Ngày 21/3/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW về việc triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số”. Mục đích nhằm triển khai sâu rộng Phong trào “Bình dân học vụ số”, phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số; mọi người dân đều được trang bị kiến thức, kỹ năng số cần thiết để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày nhằm nắm bắt, tận dụng, khai thác, thụ hưởng những thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mang lại.
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số, công tác phổ cập kỹ năng số, khơi dậy động lực tự thân của mỗi người trong học tập, rèn luyện kỹ năng số và tham gia đầy đủ vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Phong trào, thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người dân; đồng thời đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nội dung phong trào nhằm tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chuyển đổi số và công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Xây dựng cơ chế, chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản về thể chế nhằm hỗ trợ và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau” và “người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số”.
Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; cập nhật, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công; phổ cập kỹ năng số cho học sinh, sinh viên, người lao động trong các doanh nghiệp, người dân trong học tập, nghiên cứu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ thiết yếu khác. Thi đua tự học về chuyển đổi số, rèn luyện phát triển kỹ năng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; khai thác có hiệu quả các dịch vụ, nền tảng số, các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo trong công việc và cuộc sống; xây dựng đơn vị số, cộng đồng số, gia đình và công dân số.
Gắn kết phong trào với triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (ban hành theo Quyết định số 146/QĐ-TTg, ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ); với các phong trào đang triển khai thực hiện, nhất là phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” (theo Quyết định số 1315/QĐ-TTg, ngày 09/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ).
Về chỉ tiêu cụ thể, năm 2025, 80% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc. 100% học sinh trung học và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, có kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác xã hội trong môi trường số. 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số. 40 triệu người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNelD. 80% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Năm 2026, 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc. 100% học sinh từ cấp tiểu học được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, nhận biết được nguy cơ, có kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường số. 100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nên tảng, dịch vụ số thiết yếu, tham gia tương tác, an toàn trên môi trường số. 60 triệu người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNelD. 100% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã có kiến thức về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Về xây dựng các nền tảng số. Xây dựng, tổ chức vận hành và duy trì nền tảng học trực tuyến mở đại trà quốc gia (MOOCs) “Bình dân học vụ số” để đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số cho mọi đối tượng (vận hành từ tháng 4/2025). Xây dựng, tổ chức vận hành và duy trì nền tảng tích họp với VNelD để tuyên truyền về chuyển đổi số, định danh, xác thực người học, phục vụ đào tạo, đánh giá, xác nhận trình độ phổ cập kỹ năng số, năng lực số theo hướng tự động. Xây dựng, tổ chức vận hành và duy trì các dịch vụ, nền tảng số thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề để người dân thực hành, sử dụng ngay trong quá trình rèn luyện kỹ năng số. Qua đó, người dân thấy được lợi ích và tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số. Phát triển trợ lý ảo hỗ trợ học tập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, phát triển kỹ năng số dựa trên công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm cá nhân hóa nội dung học, bảo đảm trải nghiệm phù hợp với trình độ và nhu cầu của từng người dùng.
Về triển khai các mô hình, phong trào lan tỏa kỹ năng số cho cộng đồng. Mạng lưới “Đại sứ số”: Xây dựng mạng lưới “Đại sứ số” để phổ cập kỹ năng số cho cộng đồng qua mô hình Người hướng dẫn (mentor) - Người học (mentee). Mỗi “mentor” hướng dẫn kỹ năng số cho ít nhất 5 “mentee”. Mỗi phường, xã bố trí ít nhất một nhân sự hỗ trợ, hướng dẫn khi người dân đến làm thủ tục hành chính nhưng không đủ kỹ năng thao tác trên cổng dịch vụ công trực tuyến.
Phong trào “Gia đình số”: Mỗi hộ gia đình có ít nhất một thành viên tham gia học tập, có hiểu biết về chuyển đổi số, kỹ năng số, sử dụng được nền tảng, dịch vụ số và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình. Mô hình “Chợ số - Nông thôn số”: Đào tạo tiểu thưong, nông dân và người dân khu vực nông thôn qua mô hình học tập 4T (Tiểu thương - Thương mại điện tử - Thanh toán không dùng tiền mặt - Tiết kiệm số), giúp người học nắm vững các kỹ năng, sử dụng công nghệ, nền tảng số trong công việc kinh doanh. Mô hình “Mỗi công dân - Một danh tính số”: Bảo đảm 100% công dân từ 16 tuổi có danh tính số, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VNelD, tài khoản ngân hàng số.
Mô hình “Tổ công nghệ số cộng đồng”: Phát huy cao độ vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập trong triển khai thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số” với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những nơi có điều kiện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm mọi người dân đều được phổ cập kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số.
Chiến dịch Thanh niên chung tay phổ cập kỹ năng số: Các cơ sở đoàn tại địa phương trên cả nước thực hiện chiến dịch thường xuyên theo chuyên đề riêng hoặc lồng ghép vào hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ thanh niên chuyển đổi số. Thanh niên tình nguyện tổ chức các lớp, nhóm hướng dẫn cho người dân cách thức cài đặt, sử dụng các phần mềm, ứng dụng, sản phẩm, dịch vụ số.
Trí Dũng