Một số kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật 06 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh
Sáu tháng đầu năm 2023, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đã được các cấp, các ngành, đoàn thể quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, kiềm chế và làm giảm phạm pháp hình sự so với 6 tháng đầu năm 2022.
Công tác phòng, chống tội phạm đạt được những thành tích nổi bật. Tội phạm về trật tự xã hội giảm 4,1%; tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt rất cao 97,54%, riêng trọng án đạt 100%. Phát hiện và điều tra khám phá nhiều vụ án kinh tế, ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được quán triệt và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự được tăng cường và hiệu quả góp phần tạo sự ổn định phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quán triệt quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 29/12/2022 về thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng - An ninh năm 2023; Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 27/12/2022 về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Công văn số 1156-CV/TU ngày 27/12/2022 chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 10/11/2022 phát động đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2023.
Trong 06 tháng đầu năm 2023, xảy ra 163 vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 4,1% số vụ (07 vụ) so với cùng kỳ năm 2022, làm chết 05 người, bị thương 29 người, thiệt hại tài sản trị giá hơn 6,3 tỷ đồng, qua công tác đấu tranh cho thấy tính chất của tội phạm ngày càng phức tạp, hoạt động tinh vi, manh động. Tội phạm giết người giảm 02 vụ (4/6), chủ yếu do mâu thuẫn cá nhân, có vụ đối tượng là bố dượng dùng súng thể thao bắn con riêng của vợ tử vong (Tuy Đức), xảy ra 01 vụ giết con mới đẻ (Đắk Song); tội phạm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi giảm 01 vụ (6/7), đối tượng chủ yếu là người thân, quen với gia đình nạn nhân; tội phạm cố ý gây thương tích giảm 08 vụ (23/31), chủ yếu do mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn bột phát sau khi sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên, tội phạm trộm cắp tài sản tăng 09 vụ (50/41) và chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (31,25%), đối tượng chủ yếu lợi dụng sơ hở trong quản lý tài sản của người dân để phạm tội; tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi xảy ra 01 vụ (1/0), các đối tượng chuyển giao nạn nhân để nhận tiền và ép buộc nạn nhân lao động tại cơ sở kinh doanh karaoke (Cư Jút).
Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao, nổi lên là tội phạm lợi dụng mạng internet để tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá; đưa ra thông tin bán hàng giá rẻ, thông báo trúng thưởng, khuyến khích người dùng mua sản phẩm do các đối tượng bán để tích điểm, nhận thưởng; mạo danh doanh nghiệp rao bán các mặt hàng sắt, thép, phương tiện sản xuất sau đó yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để chiếm đoạt; đã phát hiện, bắt, khởi tố 13 vụ 89 bị can liên quan đến tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự xã hội, trong đó bắt, khởi tố 04 vụ 12 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đấu tranh, triệt phá, bắt, khởi tố 09 vụ 77 bị can đánh bạc, tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng Internet với số tiền dùng để đánh bạc hơn 600 tỷ đồng.
Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng, chức vụ, nổi lên là vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, lập khống hồ sơ, chứng từ tham ô tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, nhất là các mặt hàng pháo nổ, thực phẩm, hàng gia dụng. Phát hiện, bắt 81 vụ 129 đối tượng phạm tội về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, trong đó: 08 vụ, 13 đối tượng phạm tội về tham nhũng, chức vụ ; 04 vụ 05 đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, thu lợi bất chính hơn 8,3 tỉ đồng; 77 vụ 124 đối tượng sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ .
Về tội phạm hủy hoại rừng, vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, lực lượng chức năng đã tập trung đấu tranh xử lý các đối tượng chặt phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất rừng trái phép, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, do đó tình trạng hủy hoại, lấn chiếm đất rừng trái phép, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép được kiềm chế, kéo giảm. Phát hiện, lập hồ sơ xử lý 230 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, giảm 10,5% số vụ (27 vụ) so với cùng kỳ năm 2022, thiệt hại 54,3128 ha rừng, 58,476m3 gỗ .
Về tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm: Chủ yếu là hành vi xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép; mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; vi phạm về an toàn thực phẩm. Công an tỉnh ban hành Kế hoạch cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, huy động tối đa lực lượng, phương tiện tấn công, trấn áp quyết liệt tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản .
Tội phạm ma tuý: Tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc Mông di cư vào địa bàn, các đối tượng câu kết, móc nối với các đối tượng ở các tỉnh phía Bắc, nước Lào để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy vào địa bàn tỉnh Đắk Nông, sau đó trung chuyển đi các tỉnh phía Nam để tiêu thụ; đã phát hiện, bắt 98 vụ 173 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và trồng cây có chứa chất ma túy (phát hiện nhiều hơn 19,5% (16 vụ) so với cùng kỳ năm 2022). Tình hình người nghiện ma túy: Toàn tỉnh hiện có 452 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó: số người nghiện ngoài cộng đồng: 303 người (chiếm 67,04%), số ở tại Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội: 68 người (chiếm 15,04%); số trong trại tạm giam, nhà tạm giữ 81 người (chiếm 17,92%). Loại ma túy người nghiện sử dụng chủ yếu là Heroin, ma túy tổng hợp.
Về tai nạn giao thông, xảy ra 31 vụ (nghiêm trọng 13 vụ, ít nghiêm trọng 09 vụ, va chạm giao thông 09 vụ); làm chết 13 người, bị thương 20 người (tăng 05 vụ = 17,9%, 05 người bị thương, giảm 09 người chết so với năm 2022). Xảy ra 01 vụ cháy (giảm 02 vụ = 66,7% so với cùng kỳ năm 2022), thiệt hại tài sản trị giá khoảng 100 triệu đồng, không thiệt hại về người.
Qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 6 tháng đầu năm 2023, các hành vi vi phạm chủ yếu trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, trật tự công cộng, vi phạm các quy định về quản lý kinh tế, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, khai thác khoáng sản; quy định về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, điện lực, hoạt động xây dựng… Đã phát hiện 14.243 vụ vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt hơn 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Số vụ phạm tội về trật tự xã hội tuy giảm, nhưng chưa bền vững, tội phạm do nguyên nhân xã hội, tội phạm về ma túy, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác phòng ngừa xã hội, kiềm chế các điều kiện phát sinh tội phạm có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý, cảm hóa đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng chưa thực sự hiệu quả; công tác lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm chưa thường xuyên, còn mang tính hình thức và chủ yếu theo thời điểm, khi phát động phong trào.
Nguyên nhân chủ yếu là do cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống tội phạm, do đó chưa huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị và Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Ý thức phòng ngừa tội phạm và nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Công tác phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống tội phạm còn hạn chế. Việc trang bị phương tiện của một số đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa đáp ứng yêu cầu công tác.
Để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, kiềm chế và làm giảm tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần rà soát, chỉ đạo thực hiện bảo đảm tiến độ, chỉ tiêu, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm đã đề ra; lồng ghép việc thực hiện công tác phòng, chống tội phạm với nhiệm vụ chính trị, kinh tế -xã hội của các cấp, các ngành, địa phương, gắn với bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.
Nguyễn Thị Nhàn