Vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, nhân dân Việt Nam đã liên tục giành thắng lợi vẻ vang trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là yếu tố quan trọng, quyết định nhất đối với mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đảng được trao sứ mệnh đi tiên phong trong việc định hướng tầm nhìn và khát vọng phát triển cho dân tộc. Đảng lãnh đạo toàn thể dân tộc, phát huy “quốc bảo” lòng dân và huy động sức mạnh toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng đó.
Nền tảng lý luận đúng đắn là linh hồn của công tác lãnh đạo về chính trị, tư tưởng của Đảng ta. Lý luận của Đảng có vững, quyết tâm chính trị mới cao; việc xây dựng và ban hành đường lối, chủ trương mới chắc; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân mới thông; việc bảo vệ nền tảng tư tưởng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc đường lối của Đảng mới tự tin, kiên định và kiên quyết.
Trong những dòng đầu tiên của tác phẩm Đường cách mệnh in năm 1927, cuốn giáo trình đầu tiên để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lại lời nói của Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động … Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”. Người nhấn mạnh, “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin. Kiên định, vững vàng giương cao ngọn cờ “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, một cách tiếp cận hoàn toàn mới, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử, là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Ngọn cờ đó trở thành giá trị cốt lõi của nền tảng lý luận, tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam; là phương châm lãnh đạo sáng tạo của Đảng nhằm đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp phát triển đất nước đi đến thành công.
Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, song đây không phải là sụp đỗ của chủ nghĩa xã hội nói chung, lại càng không phải sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó chỉ là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội giáo điều, xa dân, đánh mất “quốc bảo” lòng dân, xa rời những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là những nguyên tắc lịch sử - cụ thể, nguyên tắc thực tiễn và sự thiếu thích ứng với những thay đổi thường xuyên của đời sống chính trị - xã hội. Đó còn là hệ quả của những sai lầm về đường lối phát triển kinh tế - xã hội; sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị và sự buông lỏng công tác chính trị - tư tưởng, công tác cán bộ của đảng cầm quyền trong quá trình cải tổ. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định con đường đã chọn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Cương lĩnh năm 2011 cũng chỉ ra những đặc trưng của xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, vừa mang giá trị, ý nguyện và khát vọng của dân tộc Việt Nam, vừa mang giá trị phổ quát của nhân loại và tầm nhìn của thời đại, đó là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Để vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng, phải thấm nhuần và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định đi đôi với vận dụng sáng tạo và phát triển tư duy lý luận. Học thuyết Mác - Lênin tự nó là học thuyết mở, mang tính sáng tạo và đổi mới trong vận dụng. Thực tiễn thế giới và Việt Nam đã chứng tỏ rằng: lúc nào, ở đâu chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng đúng đắn, sáng tạo thì ở nơi đó, lúc đó tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội vượt qua được những thử thách phát triển dể tiếp tục đi lên. Ngược lại, ở đâu và lúc nào, chủ nghĩa Mác - Lênin bị hiểu sai, vận dụng máy móc, giáo điều, thì con đường đó gặp nhiều khó khăn, thậm chí thụt lùi, thất bại.
C. Mác là một thiên tài, lý luận của ông có tầm nhìn xa nhưng vẫn bị quy định bởi những điều kiện lịch sử cụ thể. Chúng ta không thể đòi hỏi C. Mác phải tiên lượng được hết, suy nghĩ và giải quyết thay cho các thế hệ sau những vấn đề chưa hề đặt ra trong thời đại của ông. Ph. Ăngghen đã từng lưu ý: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”. Do vậy, những người mácxít phải biết tổng kết thực tiễn thời đại mình để vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với từng điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cái căn cốt nhất trong học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là: “học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng”; là “học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”.
Tính lịch sử cụ thể luôn là điểm then chốt trong phương pháp tiếp cận của học thuyết Mác. Bởi theo ông, lịch sử bắt đầu từ đâu thì tư duy bắt đầu từ đó; lý luận phải xuất phát từ thực tiễn, được tổng kết, khái quát từ thực tiễn. bản thân C. Mác và Ph. Ăngghen cũng thường xuyên bổ sung, hoàn thiện lý luận của mình bằng thực tiễn hoạt động cách mạng. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời năm 1848 là kết quả của sự kết hợp giữa nghiêm cứu khoa học với việc tổng kết thực tiễn phong trào cách mạng của giai cấp công nhân châu Âu giữa thế kỷ XIX. Trong Lời tựa (lần thứ nhất) viết cho lần xuất bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản bằng tiếng Đức vào năm 1872, C. Mác và Ph. Ăngghen đã nhấn mạnh, bất cứ sở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng các nguyên lý trong Tuyên ngôn cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời. Đó chính là thái độ mẫu mực, cách ứng xử khoa học nhất đối với việc vận dụng và phát triển lý luận trong thực tiễn.
Xuất phát từ thực tiễn cụ thể của bối cảnh nước Nga trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I. Lênin đã bổ sung, phát triển lý luận của C. Mác và hình thành nên chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại mở đầu cho sự chuyển biến chủ nghĩa xã hội từ học thuyết trở thành hiện thực, từ hiện thực của một nước trở thành hiện thực của một hệ thống thế giới, mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Sự hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa với những thành tựu phát triển to lớn là chỗ dựa cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đứng lên đấu tranh tự giải phóng, xóa bỏ ách thống trị của chế độ thực dân. Đồng thời, thực tiễn giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở những quốc gia mới giành được độc lập dã bổ sung, làm phong phú thêm hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thế kỷ XX.
Hơn 170 năm qua, chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử nhân loại và chịu sự công kích, chống phá từ nhiều kẻ thù tư tưởng khác nhau, nhiều giá trị lý luận của chủ nghĩa Mác mang sức sống trường tồn vẫn tiếp tục tỏa sáng, như: phương pháp biện chứng duy vật, quan niệm duy vật về lịch sử, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, … Ngày nay, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự hình thành nền kinh tế số, thực tiễn mới đang làm thay đổi nhanh chóng các quan niệm, tư duy tiếp cận truyền thống. Thế giới đang tụ về những giá trị chung phù hợp với bản chất nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội, như: phát triển bao trùm và bền vững, không để một ai bị bỏ lại phía sau; phát triển toàn diện con người, vì con người, lấy con người làm trug tâm, … Điều đó càng chứng tỏ rằng, lý luận của chủ nghĩa Mác để giải phẫu xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại vẫn đúng, lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội vẫn giữ nguyên giá trị thực tiễn; đồng thời càng khẳng định một trong những giá trị vĩ đại nhất cảu chủ nghĩa mác là tư tưởng nhân văn: vì con người, phát triển và giải phóng con người mà trước hết là những người lao động. Chúng ta tin tưởng và đi theo học thuyết Mác - Lên nin bởi đó là học thuyết khoa học, cách mạng, nhân văn và phát triển; học thuyết giải phóng con người; và đây chính là nền tảng tư tưởng cốt lõi để chúng ta tư duy và định hình đường lối phát triển đất nước thích ứng với sự thay đổi, phù hợp với bối cảnh và điều kiện mới.
Hoàng Mạnh - Tổng hợp
Nguồn: Tư tưởng, lý luận với đổi mới và phát triển đất nước - GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng