Kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế hợp tác xã tỉnh Đắk Nông thời gian qua
Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đã khẳng định: “Kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”.
Đây là sự khẳng định quan trọng của Đảng về vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể trong nền kinh tế nước ta. Đồng thời, Nghị quyết tiếp tục nhấn mạnh quan điểm, tư duy nhất quán đối với việc phát triển kinh tế tập thể, coi “phát triển kinh tế tập thể là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội XI và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cho cả giai đoạn 10 năm 2021 - 2030”.
Đối với Đắk Nông hiện nay, việc vận dụng sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết quan trọng này sẽ làm cho kinh tế tập thể, HTX của tỉnh phát triển, qua đó đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới; HTX đã khẳng định được vai trò quan trọng đối với sản xuất, kinh doanh, đời sống của hàng ngàn thành viên và người lao động, góp phần thúc đẩy dân chủ hoá, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Trong giai đoạn từ 2004 - 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân về Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX); đặc biệt đẩy mạnh công tác thực thi Luật Hợp tác xã 2012, các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật HTX và các Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ban, ngành có liên quan nhằm góp phần khuyến khích khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển. Nhiều sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố đã ký kết chương trình phối hợp phát triển kinh tế tập thể, giai đoạn 2005 - 2010, 2011 - 2015, 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 trong việc phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư vấn phát triển HTX, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, tạo đầu ra cho sản phẩm hàng hóa.
Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 03 Liên hiệp hợp tác xã và 274 hợp tác xã đang hoạt động; trong đó 03 Liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm, 222 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông, lâm nghiệp; tổng vốn điều lệ là 181.650 triệu đồng; bộ máy của các HTX trên địa bàn cơ bản có tổ chức gọn, nhẹ (từ 3 - 5 người) và hoạt động theo mô hình vừa quản lý vừa điều hành; các mặt hàng xuất khẩu trực tiếp của HTX chủ yếu là: Cà phê, Hồ tiêu, Mắc ca, Sachi, Chanh leo và các sản phẩm từ Gấc; thị trường xuất khẩu gồm các nước Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan,… với giá trị xuất khẩu trực tiếp trên 2 triệu USD/năm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX ngày càng mở rộng, phát triển và đạt hiệu quả tốt. Các chỉ tiêu về giá trị kinh tế, thu nộp ngân sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động tăng khá hơn trước, đóng góp vào sự phát triển chung nền kinh tế của tỉnh và khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị cơ sở và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, HTX được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, đơn vị, như: (i) tạo điều kiện cho hơn 110 lượt HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài nước; (ii) hỗ trợ 40 chuỗi liên kết với sự tham gia liên kết của 13 doanh nghiệp và 29 hợp tác xã, Tổ hợp tác, trong đó có 08 chuỗi liên kết hoàn chỉnh theo mô hình chuỗi giá trị (từ cung ứng vật tư, chuyển giao kỹ thuật, thu mua, tiêu thụ sản phẩm); (iii) hỗ trợ 4 hợp tác xã nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, UTZ; (iv) hỗ trợ các hợp tác xã vay vốn ưu đãi từ các Ngân hàng Thương mại và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh; (v) hỗ trợ hơn 630 triệu đồng cho các HTX thành lập mới, ngoài ra, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa hỗ trợ một phần kinh phí cho việc tổ chức Hội nghị ra mắt Hợp tác xã;... (vi) thí điểm xây dựng 5 mô hình HTX kiểu mới theo Quyết định số 167/QĐ-TTg, ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ, cùng nhiều chương trình, dự án khác hỗ trợ HTX.
Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã chú trọng hỗ trợ 02 chính sách, gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho HTX nông nghiệp và tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cụ thể:
Thứ nhất, về hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp: trong giai đoạn 2015 - 2022 đã thực hiện hỗ trợ hơn 20 hợp tác xã với tổng kinh phí từ nguồn dự án VnSat, ngân sách trung ương, ngân sách địa phương trên 111.374 triệu đồng để thực hiện các hạng mục như: xây dựng kết cấu hạ tầng, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, sân phơi, tưới tiết kiệm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bao bì sản phẩm. Qua hỗ trợ đã giúp HTX có được cơ sở vật chất, văn phòng làm việc ổn định, khang trang, rộng rãi, có thêm điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, kết nạp thêm thành viên,…
Thứ hai, chính sách tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội: trong chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, tạo điều kiện để các HTX tham gia vào một số khâu trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; cung cấp các dịch vụ: kiên cố hóa kênh mương nội đồng; trồng và chăm sóc cây xanh đô thị; tham gia xử lý, thu gom rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp tại trung tâm các huyện và khu công nghiệp,…Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 11 hợp tác xã với 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao - 4 sao trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Thông qua các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, số lượng các HTX áp dụng khoa học, công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều, đặc biệt, các HTX nông nghiệp hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Sản phẩm HTX làm ra được hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu.
Tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian qua tỉnh Đắk Nông đã được tuyên truyền, vận động về những lợi ích của chuyển đổi số mang lại đối với tổ chức kinh tế hợp tác và HTX, cán bộ quản lý, thành viên, người lao động trong HTX, nhưng quá trình diễn ra còn chậm, chưa chủ động, nhiều tổ chức kinh tế hợp tác, HTX vẫn chưa xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số cụ thể; năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao; mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp với xu thế phát triển; nguồn lực tài chính và trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX, tỉnh Đắk Nông đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND, ngày 19/7/2023 về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX và giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành; tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể của tỉnh xây dựng những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ về nguồn nhân lực, tài chính trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, hạ tầng thiết bị cơ bản phục vụ chuyển đổi số, hỗ trợ HTX sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số (trong hoạt động quản lý, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm),... hướng dẫn cụ thể, thiết thực hơn nữa, phù hợp với mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh của HTX, giúp HTX có thể áp dụng hiệu quả hơn những hạng mục trong quá trình chuyển đổi số.
Vương Thắm