Đề án số 04/ĐA-MTTQ, ngày 26/02/2019 của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh về “Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, tố giác vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, quản lý đất đai và quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông” (viết tắt là Đề án 04). Sau 05 năm triển khai thực hiện được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ngành, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã triển khai thực hiện nghiêm túc; mang lại hiệu quả thiết thực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Đề án 04 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác tuyên truyền chưa thực sự đa dạng; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng với Mặt trận, đoàn thể để phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn xảy ra, chưa được ngăn chặn triệt để; tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật tại một số địa bàn vẫn diễn ra. Việc khai thác khoáng sản trái phép chưa được ngăn chặn triệt để; một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường, chưa có phương án ứng phó với biến đổi khí hậu. Tình hình mua bán đất đai diễn ra mạnh mẽ và phức tạp, kéo theo tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích, san lấp trái phép vẫn còn xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai Đề án 04, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, hàng năm, UBMTTQ các cấp, các tổ chức đoàn thể, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành căn cứ nội dung Đề án 04, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa thành nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, đơn vị; đồng thời, tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân tổ chức triển khai thực hiện; tạo sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ đề ra; phát huy hơn nữa vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, quản lý đất đai và quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Hai là, các cơ quan, ban, ngành, địa phương tăng cường sự phối hợp, đẩy nhanh tiến độ lập phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ba là, tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh và điều tra, xử lý các loại tội phạm liên quan đến gian lận thương mại trong kê khai thuế tài nguyên; khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt tại các điểm khai thác khoáng sản trái phép kéo dài gây thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.
Bốn là, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, quản lý đất đai và quản lý khai thác khoáng sản.
Năm là, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ dân di cư tự do, chú trọng công tác phối hợp về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý việc thăm dò và khai thác khoáng sản; đấu tranh chống phá rừng, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản và khoáng sản. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ phá rừng trên địa bàn tỉnh do các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; chỉ đạo giải quyết kịp thời tình trạng di dân tự do, không để người dân phá rừng lấy đất sản xuất; tổ chức giải tỏa thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, đồng thời có kế hoạch phục hồi, trồng lại rừng; giải quyết tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Nguyễn Thị Thu Thúy- Ban Dân vận Tỉnh uỷ