Vai trò, ý nghĩa lịch sử của sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Nông - Tháng 12/1960
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Muốn cứu nước giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[1].
Để thực hiện được mục tiêu đó, “trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp ở mọi nơi. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”[2]. Sự ra đời, xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh Quảng Đức - từ tháng 12/1960 (nay là tỉnh Đắk Nông)[3], đã khẳng định vai trò lãnh đạo, quyết định mọi sự thắng lợi của tỉnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hơn 60 năm qua, kể từ khi Đảng bộ tỉnh Đắk Nông được thành lập, dù trong hoàn cảnh nào, Đảng bộ tỉnh luôn thể hiện tính tiền phong, vai trò lãnh đạo toàn diện, gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
* Bối cảnh lịch sử
Sau khi Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến tới thống nhất đất nước. Theo Hiệp định, Vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên tiến hành chuyển quân tập kết và sau 2 năm (7/1954 - 7/1956) sẽ tổ chức tổng tuyển cử chung để thống nhất đất nước. Nhưng với âm mưu thôn tính Việt Nam, ngay từ đầu tháng 7-1954, Mỹ dần dần thay thế thực dân Pháp, đưa Ngô Đình Diệm về nước, từng bước lập chính quyền tay sai dưới quyền điều khiển trực tiếp của Đại sứ Mỹ ở miền Nam. Mỹ - Diệm ra sức phá hoại Hiệp định hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ, chuẩn bị chiến tranh xâm lược miền Bắc và toàn Đông Dương. Chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng”; tiến hành cải cách điền địa, lập các khu dinh điền, khu trù mật... điên cuồng đánh phá phong trào cách mạng của quân và dân miền Nam.
Ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, từ cuối năm 1954, Mỹ - Diệm áp dụng chế độ xâu thuế cũ của thời Pháp, bắt đồng bào nộp thuế thân, đồng thời dùng chính sách mua chuộc, lừa mị đồng bào các dân tộc như khuếch đại sức mạnh của Mỹ, cho hoặc bán rẻ hàng viện trợ Mỹ, để từ đó xây dựng cơ sở chính trị, quân sự, kinh tế phục vụ cho chính sách thuộc địa kiểu mới. Để đàn áp sự chống đối của đồng bào các dân tộc, địch củng cố lại Trung đoàn 45 của Pháp và đưa thêm một số tiểu đoàn người Nùng từ miền Bắc vào, xây dựng hệ thống đồn bót tại các địa điểm xung yếu, thành lập các tổ chức, đảng phái phản động làm chỗ dựa cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ tháng 4-1957 đến cuối năm 1958, một mặt chính quyền Ngô Đình Diệm dựng lên chuyện Chúa đã vào Nam để lôi kéo hàng vạn giáo dân di cư từ miền Bắc, đưa dân các tỉnh miền Trung lên Tây Nguyên. Mặt khác, chúng gom dân sống rải rác trên các vùng rừng núi vào các khu dinh điền để gây dựng cơ sở chống phá cách mạng. Trên địa bàn Đắk Nông, địch gấp rút mở rộng đồn điền Đắk Mil, Đắk Song, lập ra các khu di cư ở Đức Minh, Đức Mạnh (Đắk Mil), phát triển đạo Tin Lành trong vùng dân tộc thiểu số để tạo cơ sở chính trị - xã hội cho chế độ Diệm. Tại Kiến Đức, sau khi tiếp quản địa bàn, xác định đây là cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nên chính quyền Diệm càng chú trọng xây dựng các dinh điền thành một cứ điểm “bất khả xâm phạm”, là “pháo đài” để bao vây, cô lập, tiêu diệt cộng sản, đồng thời cũng là nơi cung cấp tin tức và địa bàn xuất phát các cuộc hành quân càn quét của chúng.
Trong tình hình đó, để khắc phục tình trạng địa bàn Đắk Nông với địa hình đồi núi hiểm trở, dân cư thưa thớt chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, cơ sở cách mạng còn non trẻ lại cách xa về địa lý so với sự chỉ đạo từ Trung ương, Quân khu, Liên khu, vào tháng 12-1960, Trung ương quyết định thành lập tỉnh Quảng Đức (trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Quảng Đức của chính quyền Sài Gòn), đồng thời thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Đức trực thuộc Liên khu ủy V. Ban chỉ đạo đầu tiên của tỉnh do Trung ương chỉ định gồm có đồng chí Vũ Anh Ba làm Bí thư Ban cán sự, các đồng chí Trần Phòng, Lê Đạo, Ama Sa, Trần Quang Sang, Phùng Đình Ấm, Phạm Văn Lạc là Ủy viên.
Ngay sau khi thành lập, Ban cán sự Đảng tỉnh Quảng Đức chủ trương kiện toàn tổ chức đảng, trước hết là ban cán sự đảng các huyện, nhằm tạo điều kiện tăng cường tổ chức xây dựng thực lực cách mạng trên các địa bàn trọng điểm. Theo đó, thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đức Lập do đồng chí Nguyễn Thanh Bình làm Bí thư Huyện uỷ, Ban Cán sự huyện Kiến Đức do đồng chí Phùng Đình Ấm làm Bí thư, Ban Cán sự huyện Khiêm Đức do đồng chí Trần Quang Sang làm Bí thư[4].
