Kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2022 và kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Đắk Nông là 2.675,79 tỷ đồng (bao gồm: kế hoạch vốn được giao năm 2022 là 2.671,14 tỷ đồng; kế hoạch vốn kéo dài năm 2021 chuyển sang năm 2022 là 4,65 tỷ đồng).
Theo số liệu của Kho bạc nhà nước tỉnh, tính đến ngày 15/11/2022, kết quả giải ngân chung là 1.407 tỷ đồng/2.671,14 tỷ đồng, đạt 52,6% (nguồn ngân sách địa phương: 723,242 tỷ đồng/1.192,73 tỳ đồng, đạt 60,6%; nguồn ngân sách trung ương: 580.48 tỷ đồng/1.232,5 tỷ đồng, đạt 47,1%; nguồn vốn ODA: 104,57 tỷ đong/245,91 tý đồng, đạt 41,6%), thấp hơn 13% so với năm 2021. Dự kiến kết quả giải ngân chung năm 2022 là 2.069,021 tỷ đồng/2.116,786 tỷ đồng, đạt 96,44%; chương trình mục tiêu quốc gia ước giải ngân được 360,69 tỷ đồng/450,86 tý đồng, đạt 80%.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phục hồi phát triên kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, góp phần cho tăng trưởng kinh tế ổn định, tạo việc làm cho người lao động... Năm 2022, là năm thứ 2 thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên tình hình kinh tế hết sức khó khăn sau đại dịch Covid-19, giá nhiên, vật liệu có nhiều biến động, lãi suất ngân hàng tăng... việc đẩy mạnh thực hiện đầu tư công được xem là giải pháp tích cực để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, tính đến ngày 15/11/2022 việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh mới đạt 52,6% do tình trạng chậm trễ trong giải phóng mặt bằng; việc chuẩn bị triển khai dự án cũng như năng lực nhà thầu còn hạn chế; giá các vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh, nhất là sắt, thép xây dựng, xi măng, cát, sỏi... tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, một số dự án phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, tiến độ giải ngân của dự án. Việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng của UBND các huyện, thành phố chưa thực sự quyết liệt, chưa chủ động dẫn đến nhiều dự án còn nhiều vướng mẳc, chưa bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, như: Hồ Gia Nghĩa; Nâng cấp các trục đường giao thông chính thị trấn Đắk Mil; Đường giao thông từ thị trấn Kiến Đức đi liên xã Kiến Thành - Nhân cơ - Nhân Đạo; Hồ Đắk R'Tan, xã Đắk RTih, huyện Tuy Đức... Nguồn thu sử dụng đất dự kiến năm 2022 hụt thu khoảng 84,8 tỷ đồng, nhiều dự án không có nguồn để bố trí vốn đã ảnh hưởng lớn kế hoạch giải ngân năm 2022; sự vào cuộc của chính quyền các địa phương chưa đồng đều, nơi nào có sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo thì có kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt và ngược lại.

Đồng chí Hồ Văn Mười – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra Dự án Khu tái định cư Đắk Nur (Ảnh: Nguồn, Báo Đắk Nông)
Dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh là 3.137,763 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách trung ương là 2.049,620 tỷ đồng, tăng 28,84% so với năm 2022; vốn ngân sách địa phương là 1.088,143 tỷ đồng, tăng 21,41 % so với năm 2022. UBND tỉnh dự kiến nguồn thu sử dụng đất kế hoạch năm 2023 của tỉnh là 735,4 tỷ đồng, bổ sung thêm cho đầu tư phát triển 185,4 ty đồng từ nguồn thu sử dụng đất; bồ sung từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi hàng năm và các nguồn hợp pháp khác là 150 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh là 3.473,163 tỷ đồng.
Năm 2023, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công góp phần quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn Luật, các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy; nâng cao chất lượng trong công tác lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật (bao gồm: tư vấn khảo sát, thiết kế, tư vấn giám sát, thi công, quản lý dự án), bảo đảm lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thực hiện dự án; thực hiện phân công 01 lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023. Các sở chuyên ngành nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; tăng cường công tác quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng, chất lượng công trình theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật hoặc cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố trực tiếp kiểm tra thực địa dự án; trực tiếp gặp dân, tổ chức đối thoại, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, thực hiện vận động chấp hành các quy định của nhà nước; kịp thời xử lý khiếu nại, không để làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án. Kiên quyết xử lý, cưỡng chế đối với các trường hợp lợi dụng các chính sách của nhà nước để trục lợi, ảnh hưởng đến tiến độ dự án…
Thanh Tùng