Đắk Song sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 20 -CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”
Đắk Song là huyện biên giới, nằm về phía Tây Bắc tỉnh Đắk Nông, có 23,194 km đường biên giới giáp với huyện Petchanda và Ou Reang, tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Camphuchia. Diện tích tự nhiên là 80.646,24 ha; dân số trung bình 84.053 người với 25 dân tộc; huyện có 09 đơn vị hành chính cấp xã với 71 thôn, bon, bản, tổ dân phố (49 thôn, 13 bon, 03 bản và 06 tổ dân phố); có 02 xã biên giới, 03 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; có 03 tôn giáo chính (Công giáo, Phật giáo, Tin lành). Đảng bộ huyện hiện có 40 tổ chức cơ sở Đảng, với 2.664 đảng viên (tính đến 20/10/2023).
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW và Đề án số 05-ĐA/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 51-KH/HU, ngày 31/5/2018 về thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; Kế hoạch số 58-KH/HU, ngày 02/12/2021 thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 05/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ xã, phường, thị trấn và lịch sử truyền thống các cơ sở, ban ngành, tổ chức chính trị- xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2030; Kế hoạch số 114-KH/HU, ngày 02/02/2023 thực hiện Đề án số 05 - ĐA/TU, ngày 05/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ xã, phường, thị trấn và lịch sử truyền thống các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2023 (Kế hoạch này thay thế cho Kế hoạch số 58-KH/HU, ngày 02/12/2021).
Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện; đồng thời, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy mạnh công tác sưu tầm, xác minh tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ xã, thị trấn theo Đề án 05 của Tỉnh ủy theo giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2030, hoàn thành việc biên soạn lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn.
Góp phần thực hiện đạt hiệu quả các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn Lịch sử Đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng; đồng thời chào mừng Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 15 năm thành lập huyện Đắk Song và Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV (nhiệm kỳ 2015- 2020), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đắk Song đã hoàn thiện việc sưu tầm, biên soạn cuốn sách: Lịch sử Đảng bộ huyện Đắk Song (1930 – 2010).
Cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Đắk Song (giai đoạn 1930 – 2010) được biên soạn với mục đích không chỉ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang, nâng cao lòng tự hào, tự tôn, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ngày nay, mà còn bày tỏ sự tôn vinh và tri ân sâu sắc đối với các thế hệ đảng viên, đồng bào các dân tộc đã từng nỗ lực, hy sinh vượt qua gian khó, hiểm nguy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương trên mảnh đất Đắk Song. Cuốn sách đã được ban chỉ đạo, ban biên tập hoàn thành và xuất bản vào năm 2015.
Thực hiện có hiệu quả những nội dung và giải pháp được nêu trong Kế hoạch 51-KH/HU, ngày 31/5/2018 về thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; sau khi hoàn thành cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện; Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao cho Ban Tuyên giáo hướng dẫn Đảng ủy xã Đắk N’Drung biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Đắk N’Drung giai đoạn 1930 – 2015; vào năm 2018, Đảng ủy xã đã ban hành cuốn lịch sử Đảng bộ vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập xã.
Hiện nay, Đảng bộ Quân sự huyện đang giai đoạn chuẩn bị hội thẩm cuốn sách Lịch sử lực lượng vũ trang Nhân dân huyện Đắk Song (1945 – 2022). Đối với các xã, thị trấn còn lại tiếp tục tuyên truyền, ưu tiên những xã thành lập trước thực hiện việc biên soạn cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương; phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% xã, thị trấn hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ.
Công tác sưu tầm, khai thác các nguồn tư liệu thành văn, phỏng vấn nhân chứng lịch sử
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 51-KH/HU, Kế hoạch số 114-KH/HU về thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW và Đề án số 05-ĐA/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao chỉ tiêu, nhiệm vụ hướng dẫn cụ thể cho UBND huyện, các TCCS Đảng và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; giao Ban Tuyên giáo trực tiếp hướng dẫn quy trình sưu tầm, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn và các cơ quan đơn vị; đồng thời kịp thời giúp đỡ các Đảng bộ cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình biên soạn.
