Đắk Song: Một số kết quả nổi bật sau 01 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 22/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030
Sau khi Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 22/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Song tổ chức quán triệt Nghị quyết số 14-NQ/TU thông qua Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và ban hành Chương trình số 21A-CTr/HU, ngày 16/6/2022 thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 22/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Đắk Song đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau:
Công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được đẩy mạnh. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, Cơ quan tham mưu, giúp việc Huyện ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội huyện; các tổ chức cơ sở Đảng tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết số 14-NQ/TU và các chủ trương, định hướng về xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thông qua các buổi học tập nghị quyết, các buổi họp cơ quan, họp chi bộ, họp thôn, bon, bản, tổ dân phố. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tuyên truyền, quảng bá về hệ thống các tuyến, điểm nằm trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, không gian văn hóa cồng chiêng và các điểm du lịch Đắk Song…
Tăng cường bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên địa bàn huyện trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo tổ chức các lễ, hội truyền thống, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã Đắk N’Drung, xã Đắk Mol và xã Trường Xuân, từng bước khôi phục lại các hoạt động lễ hội. Chỉ đạo thực hiện bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; đến nay, trên địa bàn huyện còn 21 bộ chiêng; mở 01 lớp dạy đánh cồng chiêng tại xã Đắk N’Drung cho 16 học viên, với tổng kinh phí 25.350.000 đồng. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng tạo cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn huyện; năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023 đã trồng 224,05 ha rừng, trong đó: đã trồng 15.850 cây Thông ba lá trên diện tích rừng phòng hộ Cảnh quan Quốc lộ 14 tại các xã Nâm N’Jang, Đắk N’Drung và thị trấn Đức An….
Phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương thông qua các hoạt động của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Chỉ đạo tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, kêu gọi đầu tư qua nhiều kênh như: các ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp, tham gia các hội nghị, hội chợ, hội thảo chuyên đề về xúc tiến, quảng bá, kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch khu vực có nhiều tiềm năng Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung. Đến nay, có Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Đông Đô II – BQP (thuộc tập đoàn Đầu tư xây dựng phát triển Đông Đô -BQP), thành phố Hồ Chí Minh đăng ký dự án đầu tư dự án Lưu ly Lost Art, huyện Đắk Song với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 219 tỷ đồng.
Thực hiện quảng bá một số địa điểm du lịch trên địa bàn huyện Đắk Song gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, gồm: Thiền viện Trúc lâm Đạo Nguyên, Vườn Ca cao tại xã Nâm N’Jang, Trung tâm thông tin Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Nâm N’Jang (đang được xây dựng).
Thực hiện tốt công tác quản lý, thu hút đầu tư phát triển các điểm di sản thuộc Công viên địa chất UNESCO Đắk Nông trên địa bàn huyện. Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, vận hành, xây dựng và phát triển các điểm di sản. Xây dựng biển báo, chỉ dẫn giới thiệu về điểm du lịch, điểm di sản Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, gồm: Di tích lịch sử đường Trường Sơn, thôn Thuận Thành, xã Thuận Hạnh; Di tích Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ thôn 8, xã Nam Bình; Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly, xã Nâm N’Jang; Thiền viện Trúc lâm Đạo Nguyên, xã Nâm N’Jang; vườn Cao cao có diện tích hơn 20 ha thuộc xã Nâm N’Jang; Trung tâm thông tin Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, xã Nâm N’Jang.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU:
Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ, bảo tồn, khai thác bền vững, phát huy tổng thể các giá trị di sản phục vụ du lịch góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chưa xây dựng hoàn chỉnh mô hình du lịch cộng đồng gắn với thế mạnh của ngành nông nghiệp và sự đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương. Không gian văn hóa, phong tục, tập quán, trang phục và các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ... không còn phổ biến gây khó khăn trong việc xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng của địa phương.
Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ du lịch của huyện còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn chưa đảm bảo phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truyền bá sản phẩm du lịch, đăng ký đặt phòng trực tuyến ... chưa thực hiện được. Do đó, khó thu hút được khách du lịch đến địa phương.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 14-NQ/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:
Tiếp tục nâng cao nhận thức của xã hội về xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trên địa bàn huyện. Tiếp tục tổ chức sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; xây dựng, phát triển các đội văn nghệ tại các thôn, bon từng bước hình thành sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương phục vụ phát triển du lịch. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong việc xây dựng dự án khai thác điểm du lịch thác Lưu Ly.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội huyện phát huy vai trò giám sát, đẩy mạnh công tác vận động hội viên, đoàn viên và Nhân dân tích cực tham gia thực hiện Chương trình.
Thu Hương