Đắk Nông quyết tâm xây dựng và củng cố chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về nền độc lập của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đem lại cho cách mạng Việt Nam thế và lực mới. Đảng ta từ một đảng hoạt động bí mật trở thành đảng cầm quyền, nhân dân ta được giải phóng khỏi cuộc đời nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước.
Nhưng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Cuối tháng 8 năm 1945, lấy danh nghĩa quân Đồng minh, gần 20 vạn quân Tưởng, theo gót là lực lượng phản động Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội ồ ạt kéo vào miền Bắc nước ta. Chúng ráo riết thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, lập chính quyền phản động. Đằng sau quân Tưởng là Mỹ với dã tâm đặt Đông Dương dưới chế độ “ủy trị” của họ. Ở miền Nam, cũng với danh nghĩa quân Đồng minh, quân Anh vào giải giáp quân Nhật, núp sau quân Anh là quân Pháp. Ngày 23/9/1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Chưa bao giờ trên đất nước ta cùng một lúc có nhiều kẻ thù hung bạo và xảo quyệt như lúc này. Vận mệnh nước Việt Nam mới như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ngày 03/9/1945, Chính phủ lâm thời đã họp phiên đầu tiên, thảo luận và đề ra 6 vấn đề cấp bách do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra là: Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo; Mở chiến dịch chống nạn mù chữ; Tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ; Mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ thói hư tật xấu của chế độ thực dân để lại; Bỏ ngay 3 từ thuế là thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; Ra tuyên bố tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo. Đến ngày 25/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”.
Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, cùng với cả nước, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn Đắk Nông dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Đắk Lắk quyết tâm thực hiện công cuộc thiết lập, bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng đời sống mới trên các lĩnh vực. Ngay sau khi giành được chính quyền, chỉ trong vòng một tuần, trên địa bàn Đắk Nông chính quyền cách mạng được thiết lập và củng cố ở hầu hết các huyện, tổng và các buôn, bon; đồng thời phát động nhân dân các dân tộc thực hiện các chương trình của Mặt trận Việt Minh, đề ra một số chủ trương, biện pháp thiết thực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng.
Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc (giữa đồng bào Kinh với đồng bào Thượng, giữa đồng bào Êđê với đồng bào Mnông...) luôn được chú trọng, tăng cường. Tháng 10/1945, tỉnh Đắk Lắk tổ chức cuộc liên hoan đoàn kết giữa các dân tộc dưới hình thức một hội chợ triển lãm với sự tham dự của những đại biểu ưu tú của các dân tộc trong tỉnh và một số đại diện các dân tộc các tỉnh Nam Trung Bộ. Thông qua hội chợ, âm mưu chia rẽ các dân tộc, kìm hãm sự phát triển xã hội của thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước bị vạch trần, giải quyết được những hiểu lầm giữa các dân tộc. Để thực hiện nhiệm vụ cách mạng, nhiều cán bộ của Đảng được điều về tận các buôn, bon. Những quần chúng tích cực người dân tộc được chú trọng bồi dưỡng để trở thành nòng cốt trong việc thực hiện chính sách của Đảng. Tại Krông Nô đã mở một số lớp đào tạo cán bộ người Êđê, M’nông, điều về các buôn, làng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, củng cố chính quyền và các đoàn thể quần chúng. Dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng, công tác xây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở bí mật, xây dựng mạng lưới an ninh được tiến hành rất khẩn trương. Những hoạt động đó đã có tác dụng to lớn trong phong trào cách mạng trên địa bàn Đắk Nông, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện công tác giữ gìn trật tự trị an, đấu tranh trấn áp bọn phản động.
Ban Liêm phóng tỉnh Đắk Lắk được thành lập (ngày 20/8/1945) đã tập trung đối phó với âm mưu phá hoại của địch hòng lật đổ chính quyền cách mạng, ổn định tình hình trật tự trị an, trừng trị bọn phản động. Công tác đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, lực lượng công an phối hợp với quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên, công nhân trong các đồn điền và đồng bào các dân tộc truy bắt những tên phản cách mạng, thanh niên trong các thôn, buôn, bon hăng hái vào tự vệ, phân công canh gác buôn, bon, bảo vệ chính quyền cách mạng. Nhờ những hoạt động tích cực của công tác trị an, những hủ tục lạc hậu, sự kỳ thị các sắc tộc đã giảm hẳn. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh yên tâm, phấn khởi thực hiện nhiệm vụ cách mạng.
