên là cán bộ, giáo viên và học sinh trong các trường học. Chủ động nắm tình hình, diễn biến tư tưởng, kịp thời định hướng tư tưởng cho đảng viên; tăng cường trách nhiệm của đảng viên ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Bốn là, Chỉ đạo thực hiện củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học. Các nhà trường có kế hoạch tạo nguồn và phát triển đảng hợp lý; quan tâm đến chất lượng, không chạy theo số lượng hay thành tích mà xem nhẹ tiêu chuẩn để được kết nạp vào Đảng; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ, giáo viên để xem xét, lựa chọn những giáo viên có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị tốt giới thiệu với chi bộ đảng để theo dõi, giúp đỡ giới thiệu đi học lớp cảm tình đảng nhằm tạo nguồn cho việc kết nạp đảng viên mới. Phát huy vai trò của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội trong tạo nguồn, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng.
Năm là, Củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hoá về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện đại; phấn đấu giữ vững và từng bước xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Mỹ Linh