100 năm lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, Trung Quốc
Cách đây 100 năm, vào ngày 11/11/1924, Lãnh tụ Nguyền Ái Quốc từ Liên Xô đến Quảng Châu, với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản, để hoạt động cách mạng và cũng tại Quảng Châu, mảnh đất để Bác ươm những “hạt giống đỏ” cho cách mạng Việt Nam.
Thực tế, mối quan hệ giữa Nguyền Ái Quốc với những người cộng sản Trung Quốc bắt đầu sớm nhất từ năm 1920, khi đang hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp ở Paris, Người đã gặp những nhân vật như Chu Ân Lai, Vương Nhược Phi, Tiêu Sơn và Lý Phú Xuân. Đây là những người về sau trở thành nhân vật chủ chốt trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và cùng với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đặt nền móng cho mối quan hệ Việt - Trung thời kỳ mới.
Thông thạo tiếng Hán, am hiểu văn hóa Trung Hoa, lại được thâm nhập vào thực tế phong trào đấu tranh trong những thời kỳ cách mạng sôi động của Trung Quốc nên Người có điều kiện tìm hiểu một cách thấu đáo những vấn đề cách mạng Trung Quốc, từ đó có những đóng góp quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiền phong trào cách mạng của Trung Quốc.
Ở Quảng Châu, Người là phiên dịch trong Đoàn cố vấn Liên Xô bên cạnh Chính phủ Quốc dân đảng; trong quan hệ thư tín, Người là phóng viên thường trú của Hãng thông tấn Rôxta của Liên Xô; còn thực chất cương vị của Người là ủy viên Ban Phương Đông phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế Cộng sản. Hoạt động trên mảnh đất Quảng Châu, làm việc trong cơ quan cố vấn chính trị, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu, theo dõi và trực tiếp tham gia vào phong trào cách mạng Trung Quốc.
Tận dụng khoảng thời gian hoạt động ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã liên hệ, xây dựng mối quan hệ khăng khít với những người cộng sản và tranh thủ sự ủng hộ của cách mạng Trung Quốc. Tháng 6/1925, trên đất Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Được sự giúp đỡ bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ cách mạng ở Quảng Châu, từ đầu năm 1926 đến tháng 4/1927, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở ba lớp huấn luyện chính trị cách mạng cho lớp thanh niên ưu tú của Việt Nam đang có mặt tại Quảng Châu với tổng số 75 người. Người đã mời một số nhà cách mạng Trung Quốc như Chu Ân Lai, Liêu Trọng Khải, Bành Bái... đến giảng dạy các lớp huấn luyện chính trị quân sự của Hội, gửi một số thanh niên ưu tú vào học tại trường Quân sự Hoàng Phố, đồng thời, thiết lập các tuyến đường giao thông đưa đón cán bộ. Kết thúc khóa học, có người được giữ lại ở nước ngoài công tác, có người được cử đi học tiếp ở Liên Xô, hoặc Trường Quân sự Hoàng Phố (Quảng Châu)... còn phần đông thì được cử về nước hoạt động, gây dựng và tổ chức, phát triển các phong trào cách mạng Việt Nam. Có thể nói, nhờ sự giúp đỡ tận tình về tinh thần cũng như vật chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các lớp huấn luyện tiến hành tương đối thuận lợi, đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt cho cách mạng Việt Nam.
Với tư cách là ủy viên Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, và từ tháng 7/925, trực tiếp phụ trách công tác vận động nông dân ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc là cầu nối liên lạc quan trọng giữa Quốc tế Cộng sản với phong trào cách mạng Trung Quốc. Người còn tìm hiểu thêm chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn, thấy rõ sự đúng đắn hiệu quả của chính sách lớn: thân Nga, liên cộng, phù trợ công nông với phong trào cách mạng Trung Quốc.
Khi cuộc khởi nghĩa ở Quảng Châu (1927) đã nổ ra và nhanh chóng bị dập tắt. Người theo dõi diễn biến cuộc khởi nghĩa và cho rằng, ở Trung Quốc do có sự khác biệt rất lớn về điều kiện địa lý, kinh tế và chính trị giữa các vùng nên cuộc cách mạng không thể được hoàn thành như một hành động đơn giản, mà “nhất thiết phải trải qua cả một thời kỳ kéo dài ít lâu của các phong trào cách mạng ở các tỉnh khác nhau hoặc các trung tâm công nghiệp và chính trị”. Từ đó, Người rút ra luận điểm: “Cuộc cách mạng vô sản không thể thắng lợi ở các nước nông nghiệp và nửa nông nghiệp nếu như giai cấp vô sản cách mạng không được quần chúng nông dân ủng hộ tích cực”. Đây chính là luận điểm rất có giá trị mà Nguyễn Ái Quốc đề nghị bổ sung vào đường lối của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng phương Đông.
