Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội
Đó là chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chương trình số 78-CTr/TU, ngày 16/5/2024 về thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Theo đó, Chương trình hành động đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách xã hội bảo đảm tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tạo cơ hội cho Nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập gắn với việc làm bền vững; nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững để phấn đấu đưa Đắk Nông “trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Phấn đấu 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 2%, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%; 26% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội, khoảng 20% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 25% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; 100% hộ gia đình chăm sóc trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai, người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định; bảo đảm mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn; trợ cấp xã hội cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo.
Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, cấp trung học cơ sở tối thiểu đạt 97,5%, cấp trung học phổ thông và tương đương tối thiểu đạt 72,3%; 100% huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế; tuổi thọ trung bình của người dân trên địa bàn tỉnh khoảng 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm; chỉ số phát triển con người HDI thuộc nhóm có chỉ số HDI cao (nhóm 2); phấn đấu có 32 giường bệnh, 11 bác sĩ, 04 dược sĩ, 20 điều dưỡng viên trên 10.000 dân; trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 15%; cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.
Xây dựng khoảng 5.250 căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh đạt khoảng 30m2 sàn/người; 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; 100% hộ gia đình, trường học, trạm y tế có công trình phù hợp vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý.
Có ít nhất 95% người dân ở vùng sâu, vùng xa và 85% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận và thụ hưởng các hoạt động văn hóa - thể thao, nghe, xem các kênh phát thanh, truyền hình của quốc gia và địa phương.
Tầm nhìn đến năm 2045: Đến năm 2045, Đắk Nông là tỉnh thực hiện hiệu quả hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho Nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển con người Đắk Nông đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững. Có quy mô nền kinh tế phù hợp, hiệu quả và bền vững gắn với mục tiêu xuyên suốt là mức sống và chất lượng sống cao của người dân (so với trung bình cả nước) trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và cơ hội phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Chương trình hành động đề ra 09 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: (1) Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chính sách xã hội; (2) Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý Nhà nước về chính sách xã hội; (3) Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; (4) Phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động; (5) Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau; (6) Nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng; (7) Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ xã hội; (8) Đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện chính sách xã hội; (9) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong thực hiện chính sách xã hội.
Tại Chương trình này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức nghiên cứu, quán triệt và ban hành văn bản thực hiện Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức thực hiện chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo cơ sở pháp lý và bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ, thống nhất thực hiện; tăng cường hoạt động giám sát việc tổ chức thực hiện để sớm đưa Nghị quyết số 42-NQ/TW vào cuộc sống.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW và Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó xác định các chỉ tiêu cụ thể định hướng đến năm 2030, trọng tâm là các chỉ tiêu về: chính sách cho người có công và gia đình người có công với cách mạng; chính sách chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; nhà ở cho người có thu nhập thấp; xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về chính sách xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo dõi, kiểm tra, giám sát; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, Kế hoạch số 19-KH/TW, Kế hoạch số 230-KH/BKTTW và Chương trình này để báo cáo, đề xuất Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo.
Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tăng cường chỉ đạo giám sát thực hiện chính sách xã hội; vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia thực hiện hiệu quả chính sách xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp hướng dẫn tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt và định hướng tuyên truyền sâu rộng về nội dung, kết quả thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW và các văn bản chỉ đạo có liên quan.
Lam Giang