Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về đấu tranh phòng, chống “tham nhũng vặt” trong hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông
Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 08/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông về đấu tranh phòng, chống “tham nhũng vặt” trong hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông (Đề án số 09-ĐA/TU), các cấp ủy đảng trên địa bàn toàn tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống “tham nhũng vặt” theo Đề án số 09-ĐA/TU nói riêng.
Các cấp, các ngành đã chú trọng triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực ở tất cả các lĩnh vực và đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng làm minh bạch, công khai hoạt động của các cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp; công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã được triển khai quyết liệt trên nhiều lĩnh vực (ngân hàng, quản lý tài chính, tài sản công, quản lý và bảo vệ rừng, thực hiện chính sách về đất đai...), nhiều vụ án, nhiều bị cáo liên quan đến các tội về tham nhũng, tiêu cực đã được đưa ra điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, dư luận đánh giá cao, bảo đảm giáo dục, phòng ngừa chung đối với đội ngũ, cán bộ, công chức, viên chức và toàn xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và việc triển khai thực hiện Đề án chưa kịp thời, thiếu trọng tâm, còn mang tính hình thức và thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên; sự phối hợp giữa các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong phát động quần chúng thực hiện cơ chế giám sát chưa được duy trì thường xuyên, hiệu quả chưa cao; chưa kiểm soát chặt chẽ hoạt động của công chức, viên chức, người lao động được giao thẩm quyền, đặc biệt trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực cao; cơ chế phát hiện tham nhũng, tiêu cực thông qua công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ hiệu quả còn thấp; chưa phát hiện và xử lý được nhiều hành vi “nhũng nhiễu”, “vòi vĩnh” của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; việc thực hiện một số biện pháp phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực chưa được triển khai thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án số 09-ĐA/TU và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cụ thể sau:
Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Đề án số 09-ĐA/TU gắn với việc triển khai thực hiện các quy định, chỉ thị, kết luận chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền để Nhân dân hiểu và thực hiện đúng các quy định về thủ tục hành chính trong các lĩnh vực, không “tiếp tay” cho các hành vi “tham nhũng vặt”.
Thứ ba, phát huy vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là của người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác thanh tra để phát hiện, phòng ngừa, xử lý kịp thời tình trạng “tham nhũng vặt” ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như: mua sắm công; đầu tư xây dựng cơ bản; việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; lĩnh vực tài chính, ngân sách nhà nước; lĩnh vực tư pháp; việc thu, sử dụng các loại phí, lệ phí; khai thác tài nguyên, khoáng sản,... gắn với biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương điển hình về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và có biện pháp bảo vệ người tố cáo để khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ tư, triển khai, thực hiện tốt các chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương, địa phương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ năm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân và các cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt các hành vi “nhũng nhiễu, vòi vĩnh” của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.
Thanh Tùng