Về kinh tế, Mặt trận Việt Minh và chính quyền cách mạng kịp thời thực hiện những chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm nhanh chóng ổn định tình hình, nâng cao đời sống nhân dân. Chính quyền cách mạng xóa bỏ các thứ thuế vô lý của chính quyền thực dân đối với dân tộc thiểu số, xóa bỏ chế độ bắt xâu, bắt lính; nhanh chóng quốc hữu hóa toàn bộ các công sở, đồn điền của thực dân Pháp giao cho các ủy ban công nhân quản lý; xây dựng, củng cố bộ máy quản lý các đồn điền trên địa bàn như ở Đắk Mil, Quảng Trực... Đối với công nhân, thực hiện ngày làm 8 giờ, xóa bỏ mức hưởng thụ khác biệt giữa công nhân người Thượng và công nhân người Kinh, giữa nam giới và nữ giới, có chính sách ưu tiên, chiếu cố tới công nhân người Thượng. Các cơ sở buôn bán của Pháp trước đây được cải tạo thành các cơ sở thu mua nông, lâm sản, là nơi trao đổi muối và các nhu yếu phẩm khác cho Nhân dân.
Để động viên Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, một mặt chính quyền cách mạng mở những kho thóc của bọn Pháp, Nhật cứu đói kịp thời cho đồng bào, phá kho muối của địch chia cho dân và lập các trạm bán muối; mặt khác, khuyến khích đồng bào các dân tộc khai thác tài nguyên, phát triển giao lưu kinh tế giữa các vùng, miền. Trong cuộc phát động Nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chính quyền cách mạng vận động Nhân dân cải tiến kỹ thuật, khai phá đất hoang, mở rộng diện tích sản xuất. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động “Tuần lễ vàng” do Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi, được nhân dân tích cực hưởng ứng, thu được hàng tấn đồng kể cả đồ đồng trang sức của phụ nữ, góp phần giải quyết khó khăn trong việc rèn đúc vũ khí, phục vụ chiến đấu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc trên địa bàn Đắk Nông đoàn kết ngày đêm hăng say lao động sản xuất thực hiện những chính sách kinh tế của chính quyền, Mặt trận có hiệu quả, quần chúng nhân dân càng thêm gắn bó, tin tưởng với chế độ mới.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào bình dân học vụ được phát động rộng rãi, chính quyền cách mạng mở trường dạy học bằng tiếng Êđê, M’nông, khuyến khích việc học trường lớp đối với thanh niên người dân tộc; chuẩn bị chương trình dạy tiếng Êđê thay tiếng Pháp; tuyển học sinh người Êđê, Mnông đi học các lớp văn hóa và kỹ thuật ở miền xuôi. Nhân viên y tế của chính quyền cũ được lưu dụng, phát động phong trào vệ sinh phòng bệnh, phong trào được của đồng bào các dân tộc hưởng ứng nhiệt tình, đem lại hiệu quả tích cực. Chính quyền cách mạng xóa bỏ những tàn tích văn hóa thực dân, tranh thủ nhân sĩ trí thức, công chức, các vị chỉ huy, binh lính người Thượng để làm việc cho chính quyền cách mạng. Những biện pháp kịp thời đó đã đáp ứng yêu cầu ổn định tình hình và nhu cầu thiết yếu của đồng bào các dân tộc.
Như vậy, trong điều kiện vô cùng khó khăn và trong thời gian rất ngắn, dưới sự chèo lái con thuyền cách mạng của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đắk Nông cùng với cả nước đã quyết tâm xây dựng, củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng, bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, góp phần đưa cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm trở trong những năm 1945-1946, chuẩn bị điều kiện và lực lượng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày nay, nêu cao tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, khóa XIII; thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và bảo vệ chính quyền làm cơ sở lý luận vững chắc bảo đảm cho chính quyền Nhân dân luôn được xây dựng vững mạnh; cần tranh thủ những điều kiện, thời cơ thuận lợi trong nước và quốc tế, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh cải cách nền hành chính..., hướng đến xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phục vụ Nhân dân trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
Phạm Lục