Chương trình mỗi xã một sản phẩm góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xác định là một trong những chương trình kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng khai thác nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu để tăng giá trị sản phẩm.
Tỉnh Đắk Nông hiện có 95 sản phẩm của 78 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, trang trại, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất được công nhận OCOP hạng 3 - 4 sao. Các sản phẩm OCOP được công nhận đều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường; có tính đặc trưng, tiêu biểu của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh và đã tham gia nhiều kênh phân phối, giới thiệu quảng bá trên cả nước.
Có được kết quả trên, việc triển khai Chương trình OCOP được các cấp, ngành và địa phương thực hiện lồng ghép với dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia và đạt kết quả tích cực. Trong đó, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cũng có nhiều chủ trương, chính sách đồng hành với các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP. Hàng năm, ngành Nông nghiệp và các địa phương thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP; tổ chức cho chủ thể OCOP tham gia các hội chợ, sự kiện để giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm… Qua đó, đã tạo động lực và điều kiện để các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, hoàn thiện sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường.
HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên được thành lập năm 2018, đến nay, quy trình sản xuất và các sản phẩm từ hạt tiêu của HTX đã đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, có 195,6ha hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ USDA, EU, JAS, Canada và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ quốc gia OCOP 3 sao. Mỗi năm HTX xuất khẩu từ 200-300 tấn hồ tiêu hữu cơ. Chất lượng sản phẩm đạt giá trị cao, được thị trường trong nước và thế giới đón nhận, giá trị sản phẩm tăng gấp hai lần. Chị Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên cho biết, các tỉnh Tây Nguyên, trong đó Đắk Nông có diện tích hồ tiêu rất lớn. Đây là lợi thế để HTX khai thác, nâng cao giá trị cho sản phẩm hồ tiêu. Trước hết, HTX đã ứng dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ, đem lại giá trị kinh tế cao cho thành viên. Sản phẩm cà phê bột Đắk Đam, của HTX Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) đạt OCOP đã mở ra hướng phát triển mới và giá trị sản phẩm được nâng cao, ngoài các thành viên chính thức, HTX còn có thêm nhiều thành viên liên kết với tổng diện tích hơn 480ha, cung cấp nguyên liệu chế biến cà phê bột Đắk Đam, góp phần phát triển nông nghiệp địa phương bền vững. HTX Nông nghiệp, dịch vụ Long Việt (Tuy Đức) với vùng nguyên liệu 140ha mắc ca, HTX đã đầu tư máy sấy, máy tách vỏ để chế biến. Mỗi năm, HTX chế biến hơn 30 tấn mắc ca sấy, đóng gói bán ra thị trường. Giá trị sản phẩm mắc ca sau chế biến của HTX đã tăng từ 30% - 35%.
Các sản phẩm OCOP của Đắk Nông được bán rộng rãi trong cả nước bằng hình thức trực tiếp hoặc qua sàn thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm OCOP đang hướng đến làm quà tặng sang trọng và có giá trị cao như: cà phê, mắc ca, hạt điều… sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, giúp chủ thể nâng quy mô sản xuất và doanh thu tăng hàng năm từ 20- 35%. Điển hình như: vùng trồng cam sành, quýt đường, bơ, gạo ở huyện Krông Nô; vùng trồng cây mắc ca, dược liệu ở Tuy Đức; ca cao, cà phê ở Đắk Mil, Đắk Song; “Mắc ca M’Nông” của HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực; Gạo ST24, ST25 của HTX lúa gạo Buôn Choáh; cà phê của HTX Phát triển nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái,…
|
Gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện Krông Nô tại sự kiện xúc tiến đầu tư do UBND tỉnh tổ chức (Ảnh: BBT).
|
Có thể nói, Chương trình OCOP đã tạo sự bứt phá trong lĩnh vực “tam nông”, không chỉ góp phần giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động nâng cao thu nhập mà còn tạo động lực để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với việc hình thành các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, HTX sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng khoa học, công nghệ; xây dựng thương hiệu… góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh Đắk Nông có 39/60 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 65%; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân mỗi xã đạt 16,62 tiêu chí NTM, tăng 13,52 tiêu chí.
Kim Thu