Cuộc chiến đấu bất khuất đầy dũng cảm và đầy thông minh của các chiến sỹ Côn Đảo là những trang chói lọi của lịch sử cách mạng, được nối tiếp và nhân lên trong chủ nghĩa anh hùng cách mạng rực rỡ của nhân dân ta qua kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sự hy sinh cao cả của biết bao liệt sỹ trong cuộc chiến đấu ấy đã và đang tiếp tục khai hoa kết quả trong những thắng lợi và thành tựu của dân tộc Việt Nam. Trong đó, phải kể đến khí tiết trung kiên của những nữ tù chính trị ở Côn Đảo.
Trong hệ thống nhà tù Côn Đảo chúng ta không thể nào không nhắc đến sự tồn tại của Chuồng cọp, nơi các cai ngục tổ chức hoạt động bí mật mà mãi 30 năm sau, thế giới mới được biết đến.
Được xây dựng năm 1940, “chuồng cọp” kiểu Pháp nằm bên trong trại giam Phú Tường có tổng diện tích gần 5.500 m² gồm 60 phòng tắm nắng không có mái che và 120 phòng giam biệt lập, nhờ cấu trúc “nhà tù trong nhà tù”. Trong khi đó, “chuồng cọp” kiểu Mỹ với 48 phòng giam biệt lập, mỗi phòng giam từ 5 đến 12 người. Bên trên mỗi buồng giam đều có 1 thùng nước bẩn, 1 thùng vôi bột, khi tù nhân có dấu hiệu phản đối, cai ngục rắc vôi bột làm mù mắt tù nhân. Có thể khẳng định, đây là trại giam khắc nghiệt nhất trong giai đoạn cuối cùng của ngục tù Côn Đảo.
Tháng 8 năm 1966, ngụy quyền Sài Gòn đày 36 phụ nữ chống đối lâu năm từ các nhà lao đất liền ra Côn Đảo, giam ở Trại V. Trại V khi ấy có một bộ phận tù binh và một bộ phận tù câu lưu dân sự mới bị đưa ra. Tập thể nữ tù chính trị là lực lượng kiên cường tranh đấu. Các chị tuyên bố chống chào cờ, chống nội quy, chịu chế độ cấm cố khắc nghiệt.
Năm 1967, các chị đã tuyệt thực 10 ngày đòi cải thiện đời sống, đòi đưa về đất liền. Cuối năm 1968, địch đưa 36 phụ nữ ở Côn Đảo về Nhà lao Thủ Đức. Sau cuộc tổ chức lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các nhà lao Thủ Đức Chí Hòa (9-1969), ngụy quyền Sài Gòn đày 342 phụ nữ và 2 cháu bé ra Côn Đảo ngày 29-11-1969. Tất cả bị giam ở Chuổng Cọp, mỗi chuồng 5 người.
.png)
Nữ tù chính trị ở bị giam ở Côn Đảo (Ảnh CT)
Ở Chuồng Cọp, bọn gác ngục đã tra tấn tù nhân nói chung, tra tấn các nữ tù nói riêng vô cùng tàn khốc. Chúng nhiều lần đàn áp bằng vôi bột và sào nhọn bịt đồng. Bên cạnh đó, lợi dụng đặc điểm sinh lý của phụ nữ để kìm kẹp khống chế các chị. Hình phạt tôi tệ mà chúng thường áp dụng là không cho tắm, không cho nước rửa, không cho đổ thùng cầu. Có lúc, chỉ vì không chịu khai tên tuổi, chúng phạt 19 chuồng phụ nữ, không cho đổ thùng cầu, chuồng lâu nhất bị phạt 53 ngày.
Không có đồ dùng vệ sinh, các chị phải xé quần áo rách ra dùng mỗi kì có kinh, dùng nước tiểu mà giặt, quạt cho khô dùng tiếp. Cho nên, Chuồng Cọp lúc nào cũng nồng nặc mùi hôi hám, khó chịu. Khi hết cả những mảnh áo rách, các chị phải ngồi trên thùng cầu hoặc trên những tấm nilon trong suốt thời ki có kinh, lâu lâu lại trút vào thùng cầu.
