Huyện ủy Đắk R’lấp tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Ngày 05/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (viết tắt là Nghị quyết 26). Trên cơ sở nội dung của Nghị quyết và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Đắk R’lấp đã triển khai việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết trong toàn Đảng bộ, tuyên truyền Nghị quyết đến với cán bộ, đảng viên, nhân dân...
Đồng thời, Huyện ủy đã cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết 26 bằng việc ban hành các văn bản triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương (Nghị quyết 04-NQ/HU ngày 14/7/2016 của Huyện ủy Đắk R’Lấp về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện Đắk R’Lấp; Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 27/9/2016 của Huyện ủy Đăk R’Lấp về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 12/5/2011 của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp với kỹ thuật, công nghệ cao giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020…).
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; huyện Đắk R’Lấp đã tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp toàn diện trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh mang lại hiệu quả rõ nét, triển khai thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh. Cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện, lĩnh vực công nghiệp dịch vụ từng bước được phát triển, đa dạng về sản phẩm; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với công tác xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả cụ thể:
- Việc thực hiện tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn:
Trên lĩnh vực trồng trọt: Tổng diện tích các loại cây trồng trên địa bàn huyện 36.028 ha; trong đó: Cà phê 21.114 ha; Điều 3.870ha; Hồ tiêu 4.468 ha; sầu riêng là 2.260 ha; Cao su là 3.254 ha; Bơ là 746 ha; Mắc ca là 73 ha và Chanh dây là 243 ha. Xác định cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện là các loại cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, điều, hồ tiêu; các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, đối với mỗi loại cây trồng huyện đều có chính sách quan tâm phát triển và đã đạt những kết quả đáng kể, góp phần vào sự phát triển chung của huyện.
Trên lĩnh vực chăn nuôi: Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có 198.868 con; trong đó, đàn lợn 23.680 con; gia cầm 167.226 con; tổng đàn trâu, bò 3.598 con; dê: 4.364 con. Tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện đã dần ổn định và từng bước phát triển, số lượng hộ dân tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi và số lượng đàn vật nuôi ngày càng tăng. Việc áp dụng các mô hình chăn nuôi khép kín, ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi được nhân rộng, thu nhập từ lĩnh vực chăn nuôi ngày càng cao về sản lượng, chất lượng sản phẩm chăn nuôi đã và đang đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngoài thị trường.
Trên lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ: Trên địa bàn huyện Đắk R’Lấp tính đến hiện tại có: 405 tổ chức (bao gồm công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động sản xuất kinh doanh); Hộ và cá nhân kinh doanh: 1.770 (bao gồm cả những trường hợp phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng và các trường hợp không phải kê khai khai nộp thuế giá trị gia tăng), 33 hợp tác xã (trong đó có 29 HTX Nông nghiệp).
- Việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn với phát triển đô thị: Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện tính đến năm 2021 có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2010 - 2016.
Phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn huyện được tổ chức, triển khai đồng bộ, rộng khắp với nhiều nội dung phù hợp, sát với thực tế và tạo được sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Cấp ủy đảng, chính quyền đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phong trào thi đua trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM; đồng thời đã cụ thể hóa phong trào bằng những chương trình, kế hoạch, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các tổ chức chính trị - xã hội của huyện đã tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng vào mục tiêu xây dựng NTM một cách thiết thực, hiệu quả như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn hóa”, “Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi”… Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; tham gia hiến đất làm các công trình công cộng; đóng góp công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn,...
Về kết cấu hạ tầng nông thôn: Tổng số công trình thủy lợi, thủy điện do Nhà nước đầu tư trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện là 44 công trình; hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông huyện đã có những bước phát triển đáng kể, đến nay, chiều dài đường huyện 90,15km, đường đô thị 30.76km, đường xã 72,6km, trục đường thôn, bon 238,8km, đường nội đồng 5,6 km và đường ngõ xóm 373,5km; Các công trình hệ thống điện trung thế liên xã đầu tư trên địa bàn huyện đảm bảo cấp điện an toàn đạt tiêu chuẩn và đảm bảo nhu cầu sử dụng điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện; đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất của nhân dân giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025.
- Về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn:
Công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo: Trong giai đoạn 2008 - 2023, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành triển khai có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, xuất khẩu lao động và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội (người cao tuổi; người khuyết tật, người nhiễm HIV...) Các chính sách hỗ trợ về giáo dục, vốn vay ưu đãi, nhà ở cho hộ nghèo được thực hiện một cách bài bản mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm theo đúng Nghị quyết mà Huyện ủy; Hội đồng nhân dân huyện đề ra. Tính đến tháng 12 năm 2022, tổng số hộ chung toàn huyện có hộ 24.082 hộ, 92.326 khẩu. Trong đó: số hộ nghèo là 590 hộ chiếm tỷ lệ 2,45%; số hộ cận nghèo là 743 hộ chiếm tỷ lệ 3,09%, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình điều tra cuối năm 2022 là 1.327 hộ 4.841 khẩu chiếm 5,51%.
