Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945
Năm 1945 tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến thuận lợi cho phong trào cách mạng ở Đông Dương. Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, ngày 9-3-1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính, thay thế thực dân Pháp cai trị Đông Dương. Đảng Cộng sản Đông Dương xác định kẻ thù trực tiếp, trước mắt của nhân dân Đông Dương là phát xít Nhật và tay sai.
Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước trên cả nước. Ngày 14-8-1945, mặc dù chưa nhận được chỉ thị của cấp trên, Ban Lãnh đạo lâm thời tỉnh Đắk Lắk triệu tập Hội nghị chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh tại thị xã Buôn Ma Thuột. Để bảo đảm cho khởi nghĩa thắng lợi chắc chắn và không đổ máu, Hội nghị chủ trương 2 vấn đề lớn là tăng cường tuyên truyền, giác ngộ nhằm nắm chắc lực lượng bảo an binh, gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa trên địa bàn toàn tỉnh, trước hết là ở những vùng trọng điểm, những đồn điền có phong trào cách mạng phát triển mạnh và cử người liên lạc đi Khánh Hoà xin cán bộ tăng cường cho Đắk Lắk và bàn cách phối hợp hành động.

Hình ảnh minh họa
Được tin nhân dân huyện Vạn Ninh và một số xã miền Tây huyện Ninh Hoà, Khánh Hoà khởi nghĩa giành chính quyền, Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk quyết định và tiến hành thắng lợi cuộc khởi nghĩa mở màn tại đồn điền Ca Đa tối 17-8-1945. Đây là cuộc khởi nghĩa từng phần giành thắng lợi đầu tiên ở Đắk Lắk. Tiếp đó, tại một số đồn điền khác trong tỉnh như đồn điền ở km 7, 17, 24, 29, các cơ sở Việt Minh lãnh đạo công nhân và nông dân đứng lên khởi nghĩa giành quyền, ra mắt Uỷ ban Việt Minh. Đó là những cơ sở đầu tiên trong tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân lao động.
Ngày 19-8-1945, đoàn cán bộ miền xuôi tăng cường cho Đắk Lắk gồm các đồng chí Huỳnh Bá Vân, Đào Xuân Quý... đã về tới đồn điền Ca Đa và tin Khánh Hoà khởi nghĩa thắng lợi cổ vũ nhân dân các đồn điền và các buôn trong tỉnh tiếp tục đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Chỉ trong ngày 19-8, được công nhân đồn điền Ca Đa hỗ trợ, chính quyền cách mạng được thành lập ở nhiều đồn điền và buôn ấp từ km 49 đến km 3 trên đường số 21 và dọc tỉnh lộ số 8 từ Buôn Ma Thuột đi MêWal. Đồn điền Ca Đa được chọn làm nơi đặt cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh.
Hội nghị bầu Ban Lãnh đạo khởi nghĩa, phân công cán bộ phụ trách công tác công vận, nông vận, binh vận... và chờ đoàn cán bộ từ Nha Trang tăng cường để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã Buôn Ma Thuột, cử Uỷ ban khởi nghĩa do đồng chí Phan Kiệm làm Trưởng ban, Phạm Sĩ Vịnh làm Phó ban, các ủy viên Nguyễn Trọng Ba, Huỳnh Bá Vân, Y Ngông Niê Kđăm, YBih Alêô, Thái Xuân Đồng. Hội nghị cũng đề cử người đứng đầu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời do Phạm Sĩ Vịnh làm Chủ tịch và Yblô làm Phó Chủ tịch.
Tối 21-8-1945, đoàn cán bộ từ Khánh Hòa do đồng chí Bùi San dẫn đầu tăng cường cho Đắk Lắk về tới Buôn Ma Thuột, cùng Uỷ ban khởi nghĩa xây dựng kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh lỵ Đắk Lắk. 15 giờ ngày 24-8-1945, cuộc mít tinh giành chính quyền diễn ra tại sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột, quy tụ hơn 3.000 đồng bào các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, M’Nông và 500 lính bảo an binh, những người đã quay súng về với cách mạng. Đại biểu Mặt trận Việt Minh tuyên bố xoá bỏ chính quyền tay sai phản động của phát xít Nhật và thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân lao động, kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ủng hộ chính quyền, tham gia xây dựng cuộc sống mới. Quần chúng hô vang các khẩu hiệu cách mạng: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo phát xít Nhật”... Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã thành công rực rỡ.
Tại các huyện và buôn trong tỉnh Đắk Lắk, trong đó có nhiều địa phương - nay thuộc tỉnh Đắk Nông, như Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Rlấp, Krông Nô..., dưới sự lãnh đạo của cán bộ, hội viên Việt Minh, nhân dân đứng lên giành chính quyền thắng lợi.
Ngày 23-8-1945, tại huyện lỵ Đắk Mil, trước cuộc mít tinh của đông đảo quần chúng, đại diện Mặt trận Việt Minh huyện tuyên bố xoá bỏ chính quyền tay sai bù nhìn, thành lập ủy ban cách mạng lâm thời huyện.
Tại Đắk Rlấp, nhân dân các buôn khu vực Ba ranh giới nổi dậy tham gia mít tinh lớn tại buôn Bu Prăng, do đồng chí Nguyễn Trọng Ba tổ chức chào cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ, ăn mừng cách mạng thành công. Sau đó lần lượt mít tinh, thành lập chính quyền cách mạng ở các tổng, đập phá tượng đài Hăng ri met và dựng bia kỷ niệm N'Trang Lơng tại Ngã Ba ranh giới.
Tại huyện Đắk Nông (thời điểm này thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng), diễn biến cuộc đấu tranh giành chính quyền gặp nhiều khó khăn. Đến 28-8-1945, được sự hỗ trợ của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lâm Viên, tổng khởi nghĩa mới giành thắng lợi.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vùng lên làm chủ vận mệnh của mình, mở ra một trang mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của cả nước nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về khách quan và chủ quan, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại các địa phương trong tỉnh Đắk Nông đã diễn ra đúng thời cơ và giành thắng lợi, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong cả nước.
Đoàn Văn Kỳ