Trong suốt gần 8 tháng ở Chuồng Cọp, các chị chỉ được ăn 3 lần thịt heo, 3 lần rau xanh, còn lại là tương chua và mắm ruốc xấu. Thêm vào đó là các trận đàn áp bằng vôi bột làm cho cơ thể suy sụp rất nhanh. Rệp ở Chuồng Cọp rất nhiều, chống rệp không khác gì chống giặc. Mỗi đêm các chị giết hàng trăm con, vệt máu giết rệp đỏ bầm khắp tường. Ở các chuồng giam tù nam giới, tình cảnh cũng diễn ra tương tự. Từ 30-4 đến 2-5-1973, địch mở cuộc tiến công bằng lựu đạn cay, phi tiễn rồi cưỡng bức tù nhân ký tên, lăn tay, chụp hình. Đã có ba nữ tù tại trại IV bị địch đánh chết là Lê Thị Cúc, Trần Thị Thanh, Nguyễn Thị Hương. Song song với các thủ đoạn đàn áp, đánh đập, thì chúng mua chuộc, phân hóa các nữ tù nhằm chia tách ra khỏi phong trào đấu tranh.

Chân dung các nữ tù trong cuộc đấu tranh chống lăn tay năm 1973 tại Bảo tàng Côn Đảo (Ảnh CT)
Trong những năm 1966-1968, lực lượng nữ tù chính trị bị giam ở Trại V và Chuồng Cọp đã trở thành lực lượng trung kiên, sát cánh với tập thể tù chính trị câu lưu và tập thể tù án chính trị chống chào cờ tại Chuồng Cọp. Tinh thần đấu tranh kiên cường của tập thể nữ tù chính trị có tác dụng như một ngòi thuốc súng, làm bùng lên một cao trào đấu tranh trong lực lượng tù án chính trị. Trong Bản Sơ kết tình hình nhà lao Côn Đảo của Trung ương Cục soạn thảo năm 1974 đã đánh giá: “Từ năm 1969 đến tháng 8 năm 1970, đội ngũ chị em phụ nữ ở Chuồng Cọp là ngọn cờ hiệu triệu dũng cảm nhất, kiên quyết nhất, làm cho địch khiếp sợ, góp phần động viên phong trào toàn đảo”[1].
Có thể nói, bất chấp sự tra tấn dã man, và các nội quy khắc nghiêt tại Chuồng Cọp, các chị đã liên hệ công khai, đấu tranh đòi tăng khẩu phần ăn, đòi trả quần áo, vật dụng vệ sinh, đòi được tắm giặt, có thuốc trị bệnh, đòi cho các chị có thai ra bệnh xá sinh nở.

Nữ tù chính trị ở Chuồng Cọp, nhìn từ trên xuống. (Ảnh CT)
Đó là hình ảnh Chị Nguyễn Thị Bé đã dùng dao lam mổ bụng trước mặt tên Đại úy Nguyễn Phúc Trân, Phụ tá Quản đốc để phản đối hành động man rợ của chúng đối với phụ nữ. Đó còn là hình ảnh của bà Sáu Mù, (tên thật là Nguyễn Thị Chỉ, quê Quảng Nam) dù tóc bạc, lưng còng, mắt mù, sức yếu, bà thường nép mình vào một xó chuồng, nhưng bà vẫn đứng vững trong tập thể chiến đấu, chống chào cờ, chống nội quy, chịu mọi cực hình ở Chuồng Cọp I.
Đầu năm 1970, tập thể nữ tù chính trị ở Chuồng Cọp đã tổ chức học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà một số người có trách nhiệm đã chép được từ Nhà lao Chí Hòa. Bản Di chúc được truyền tay trong số cốt cán ở các chuồng. Vào thời điểm thuận lợi, số cốt cán trong mỗi chuồng sẽ truyền miệng từng đoạn Di chúc của Bác Hồ kính yêu cho những người cùng chuồng. Chị Lê Hồng Qụân, Tiểu đoàn Trưởng, Tiểu đoàn Biệt động nữ mang tên Lê Thị Riêng đã phổ biến Di chúc của Bác cho tập thể 14 chị em què liệt, tàn tật ở gian Hầm Đá nổi số một đôi diện với Chuồng Cọp II vào đúng dịp 19-5-1970[2].