Về giáo dục, đào tạo: Toàn huyện có 52 cơ sở giáo dục, số trường đạt chuẩn quốc gia 37/52 trường, đạt tỷ lệ 71%. Duy trì số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; tỷ lệ huy động trẻ từ 6-14 tuổi ra lớp đạt trên 99%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt trên 99%. Các chương trình MTQG về giáo dục đào tạo được triển khai thực hiện có hiệu quả; công tác phổ cập giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia thường xuyên được quan tâm; giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.
Về Y tế: Công tác khám chữa bệnh tại các xã, thị trấn được duy trì thường xuyên, chất lượng điều trị và phục vụ được cải thiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai tích cực, kịp thời. Hiện nay trên địa bàn đạt 24,9/26 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ 9,6/9,6 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ trạm Y tế có bác sỹ đạt 100%; tỷ lệ trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế 100%; tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt 85%.
- Về đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn: huyện đã tập trung củng cố, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; cùng với phát triển kinh tế hộ, tăng cường chức năng quản lý Nhà nước của chính quyền trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, củng cố và chuyển đổi hoạt động của đơn vị kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã) theo Luật và các quy định hiện hành. Đã hình thành và phát triển thêm một số mô hình, mở rộng quy mô sản xuất và liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã với nhau để tổ chức cung cấp dịch vụ, sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đến thời điểm hiện tại toàn huyện có 39 hợp tác xã (HTX), trong đó có 29 HTX nông nghiệp, trong đầu năm 2023 thành lập mới 02 HTX nông nghiệp, số thành viên hợp tác xã trên địa bàn huyện khoảng trên 500 thành viên; số lao động làm việc trong khu vực Hợp tác xã khoảng trên 1.200 lao động. Tổng doanh thu của Hợp tác xã khoảng 2.500 triệu đồng/năm, tổng lợi nhuận của hợp tác xã khoảng 200 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của thành viên, lao động của hợp tác xã khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn một số tồn tại, hạn chế đó là:
Về phát triển nông nghiệp: Sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ; chất lượng và sức cạnh tranh thấp, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ; lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp thấp, rủi ro cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi chưa được khống chế triệt để; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp sạch, hữu cơ còn hạn chế. Ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ còn chậm; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị mới chỉ diện hẹp trên một số sản phẩm.
Về xây dựng nông thôn: Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, công nghiệp, thương mại, dịch vụ nông thôn còn chiếm tỷ trọng thấp; các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn chậm đổi mới và hoạt động hiệu quả chưa cao. Kinh tế hộ vẫn là chủ yếu, mang tính tự cung, tự cấp, khó tiếp cận với các chính sách hiện hành. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và hiện đại. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh là nội dung mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên việc tổ chức thực hiện còn khó khăn.
Về nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn: Đời sống của người nông dân nhìn chung vẫn còn ở mức thấp, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp thuần túy, giá trị gia tăng thấp, tích lũy để phát triển không được nhiều; đời sống của người nông dân các xã vùng sâu, vùng khó khăn chậm được cải thiện. Nông dân thiếu việc làm, đối với làm nông nghiệp chủ yếu theo thời vụ; khả năng tìm kiếm việc làm khó, trong khi nhu cầu việc làm ngày càng tăng cao. Chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm còn nhiều bất cập, đào tạo chưa gắn chặt với giải quyết việc làm và nhu cầu thị trường…
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả về xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
- Tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản Nghị quyết 26- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết. Đồng thời, rà soát kế hoạch thực hiện, bổ sung, điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, kinh tế tập thể phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.
- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch của huyện, các quy hoạch ngành. Xây dựng mới các quy hoạch chi tiết thiết yếu, nhất là các quy hoạch liên vùng phát triển các sản phẩm chủ lực; tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quy hoạch đã được ban hành; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện quy hoạch.
- Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, triển khai thực hiện thành công tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là phát triển mạnh sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng.
- Tập trung chỉ đạo, cải thiện đời sống mọi mặt cho người nông dân; tạo điều kiện và giúp đỡ nông dân nâng cao hơn nữa vị thế của mình, thực sự là chủ thể xây dựng và hưởng lợi các thành tựu phát triển.
- Đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt để thực hiện Nghị quyết.
- Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng tạo động lực mạnh mẽ hướng tới một nền sản xuất theo hướng hiện đại, bảo đảm nguyên tắc thị trường, phát triển bền vững; đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, gắn với bảo đảm an sinh xã hội.
- Huy động tổng hợp, xã hội hóa nguồn lực, ưu tiên ngân sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò quản lý của các cấp chính quyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát huy sức mạnh các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn.
Thu Hương