Đối với cách mạng Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc luôn xuất phát từ những nét tương đồng trong bối cảnh lịch sử văn hóa Việt Nam - Trung Quốc, là mối quan hệ tương hỗ với cách mạng giai cấp vô sản quốc tế. Người đã có nhiều đóng góp cho cách mạng Trung Quốc. Ngay từ khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ tương hỗ, tương trợ, cùng đấu tranh giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc qua các thời kỳ. Đây cũng là cơ sở để tình hữu nghị giữa hai nước được phát huy trong các cuộc kháng chiến chống Nhật hay cuộc chiến tranh giải phóng của Trung Quốc, hoặc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), bên cạnh việc củng cố và phát triển Đảng, Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm việc giữ mối liên lạc với Quốc tế Cộng sản và các đảng anh em, nhất là với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Người chủ động đề nghị phối hợp công tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc ở những tỉnh biên giới có vị trí quan trọng về chiến lược. Đồng thời, thời gian này, Nguyễn Ái Quốc tích cực tuyên truyền, cổ vũ cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật của nhân dân Trung Quốc. Những kinh nghiệm thành công và chưa thành công của cách mạng Trung Quốc được Người phân tích, tổng kết làm kinh nghiệm cho Quốc tế Cộng sản tham khảo chỉ đạo phong trào cách mạng ở các dân tộc bị áp bức và được Người vận dụng trong lãnh đạo thực tiễn cách mạng ở Việt Nam.
Với quan điểm “giúp bạn là tự giúp mình” trong khoảng thời gian hoạt động ở khu vực biên giới Việt -Trung chuẩn bị về nước, Nguyễn Ái Quốc đã không ngừng vun đắp tình hữu nghị chiến đấu của nhân dân hai nước. Người viết truyền đơn, viết các bài báo, bài vè, ca dao tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân hai nước, ca ngợi tinh thần chiến đấu và sự cần thiết hợp tác Việt - Trung để chống lại kẻ thù chung là thực dân, phát xít. Đồng thời, Người cũng đã viết một loạt bài tố cáo tội ác của phát xít Nhật, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Trung Quốc, đấu tranh chống những luận điệu và hoạt động của bọn tờrốtkít ở Trung Quốc, đồng thời chỉ rõ sự cần thiết phải xây dựng sự thống nhất của Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng Trung Quốc trong Mặt trận dân tộc chống Nhật.
Đến giữa năm 1942, Nguyễn Ái Quốc trở lại Trung Quốc đặt mối quan hệ quốc tế với các nước Đồng minh. Khi đến Túc Vinh (Đức Bảo, Quảng Tây), vì bị nghi ngờ là gián điệp, Người bị tuần cảnh ở trụ sở xã của Quốc dân Đảng bắt giữ. Từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943, Hồ Chí Minh lần lượt bị giam trong khoảng 30 nhà tù tỉnh Quảng Tây. Trong nhà tù, Người vẫn tìm cách liên lạc với cách mạng Trung Quốc và trong nước.
Là người đồng chí, người bạn láng giềng gần gũi của nhân dân Trung Quốc, ngay sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bức điện quan trọng gửi Chủ tịch Mao Trạch Đông, nhấn mạnh: “Hai dân tộc Việt - Hoa có mối quan hệ anh em trải qua mấy nghìn năm lịch sử. Từ đây, mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tự do và hạnh phúc của hai dân tộc ta, và để bảo vệ dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài”. Người luôn quan tâm theo dõi công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân Trung Quốc, lấy đó làm những bài học kinh nghiệm quý báu cho cách mạng Việt Nam.
Ngày 15/01/1950, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tuyên bố công nhận nước Cộng hòa dân nhân Trung Hoa. Ngày 18/01/1950, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã ra tuyên bố công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung, mở ra trang sử mới cho quan hệ hai nước - đó là quan hệ của hai nước có quyền tự chủ và tự quyết.
Có thể khẳng định, lịch sử mối quan hệ hữu nghị Việt Nam- Trung Quốc phong phú, đa dạng đầy ắp những sự kiện nhưng càng trở nên sâu sắc hơn bởi trong đó chứa đựng hoạt động và những cống hiến xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là nền móng vững chắc để hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục bồi tụ, vun đắp, xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc ngày càng phát triển, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Hiện nay, ở nhiều nơi trên đất Trung Quốc còn ghi dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tên tuổi của Người đã gắn với nhiều địa danh trên đất nước Trung Quốc, có sức lay động lòng người, trở thành biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung.
Cẩm Trang