Tuy nhiên, đối với công tác sưu tầm, khai thác các nguồn tư liệu thành văn cũng như phỏng vấn các nhân chứng lịch sử gặp không ít khó khăn. Do quá trình sáp nhập, chia tách của các xã trong huyện nên có nhiều xáo trộn về lưu trữ tư liệu, tài liệu, văn bản. Các đồng chí lão thành cách mạng là nhân chứng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nhiều người đã mất, một số người thì tuổi cao, sức yếu, trí nhớ hạn chế, nên việc khai thác tư liệu lịch sử gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở và một số cơ quan về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử chưa đầy đủ.
Vấn đề đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật và kinh phí
Huyện ủy đã giao nhiệm vụ cho UBND huyện căn cứ kế hoạch biên soạn lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống của các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để bố trí nguồn kinh phí bảo đảm cho việc xây dựng lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống.
Chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch viết Lịch sử Đảng bộ bám sát nội dung Kế hoạch 114-KH/HU, ngày 02/02/2023 về thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU nhằm đảm bảo đến năm 2030 hoàn thành việc xây dựng lịch sử Đảng bộ cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 20-CT/TW đến cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Chỉ đạo việc giáo dục lịch sử Đảng bộ và lịch sử truyền thống địa phương trong cán bộ, đảng viên, trong hệ thống giáo dục của huyện nhất là trong thế hệ trẻ qua đó giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao lòng tự hào dân tộc, yêu quê hương đất nước, cũng cố niềm tin đối với Đảng; động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, thách thức để xây dựng quê hương đất nước.
Việc đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương vào sinh hoạt chi bộ
Thời gian qua, việc đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương vào sinh hoạt chi bộ đã được quan tâm, thực hiện dưới nhiều hình thức như: lồng ghép trong các buổi phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng các cấp, trong các dịp tổ chức tọa đàm, kỷ niệm và thông qua các đề cương tuyên truyền do cấp ủy, Ban Tuyên giáo các cấp triển khai; tham gia các hội thi, cuộc thi tìm hiểu lịch sử do các cấp phát động. Nhìn chung các TCCS Đảng đã thực hiện tương đối tốt các hoạt động ôn lại truyền thống, lịch sử cách mạng và tích cực tham gia các cuộc thi đạt thành tích đáng kể.
Công tác tăng cường thông tin, tận dụng các loại hình truyền thông mới, sử dụng hiệu quả internet và mạng xã hội
Thời gian qua, Huyện đã từng bước phát huy hiệu quả của Internet và mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến lịch sử đảng, lịch sử đất nước, địa phương thông qua các trang, nhóm của huyện và cơ sở. Trên cơ sở định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hàng tháng, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã cụ thể hóa thành hướng dẫn tuyên truyền cho cấp cơ sở và các cơ quan thông tin, tuyên truyền của huyện bám sát định hướng tuyên truyền. Đồng thời, thực hiện đăng bài tuyền truyền phổ biến lịch sử đảng, lịch sử đất nước, địa phương theo diễn tiến thời gian của các sự kiện lịch sử trên các trang, nhóm do Ban Tuyên giáo huyện quản lý. Chủ động đăng các bài đấu tranh với các bài viết xấu độc, ngụy sử, xuyên tạc lịch sử Đảng ta.
Công tác tuyên truyền lịch sử Đảng đối với các lớp học viên tại Trung tâm chính trị và trong tầng lớp thanh thiếu nhi
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư cùng với đó là Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 05/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ xã, phường, thị trấn và lịch sử truyền thống các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Trung tâm chính trị huyện lồng ghép việc giảng dạy lịch sử đảng, lịch sử đảng bộ địa phương vào các lớp bồi dưỡng, đào tạo trong kế hoạch giảng dạy hằng năm, qua đó tăng cường tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị tới đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng.
