Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đoàn viên, thanh niên
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vai trò quan trọng, là cầu nối để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Trong thời gian qua, tổ chức Đoàn các cấp trong tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với đặc điểm tâm lý của từng nhóm đối tượng thanh, thiếu niên, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho ĐVTN.
Nhờ đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL đã góp phần định hướng tư tưởng, lối sống cho ĐVTN trên địa bàn tỉnh cũng như nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của tổ chức Đoàn; bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên, sống có văn hóa, trách nhiệm, xây dựng lớp thanh niên có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật.
Hằng năm, Tỉnh đoàn Đắk Nông đã ban hành các văn bản, kế hoạch, cuộc thi nhằm triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL cho ĐVTN; chỉ đạo các huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai và tham gia tổ chức các hoạt động hưởng ứng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Lồng ghép trong các chương trình kiểm tra công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi định kỳ 06 tháng, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiến hành việc kiểm tra công tác tuyên truyền, PBGDPL tại cơ sở, việc nhân rộng, duy trì hoạt động của các mô hình, công tác phối hợp với các ngành chức năng tại địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện. Triển khai cho các cơ sở đoàn đóng góp ý kiến để hoàn thiện các dự thảo các luật có tác động lớn đến thanh niên như: Luật Thanh niên (sửa đổi bổ sung năm 2020); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống ma tuý; Luật Đất đai (sửa đổi)… Kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin trong quá trình tham gia xây dựng pháp luật; tổng hợp vướng mắc, bất cập về chính sách pháp luật có liên quan đến đoàn viên, thanh, thiếu niên để đề xuất, góp ý cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Triển khai đồng bộ các nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đường lối phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc, phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp bộ đoàn và của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn đối với nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Hàng năm, đoàn viên thanh niên các đơn vị, đặc biệt là đoàn viên thanh niên khối Công an tham mưu cấp ủy, lãnh đạo đơn vị triển khai cho các cơ sở kinh doanh và người dân trên địa bàn tỉnh ký từ 3.000 - 5.000 cam kết về: Phòng chống cháy nổ; không buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...; thực hiện các quy định về phòng, chống ma túy trong đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên; thực hiện tốt các quy định về Luật Giao thông đường bộ.
Các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã chủ động vận động đoàn viên, thanh niên và quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động bài trừ ma túy, mại dâm, bài trừ tệ nạn xã hội. Toàn tỉnh đã thành lập được 71 “Đội Thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin”. Đội Thanh niên tình nguyện đã mạnh dạn phân công đoàn viên thanh niên tiến bộ kèm cặp, cảm hóa giáo dục đối tượng, trên cơ sở tìm hiểu, nắm chắc hoàn cảnh gia đình đối tượng, nguyên nhân vì sao dẫn đến vi phạm pháp luật, từ đó có hình thức giúp đỡ phù hợp như: Định hướng, giới thiệu việc làm, vận động tham gia các hoạt động tập thể để tránh xa tệ nạn xã hội. Đây cũng là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần, là nơi để thanh niên sau cai nghiện, thanh niên chậm tiến, cá biệt tại cộng đồng và thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng chia sẻ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình và giúp nhau cùng tiến bộ. Kết quả trong 05 năm qua, các cơ sở đoàn đã và đang cảm hóa, giúp đỡ được hơn 496 thanh niên hoàn lương, chậm tiến và thanh niên yếu thế, giúp họ tái hòa nhập cuộc sống cộng đồng đạt kết quả tốt.
 |
Một buổi tuyên truyền pháp luật cho các em học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh
|
Các huyện, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật cho Nhân dân vùng dân tộc thiểu số; tranh thủ sự ủng hộ của người có uy tín trong cộng đồng đối với việc tổ chức cho quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Theo đó, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức tuyên truyền pháp luật, thăm hỏi, gặp gỡ, tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, người có uy tín tại các bon, buôn, thôn, bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trong các vụ tranh chấp đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng… Đăng tải hơn 4.500 tin, bài, thiết kế các ấn phẩm (như: video, clip, infographic...) về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội (facebook, fanpage “Tuổi trẻ Đắk Nông”, youtube, tiktok, zalo OA…) và các trang fanpage của đoàn cơ sở. Mở chuyên mục “Thanh niên với pháp luật” nhận được hàng trăm nghìn lượt tương tác, chia sẻ. Hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật còn được lồng ghép thông qua các buổi tập huấn, các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, hội trại truyền thống, hội trại kỹ năng, các hội thi dưới dạng sân khấu hóa… thu hút hơn 120.700 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác PBGDPL đến ĐVTN cần có sự quan tâm sâu sát và tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, các ngành, các cấp quan tâm, tổ chức tuyên truyền kịp thời đến các đối tượng thanh thiếu niên góp phần nâng cao trình độ nhận thức và thể hiện ý thức trách nhiệm của thanh niên trong toàn tỉnh. Đẩy mạnh sự phối hợp thường xuyên để bảo đảm sự chỉ đạo, thực hiện thống nhất, đồng bộ các nhiệm vụ quản lý nhà nước có liên quan đến giáo dục pháp luật cho thanh niên.
Bên cạnh đó cần đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL cho thanh niên phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện địa bàn, chú trọng lồng ghép PBGDPL với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các phong trào, hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên… Quan tâm xây dựng, nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL cho thanh niên đặc thù (thanh niên là người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình, thanh niên vi phạm pháp luật…).
Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện thông tin đại chúng vào hoạt động PBGDPL, trong đó, phát huy vai trò của các trang thông tin điện tử, website, mạng xã hội thông qua xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, tổ chức diễn đàn trực tuyến trao đổi về chính sách, pháp luật, PBGDPL, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho thanh niên./.
Minh Huyền