* Ý nghĩa lịch sử
Như vậy, sau thời gian dài trực thuộc tỉnh Đắk Lắk và Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, từ đây Đảng bộ tỉnh Đắk Nông ra đời là bước ngoặt lịch sử, là sự kiện vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự phát triển phong trào cách mạng của tỉnh trong các chặng đường lịch sử.
Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Đức (Đắk Nông) đánh dấu bước ngoặt trọng đại đối với con đường đấu tranh cách mạng và sự phát triển đi lên của tỉnh nhà. Từ đây, phong trào cách mạng trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã vận dụng triệt để cách mạng và khoa học, mục đích, lý tưởng, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam để tổ chức lãnh đạo Nhân dân trong tỉnh thực hiện sứ mệnh lịch sử, vững bước cùng Nhân dân cả nước tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Đảng bộ tỉnh Quảng Đức (Đắk Nông) ra đời trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết thống nhất các tổ chức cộng sản, các lực lượng cách mạng và cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng của quần chúng trong tỉnh, giành nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Đức (Đắk Nông) đã xây dựng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng niềm tin tất thắng vào mục đích, lý tưởng của Đảng, giữ vững chí khí đấu tranh kiên cường bất khuất, chấp nhận hy sinh gian khổ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đảng bộ đã giữ vững nguyên tắc hoạt động bí mật, kết nạp vào Đảng và tổ chức cách mạng những người ưu tú và tuyệt đối trung thành, xây dựng hệ thống tổ chức đảng gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả, gắn bó với cơ sở cách mạng, được quần chúng tin yêu hết lòng nuôi dưỡng bảo vệ.
* Phát huy vai trò của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông trong các chặng đường lịch sử
Trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, từ khi thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh Quảng Đức (Đắk Nông) (tháng 12-1960), đến nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I (tháng 9-1969), trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, cấp ủy đảng của tỉnh không ngừng được củng cố, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tạo ra sức mạnh tổng hợp, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là từ năm 1960 là quãng thời gian nhiều khó khăn, thử thách nhưng cũng vô cùng hào hùng đối với các cấp bộ đảng và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ở địa bàn chiến lược quan trọng vùng Nam Tây Nguyên, Đắk Nông trở thành nơi bị kìm kẹp gắt gao của kẻ thù ngay những ngày đầu kháng chiến. Sau những năm tháng bị tổn thất bởi những cuộc khủng bố trả thù đẫm máu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, số đảng viên được Đảng phân công ở lại đã móc nối, gây dựng lại cơ sở và phong trào, xây dựng và củng cố tổ chức, tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo cách mạng, tuyên truyền vận động, dẫn dắt đồng bào các dân tộc đứng lên đấu tranh. Đảng bộ và nhân dân nơi đây không khuất phục trước kẻ thù, luôn kiên trung với Đảng, với dân tộc, từng bước lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, đưa đến cuộc đấu tranh chống lập ấp chiến lược những năm cuối năm 1964 đầu năm 1965, phá gần 40% ấp chiến lược, mở rộng vùng căn cứ kháng chiến; góp phần đánh bại chiến lược “ Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, ở Đắk Nông cho thấy, lực lượng cách mạng tiến công vào tận sào huyệt của kẻ thù ở thị xã và làm chủ được một thời gian, hàng trăm tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, giải phóng nhiều đồng bào trong các ấp chiến lược, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam. Tiếp đến là sự thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đức lần thứ I (tháng 9/1969). Thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I có ý nghĩa to lớn, đánh dấu mốc son quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Đắk Nông, đánh dấu sự trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông sau gần 10 năm thành lập, qua nhiều lần thay đổi, xáo trộn về tổ chức, địa bàn, lại phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách của cuộc chiến tranh gian khổ, ác liệt nhưng Đảng bộ vẫn không ngừng được củng cố và lớn mạnh. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ được khẳng định trong việc giữ vững và phát triển phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh, góp phần làm thất bại Chiến lược “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ và tay sai, buộc kẻ thù phải ký Hiệp định Pari (1973), chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Đắk Nông với chiến thắng Đức Lập mở màn trong chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng đã cổ vũ toàn Đảng bộ, quân và nhân dân giải phóng Gia Nghĩa ngày 23-3-1975, tỉnh Đắk Nông hoàn toàn giải phóng, góp phần quan trọng để Trung ương quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước[5].