Đặc biệt, trong năm 2023, Trung tâm chính trị đã mở 01 lớp bồi dưỡng chuyên đề lịch sử Đảng - “Đảng ta thật là vĩ đại” dành cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên ở cơ sở; với chuyên đề tìm hiểu lịch sử địa phương, đó là Di tích lịch sử, Địa điểm ghi dấu trận đánh đồn Đạo Trung, học viên của lớp bồi dưỡng đã được trực tiếp tham quan và nghe báo cáo viên trình bày ngay tại địa điểm tham quan. Qua đó, giúp cho mỗi học viên ghi nhớ, tri ân sự hy sinh vô bờ bến của lớp lớp chiến sĩ, đồng bào trên vùng đất Đắk Song trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và trong kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền của quê hương đất nước cũng như phát huy trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo tồn, phát huy những di tích lịch sử trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, huyện luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong tầng lớp thanh thiếu nhi với nhiều phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như: tổ chức diễn đàn, câu lạc bộ, các hội thi, cuộc thi trắc nghiệm, thi tìm hiểu trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; xây dựng các trang thông tin tuyên truyền trên mạng Internet, mạng xã hội, các thiết bị di động thông minh nhằm kết nối, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, của các địa phương, truyền thống của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ.
Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích cách mạng, kháng chiến
Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao cho Huyện đoàn Đắk Song chỉ đạo Đoàn thanh niên cơ sở, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tại các trường học thường xuyên tổ chức các hoạt động, chương trình như “Hành trình đến với địa chỉ đỏ” hằng năm tại Đài tưởng niệm liệt sĩ huyện, Đền thờ liệt sỹ Đồn Đạo Trung, điểm kết nối liên lạc đường mòn Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây nguyên (nay thuộc thôn 8, xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông). Tại đây, đoàn viên thanh niên của huyện sẽ tham gia dọn dẹp vệ sinh, ôn lại kỷ niệm truyền thống lịch sử của dân tộc và ý nghĩa lịch sử của Đài tưởng niệm. Ủy ban Nhân dân huyện đã ban hành Công văn số 4267/UBND – VHTT, ngày 16/9/2020 về việc đề nghị công nhận di tích lịch sử Đền thờ liệt sỹ đồn Đạo Trung là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Hiện nay, hệ thống giáo dục trong toàn huyện đang từng bước thực hiện việc đổi mới phương pháp giáo dục lịch sử Đảng, áp dụng nhiều hình thức giáo dục đa dạng, phù hợp với từng đối tượng trên cơ sở tổ chức tối ưu quá trình dạy học, trong đó có sự kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học hiện đại, sử dụng linh hoạt các hình thức tổ chức lớp học, như tham gia tại thực địa, các hoạt động về nguồn… Qua đó, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, bồi dưỡng được phương pháp tự học, tự rèn luyện, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; đồng thời, tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm hứng thú, say mê trong học tập và nghiên cứu lịch sử Đảng của người học.
Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; lồng ghép nội dung lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương trong chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, giáo dục công dân ở bậc giáo dục phổ thông, giáo dục tiểu học.
Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng trong giai đoạn hiện nay. Chưa quyết liệt trong việc xây dựng lộ trình, kế hoạch để sưu tầm, biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ ở địa phương mình.
Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng tuy đã từng bước được quan tâm, nhưng chưa được duy trì thường xuyên; chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền, dẫn đến hiệu quả tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, thanh thiếu niên, học sinh tại các cơ sở giáo dục còn hạn chế. Nguồn kinh phí để chi cho công tác viết Lịch sử Đảng bộ ở các địa phương chưa đảm bảo, bên cạnh đó chưa thực hiện được việc huy động nguồn vốn xã hội hóa dành cho công tác biên soạn Lịch sử Đảng.
Một là, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ và công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử Đảng bộ địa phương, đơn vị đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, sinh viên, học sinh.
Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20 –CT/TW, Kế hoạch số 51-KH/HU, Kế hoạch số 114-KH/HU về thực hiện chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư và Đề án số 05-ĐA/TU của Tỉnh ủy.
Ba là, Ban Tuyên giáo Huyện ủy: Chủ trì, phối hợp với các tổ chức cơ sở đảng và các cơ quan liên quan chỉ đạo, định hướng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng; xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20 – CT/TW trên địa bàn huyện.
Bốn là, tiếp tục đưa các nội dung lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ của huyện vào chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, giáo dục công dân ở bậc giáo dục phổ thông; giảng dạy lịch sử địa phương tại Trung tâm Chính trị huyện.
Năm là, quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, kinh phí cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống.
Ánh Nga