Vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam. Qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành sức mạnh vô địch giúp nhân dân ta vượt qua thiên tai, địch họa, chiến thắng mọi thế lực ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc.
Ngay từ khi mới ra đời và trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm lớn, là phương thức cũng là điều kiện bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong mỗi giai đoạn cách mạng.
Trong thời kỳ xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhờ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đất nước ta đạt được nhiều thành tự to lớn, không ngừng nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trọi, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò nòng cốt. Vai trò đó đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liêm minh chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Với vai trò nòng cốt trong việc xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực chú trọng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, triển khai thực hiện thắng lợi chương trình phối hợp thống nhất hành động hằng năm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định và pháp triển đất nước. Các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của nhân dân và sự chung sức của cả cộng đồng tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội; tham gia phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước được quan tâm; vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Hoạt động đối ngoại của Mặt trận và các tổ chức thành viên ngày càng được mở rộng và đa dạng, đóng góp hiệu quả cho công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hoạt động của Mặt trận ngày càng đổi mới và hướng mạnh về cơ sở. Việc hoàn thiện cơ chế, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận. Kết quả đạt được thời gian qua có ý nghĩa to lớn và quan trọng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác mặt trận trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Nội dung và phương thức hoạt động, tập hợp xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc có lúc chưa kịp tình hình, hiệu quả chưa sâu rộng và toàn diện, chưa đáp ứng kịp thời trước những yêu cầu mới của xã hội. Các cuộc vận động và phong trào thi đau yêu nước có nơi còn hình thức; kết quả vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh chưa đồng bộ, giảm nghèo chưa bền vững. Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ở một số địa phương, cơ sở còn hình thức, chất lượng không cao; vai trò của Mặt trận trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hượp pháp, chính đáng của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ. Kết quả hoạt động đối ngoại nhân dân chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại kết quả chưa rõ nét. Hoạt động của Ủy ban Mặt trận ở một số nơi còn thiếu chủ động, hiệu quả chưa cao.
Bước sang thập niên 20 thế kỷ XXI, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, trong đó có việc xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) tiếp tục khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là đương lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vai trò, nhiệm vụ và phương hướng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới được xác định là: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội. Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về phương hướng chung nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xác định: Tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân ở trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài biết và ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phương hướng cụ thể của Mặt trận Tổ quốc trong thời gian tới là: Tăng cường sự chủ động và nâng cao chất lượng, hiệu quả của Mặt trận trong việc tham gia xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy vai trò trung tâm của Mặt trận trong việc phát huy chủ nghĩa yêu nước, ý thức dân tộc, lấy mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm động lực và điểm tương đồng để tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ, tập hợp, phản ánh các ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, đại diện, bảo vệ lợi hợp pháp của nhân dân; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; chăm lo và phát huy vai trò của người tiêu biểu trong xã hội, trong các dân tộc, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức và người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy vai trò của các tổ chức thành viên trong việc vận động, tập hợp đoàn kết các tầng lớp trong xã hội; củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Để triển khai phương hướng trên, cùng với việc thực hiện các giải pháp về nhận thức, về cơ chế, chính sách, Mặt trận Tổ quốc cần đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ mặt trận và đoàn thể nhân dân, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư; làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tăng cường đối ngoại nhân dân.
Xác định xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đối với Mặt trận trong việc thực hiện các nội dung về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bao gồm: đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận; tăng cường sự phối hợp giữa Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp với Mặt trận; tạp điều kiện về nhân lực, kinh phí để Mặt trận các cấp có đủ năng lực triển khai nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc cần xác định và thực hiện đúng nguyên tắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp ủy, chính quyền và Mặt trận phải thường xuyên đối ngoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân, thực hiện đúng nguyên tắc: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và với Chương trình hành động đã được Đại hội lần thứ IX của Mặt trận thông qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục có những hoạt động năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả trong xây dựng và pháp huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, tăng cường đồng thuận xã hội, tạo thành sức mạnh to lớn, bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Hoàng Mạnh - Tổng hợp
Nguồn: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. (Nhà xuất bản chính trị sự thật)