Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc phát hiện, điều tra 35 vụ mua bán người/78 đối tượng, 103 nạn nhân, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều vụ nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, bị khống chế bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lừa đảo, cưỡng đoạt, cướp tài sản, có trường hợp dẫn đến chết người, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tính chất của hoạt động mua, bán người có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, xuất hiện các hành vi mua bán người vì mục đích vô nhân đạo như mua bán trẻ sơ sinh, mua bán thận. Thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức và xuyên quốc gia. Các hành vi mua bán người ra nước ngoài tập trung chủ yếu ở các tuyến biên giới trong đó có tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, do chính sách mở cửa, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế vùng biên giới của Chính phủ Campuchia, nhiều casino, công ty kinh doanh trực tuyến, khu vui chơi, giải trí, trường gà được xây dựng giáp biên giới Việt Nam, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động lớn.
Các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người đó là: (1) Gặp gỡ, làm quen trực tiếp với nạn nhân; (2) Sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân. Họ hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” có thu nhập cao ở các quốc gia như Trung Quốc, Campuchia, Đài Loan và Lào, sau đó buộc nạn nhân làm việc bất hợp pháp, thậm chí bán dâm hoặc đòi tiền chuộc với số tiền lớn; (3) Lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân... để tuyển chọn, dụ dỗ, lôi kéo các cô gái có hoàn cảnh gia đình éo le, khó khăn lấy chồng nước ngoài, xuất khẩu lao động ở nước ngoài với thu nhập cao sau đó lừa bán hoặc bóc lột nạn nhân; (4) Trực tiếp tiếp cận, làm quen với phụ nữ, học sinh rủ rê đi chơi, du lịch, làm thuê với thu nhập cao để lừa phụ nữ, trẻ em gái ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn để đưa về các khu vực thành thị, bán cho các nhà hàng, quán karaoke, massage... hoặc bán nạn nhân ra nước ngoài; (5) Giả danh cán bộ trong cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang để làm quen, giả vờ hẹn hò yêu đương, rủ đi chơi hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán ra nước ngoài; (6) Lợi dụng quy định về hiến, ghép tạng để tiếp cận những người đang gặp khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán thận, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu để hợp thức hóa thủ tục, sau đó bán cho người có nhu cầu ghép tạng với giá cao; (7) Các đối tượng lập hội, nhóm kín “cho và nhận con nuôi” trên mạng xã hội Facebook, Zalo…, tìm kiếm những phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu nuôi con hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin hoặc mua lại những bé mới sinh, chuẩn bị sinh. Sau đó, các đối tượng đem bán cho người khác, với danh nghĩa cho nhận con nuôi để hưởng lợi, kèm theo các dịch vụ làm các giấy tờ giả nhằm hợp thức nguồn gốc của trẻ; (8) Lợi dụng chính sách, thủ tục xuất nhập cảnh, các đối tượng người nước ngoài câu kết với đối tượng người Việt Nam để tổ chức đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động sau đó thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bóc lột, cưỡng bức và lạm dụng tình dục nạn nhân…
Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Phương thức phạm tội đan xen giữa truyền thống và lợi dụng không gian mạng để phạm tội. Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh cần quan tâm triển khai một số nội dung trong tâm như:
Thứ nhất, triển khai và thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng. Nội dung tập trung vào các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống loại tội phạm này; thủ đoạn của bọn tội phạm; kỹ năng xử lý tình huống khi bị lừa đảo…
Thứ hai, quan tâm chỉ đạo triển khai biên soạn và sử dụng các tài liệu tuyên truyền phòng, chống loại tội phạm mua, bán người. Nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, vùng miền, tập trung nhất là nhóm có nguy cơ cao (người lao động mất việc, giãn việc; học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp; đối tượng người đồng bào dân tộc thiểu số bản tính thật thà, nhẹ dạ, cả tin…). Tập trung tuyên truyền sâu rộng tại địa phương có địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, địa bàn có tiềm ẩn yếu tố đưa người di cư trái phép, các tuyến có dấu hiệu phức tạp về mua bán người.
Thứ ba, tận dụng, phát huy tối đa hiệu quả tuyên truyền của các phương tiện truyền thông mới để đẩy mạnh tuyên truyền tại cộng đồng, xây dựng bài viết đăng trên các nền tảng mạng xã hội nhằm tăng độ bao phủ thông tin đến với người dân.
Bên cạnh việc tuyên truyền thông qua báo chí, truyền thông, mạng xã hội, việc phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp là yêu cầu cần thiết trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay. Mỗi báo cáo viên, tuyên truyền viên không chỉ thực hiện việc đưa “vắc xin” phòng ngừa mà còn phải nắm chắc địa bàn, thực trạng địa phương, cơ sở để có phương thức tuyên truyền phù hợp nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong Nhân dân, bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoàn Anh