Sau khi miền Nam được giải phóng, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các cấp bộ đảng trên địa bàn Đắk Nông tập trung lãnh đạo khắc phục hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh, giải quyết nạn đói, tiến hành định canh, định cư cho đồng bào, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, trấn áp lực lượng phản cách mạng, phá rã tổ chức FULRO, chống trả sự gây hấn, xâm chiếm của lực lượng phản động Khmer Đỏ, bảo vệ an ninh, quốc phòng, giữ vững chủ quyền, nhất là ở các xã biên giới, bảo đảm cuộc sống yên bình cho nhân dân. Từ năm 1986 đến nay, nhất là từ sau khi tỉnh Đắk Nông tái thành lập, với bản lĩnh kiên cường của một đảng bộ được hình thành và phát triển từ vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã đưa ra các quyết sách phù hợp, phát huy tiềm năng của địa phương để ổn định và từng bước thực hiện công cuộc đổi mới theo đường lối do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc được nâng lên, quốc phòng - an ninh được giữ vững, chính trị - xã hội ổn định, tạo tiền đề xây dựng tỉnh Đắk Nông ổn định và phát triển.
Quá trình hơn 60 năm xây dựng và hoạt động, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông ngày càng lớn mạnh và trưởng thành về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Từ năm 1960 đến nay, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông trải qua 12 kỳ đại hội (bao gồm cả một số kỳ đại hội thuộc Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk). Trong mỗi kỳ Đại hội, luôn chú trọng kiểm điểm, đánh giá chính xác tình hình thực hiện sự lãnh đạo của Đảng bộ, công tác xây dựng Đảng trong thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhà. Đảng bộ luôn giữ vững vai trò lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Số lượng đảng viên tăng nhanh, từ chỗ năm 1969 chỉ có 3 đảng ủy trực thuộc và 29 chi bộ trong đó có 11 chi bộ cơ sở xã, buôn, tăng lên 10 đảng bộ trực thuộc, 322 tổ chức cơ sở đảng với hơn 7.000 đảng viên năm 2004, và đến cuối năm 2020 có trên 26.000 đảng viên thuộc 420 tổ chức cơ sở đảng. Các đảng viên luôn giữ vững lập trường tư tưởng, không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là những hạt nhân nòng cốt trong việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông không ngừng được tôi luyện, trưởng thành và đã xây dựng nên những truyền thống quý báu, thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng bộ về bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; gắn bó mật thiết với nhân dân; kiên định nguyên tắc trong xây dựng Đảng; giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế... Những truyền thống quý báu đó là kết quả của quá trình vun trồng, xây đắp bền bỉ, là sự hy sinh, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ đảng viên của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông. Những truyền thống đó có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tinh thần cách mạng triệt để, trình độ trí tuệ ngày càng được nâng cao của Đảng bộ tỉnh.
Trải qua chặng đường hơn 60 năm lịch sử vẻ vang từ khi Ðảng bộ tỉnh được thành lập, chúng ta có quyền tự hào về những thắng lợi vĩ đại mà Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông đã giành được trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta có quyền tự hào về Ðảng bộ tỉnh Đắk Nông luôn kiên định con đường độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, sáng suốt trong vai trò lãnh đạo của mình. Chúng ta tự hào về nhân dân các dân tộc Đắk Nông anh hùng, bất khuất trong chiến đấu, cần cù và sáng tạo trong xây dựng quê hương, một lòng, một dạ đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Với vị trí, ý nghĩa và vai trò to lớn của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, sau quá trình chỉ đạo triển khai nghiên cứu, sưu tầm, tổng hợp các nguồn tư liệu, tài liệu, ý kiến của các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử tại Hội thảo khoa học Xác định ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Nông … ; trên cơ sở các căn cứ lý luận và thực tiễn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông quyết định lấy ngày 20 tháng 12 năm 1960 làm Ngày kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Nông (Quyết định số 497-QĐ/TU, ngày 17/5/2022). Việc xác định được ngày kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng. Từ đây, hằng năm, lấy mốc thời gian ngày 20/12 là dịp tổ chức ngày kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, chính là thời điểm để đánh giá và tổng kết những thành tựu đã đạt được và những hạn chế, thiếu sót trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đắk Nông có dịp cùng nhau ôn lại quá trình xây dựng chiến đấu và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh; nhằm tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lòng yêu nước, ý chí chiến đấu, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng là động lực tinh thần cho các thế hệ; nhận thức những thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức và những nhiệm vụ chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phạm Lục
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, t 11, Nxb Chính trị quốc gia, Nà Nội, 2011, tr30.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, t 2, Nxb Chính trị quốc gia, Nà Nội, 2011, tr267-268.
[3] Quyết định số 497-QĐ/TU, ngày 17/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông quyết định lấy ngày 20 tháng 12 năm 1960 làm Ngày kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Nông.
[4] Sau đó đồng chí Lê Đạo (Ama Nhao), Ủy viên Ban cán sự Đảng tỉnh Quảng Đức, trực tiếp làm Bí thư Ban cán sự.
[5] Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông tự hào về những cống hiến sức người, sức của vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc với 672 người con là liệt sĩ, 750 thương, bệnh binh, hàng ngàn gia đình có công với nước.