Kết quả sau 3 năm thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống
Nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của công tác xây dựng Đảng, có giá trị và ý nghĩa sâu sắc trong việc tổng kết kinh nghiệm, cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng; góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống cách mạng, củng cố niềm tin và tự hào về lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc, bồi dưỡng tình yêu nước cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Làm tốt công tác lịch sử Đảng cũng chính là tạo nên “vũ khí sắc bén”, góp phần phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng đó, mặc dù Đắk Nông còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội nhưng những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm tới việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống địa phương.
Để thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Ngày 05/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Đề án số 05-ĐA/TU về “Nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn và lịch sử truyền thống các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030” (sau đây viết tắt là Đề án số 05-ĐA/TU).
Ngay sau khi Đề án số 05-ĐA/TU được ban hành, cấp ủy đảng các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch thực hiện các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức học tập, quán triệt đầy đủ, kịp thời, bằng các hình thức phù hợp, như: hội nghị tập trung, lồng ghép trong hội nghị báo cáo viên, hội nghị ban chấp hành đảng bộ huyện, quán triệt trong các buổi sinh hoạt chi bộ của các tổ chức cơ sở đảng, lớp bồi dưỡng chính trị hè… và tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và các địa phương. Đồng thời, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch, công văn … triển khai thực hiện Đề án, xác định lộ trình, tiến độ thực hiện đến năm 2030, trong đó một số địa phương xác định hoàn thành Đề án trước năm 2030 như huyện Đắk R’lấp, huyện Tuy Đức, huyện Cư Jút. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc Đảng ủy các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương theo đúng quy trình, lộ trình đã đề ra.
Đến nay, sau 3 năm thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU (2021- 2024), toàn tỉnh đã biên soạn, hoàn chỉnh, xuất bản được 31 công trình lịch sử, trong đó lịch sử truyền thống các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã xuất bản 03 công trình; lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cấp huyện và tương đương hoàn thành, xuất bản được 08 công trình; lịch sử cấp xã/phường/thị trấn đã hoàn thành, in ấn 20 công trình. Hơn 20 công trình đang tiếp tục được triển khai, hoàn chỉnh để xuất bản trong thời gian tới. Nội dung các công trình bảo đảm tính Đảng, tính lịch sử, tính khoa học, phản ánh được cơ bản, chân thực, cụ thể quá trình hình thành và phát triển của Đảng, các tổ chức cơ sở đảng.
|
Một số công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của tỉnh Đắk Nông |
Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương được cấp ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức hội nghị phát hành sách sau khi xuất bản; tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử sau khi xuất bản cuốn sách; tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm; trưng bày triển lãm, pa nô, áp phích, phát động cuộc thi sáng tác, quảng bá, hoạt động về nguồn; tuyên truyền thông qua hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên, các buổi sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, sinh hoạt chuyên đề, đăng tải trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng nhân dịp kỷ niệm các sự kiện chính trị, các ngày lễ, ngày truyền thống; đưa chương trình giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương vào chương trình giảng dạy của các trung tâm chính trị huyện, thành phố và trong các trường học trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử đã thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, học sinh và quần chúng Nhân dân, góp phần định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử cách mạng, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời, đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng.
Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử trong thời gian qua đã và đang từng bước được đầu tư để tu bổ, tôn tạo. Nhiều địa phương, đơn vị đã phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử tại địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua các hình thức như: Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tại các trường học tổ chức các hoạt động, chương trình “Hành trình đến với địa chỉ đỏ”; các trung tâm chính trị huyện, thành phố, các trường học tổ chức cho học viên, học sinh tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử.
Có thể thấy, thời gian qua việc triển khai thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đạt được những kết quả nhất định. Một số địa phương thực hiện đạt và vượt tiến độ Đề án, triển khai đến 100% xã, thị trấn biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống như huyện Đắk R’lấp (11/11 xã, thị trấn), huyện Tuy Đức (6/6 xã); Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (8/8 đảng ủy quân sự huyện); một số địa phương có trên 50% đơn vị đã và đang hoàn thành lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống (Krông Nô: 9/12 xã, thị trấn; Cư Jút: 6/8 xã, thị trấn, …).
Tuy nhiên, việc triển khai Đề án số 05-ĐA/TU trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Tiến độ thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU của một số đơn vị, địa phương còn chậm, như thành phố Gia Nghĩa, huyện Đắk Song, các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương; còn lúng túng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Công tác lưu trữ, sưu tầm, tổng hợp tư liệu, tài liệu của một số địa phương triển khai chưa khoa học, đầy đủ; nhân chứng lịch sử ngày càng bị mai một. Cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư cho công tác sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng, lịch sử địa phương còn hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng và công trình lịch sử sau khi xuất bản ở một số địa phương còn hạn chế.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án số 05-ĐA/TU với những nhiệm vụ trọng tâm, như sau:
- Tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư; Kế hoạch số 72-KH/TU, Đề án số 05-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến các cấp ủy đảng và toàn hệ thống chính trị.
- Tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ lịch sử Đảng; thực hiện số hóa tư liệu lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống các cấp.
- Phấn đấu đến 2030 đạt mục tiêu nêu trong Đề án 05-ĐA/TU: 100% xã, phường, thị trấn và tương đương hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ; 65% sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh biên soạn, xuất bản lịch sử truyền thống của cơ quan, đơn vị; 30% xã, phường, thị trấn tái bản, bổ sung lịch sử Đảng bộ.
- Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng, lịch sử truyền thống. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác thẩm định các công trình lịch sử trước khi xuất bản; phối hợp chặt chẽ giữa ban tuyên giáo, tuyên huấn các cấp trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử đảng bộ địa phương, bảo đảm tính Đảng, tính lịch sử, tính khách quan, khoa học.
- Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai công tác biên soạn, xuất bản lịch sử truyền thống, theo tinh thần Đề án số 05-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Công văn số 2908/UBND-KGVX, ngày 24/5/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc biên soạn lịch sử truyền thống các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đơn vị, ngành đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả.
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác lịch sử Đảng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; hỗ trợ chuyên môn trong công tác sưu tầm, biên soạn, lưu trữ, giáo dục, tuyên truyền lịch sử Đảng bộ địa phương.
- Định hướng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, rộng khắp phù hợp với từng đối tượng. Tăng cường sử dụng kết quả nghiên cứu lịch sử Đảng phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Phạm Lục