Tháng 7-1970, tội ác ở Chuồng Cọp ở Côn Đảo của chế độ Mỹ - Ngụy bị phơi bày trước dư luận thế giới. Trong lời tường thuật trước giới báo chí, hai dân biểu Mỹ khẳng định rằng, các ông đã tận mắt thấy: “500 người bị giam trong các Chuồng Cọp... Có những tu sĩ Phật giáo... Có nhiều phụ nữ từ 15 đến 70 tuổi, có cả những bà già bị mù. Họ bị giam giữ chỉ vì đấu tranh cho hòa bình... Họ bị bỏ bỏ khát bị nhốt như những con vật trong các Chuồng Cọp... Họ bị ngạt thở người ta tung vôi bột vào trừng phạt. Trong bảy tháng họ chỉ được ăn rau có 3 lần... Nhiêu người trong số đó bị còng lâu ngày đến mức không thể đứng lên bằng đôi chân của mình được nữa... Đó là sự đối xử kinh khủng nhất đối với con người mà chúng tôi chưa bao giờ được thấy...”[3].
Những ngày tiếp theo, nhiều tờ báo lớn ở Mỹ, Pháp, Nhật, Italia, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Liên Xô...tiếp tục đưa tin, lên án tội ác của Mỹ - ngụy tại Chuồng Cọp. Khẳng định rằng, lời tố cáo của 2 dân biểu Mỹ là xác đáng, tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ về sự thật tội ác của Mỹ - ngụy mà hai ông tận mắt chứng kiến. Song, sự thật bé nhỏ ấy đã thức tỉnh lương tri nhân dân Mỹ và nhân loại tiến bộ, rằng Chính phủ Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội lỗi và sự nhơ bẩn của hàng chục tỉ đô la viện trợ mỗi năm để bảo hộ cho một chính quyền tay sai tàn bạo, phi nhân tính.
Trước áp lực của dư luận, ngụy quyền phải mở cửa Chuồng Cọp, quét dọn sạch sẽ. Trung tuần tháng 7 năm 1970, địch chuyển số tù án chống chào cờ về Chuồng Bò, chuyển toàn bộ phụ nữ về Trại V. Về Trại V, tập thể nữ tù chính trị nhanh chóng củng cố tổ chức, hình thành Ban Cán sự tại mỗi phòng để lãnh đạo toàn diện các hoạt động của tù nhân. Các chị tiếp tục đấu tranh đòi đưa về đất liển, trả tự do, trong khi chờ đợi trả tự do phải được cải thiện đời sống, có thuốc men trị bệnh, được nhận thư và bưu kiện tiếp tế của gia đình. Tháng 11 năm 1970, ngụy quyền đưa tất cả phụ nữ tù về Nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa).
Có thể nói, bằng những hình thức tra tấn dã man, tưởng chừng như các tù nhân chính trị không còn sức chống cự. Nhưng, đây lại là nơi nổi dậy đầu tiên của tù chính trị vào lúc 12 giờ đêm 30-4-1975, trong tổng số 4.334 tù chính trị thì có 494 phụ nữ và 31 tử tù ở các trại giam. Để rồi, trưa 1-5-1975, ta hoàn toàn làm chủ Côn Ðảo. Sáng 4-5-1975, quân ta từ tàu chiến đổ lên đảo. Một cuộc mít-tinh mừng Côn Ðảo giải phóng được tổ chức trọng thể. Hàng nghìn cựu tù mang cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, cùng với cư dân trên đảo hò reo vang dội.
Ngày nay, Côn Đảo đã trở thành một khu di tích lịch sử cách mạng lớn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Về đây, chúng ta càng thấu hiểu hơn độc lập tự do của đất nước hôm nay được xây đắp bằng sự hy sinh cao cả của lớp lớp cha anh đi trước. Trong đó, hình ảnh những nữ tù chính trị, đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” được khắc họa một cách rõ nét nhất.
Cẩm Trang
[1] Lịch sử nhà tù Côn Đảo 1862-1975, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 599
[2] Lịch sử nhà tù Côn Đảo 1862-1975, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 599
[3] Lịch sử nhà tù Côn Đảo 1862-1975, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 602