Kết quả thực hiện công tác giảm nghèo trong đồng bào Dân tộc Thiểu số giai đoạn 2021 - 2023
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 26-CTr/TU, ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình số 26-CTr/TU), Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với nhiều giải pháp và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể, công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm qua từng năm, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ năm 2021 đến nay, sau khi Chương trình số 26-CTr/TU được ban hành, các cơ quan, đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh đến cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với nhiệm vụ của từng đơn vị và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, phân công theo dõi, giúp đỡ đoàn viên, hội viên người đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần. Đồng thời, chú trọng lồng ghép nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Thực hiện mục tiêu về giảm nghèo, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều theo quy định tại Nghị định số 07/NĐ-CP, ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025; năm 2021, toàn tỉnh có 18.290 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,19% trên tổng số hộ toàn tỉnh. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Đắk Nông có 13.342 hộ nghèo (giảm 4.948 hộ so với năm 2021), chiếm tỷ lệ 7,97% (giảm 3,22% so với năm 2021) trên tổng số hộ toàn tỉnh. Trong đó: năm 2021, hộ nghèo đồng bào DTTS chung là 12.789 hộ, chiếm tỷ lệ 27,98% trên tổng số hộ DTTS chung; hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ 5.187 hộ, chiếm tỷ lệ 32,81% trên tổng số hộ DTTS tại chỗ. Đến cuối năm 2022, hộ nghèo đồng bào DTTS chung là 9.589 hộ, chiếm tỷ lệ 20,11% trên tổng số hộ DTTS chung; hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ 3.892 hộ (giảm 1.295 hộ so với năm 2021), chiếm tỷ lệ 24,56% (giảm 8,25% so với năm 2021) trên tổng số hộ DTTS tại chỗ. Như vậy, kết quả đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 16/12/2021 về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra là phấn đấu hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, riêng đồng bào DTTS tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo đến cuối năm 2022 đều giảm, trong đó huyện Đắk Glong tỷ lệ hộ nghèo giảm 14,31%, từ 39,99% xuống còn 25,68%, vượt chỉ tiêu đề ra số hộ nghèo giảm được 2.145 hộ, từ 6.690 hộ xuống còn 4.545 hộ so với năm 2021; huyện Tuy Đức, tỷ lệ hộ nghèo giảm 14,42%, từ 45,20% xuống còn 30,78% vượt chỉ tiêu đề ra, số hộ nghèo giảm 1.340 hộ, từ 5.964 hộ xuống còn 5.624 hộ so với năm 2021.
Bằng nhiều chính sách, các giải pháp, bằng sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc, với nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, từ cộng đồng và từ bản thân các gia đình hộ nghèo, công tác giảm nghèo bền vững đã đạt được rất nhiều kết quả. Đời sống, kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện và nâng cao, trong phát triển kinh tế, đồng bào DTTS bước đầu đã có bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, trong đồng bào DTTS xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ biết áp dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn gặp những hạn chế, như: số hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao, nhiều hộ DTTS thoát nghèo nhưng chưa bền vững; các chính sách, chương trình, dự án triển khai còn chậm, nhiều chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển…
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cấp ủy đảng các cấp cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tập trung tuyên truyền sâu rộng Chương trình nhằm nâng cao nhận thức từ trong nội bộ các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, mục đích của công tác giảm nghèo, cũng như nâng cao nhận thức, quyết tâm vươn lên thoát nghèo của từng hộ nghèo và cận nghèo.
Hai là, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản chi đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và có cơ chế thực hiện lồng ghép hiệu quả 03 Chương trình MTQG: phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, giảm nghèo bền vững và nông thôn mới.
Ba là, việc triển khai, thực hiện Chương trình MTQG phải có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bon, buôn đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn nhất; hỗ trợ trực tiếp đến các hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, thôn, bon, buôn đặc biệt khó khăn.
Bốn là, tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tại địa phương; chú trọng kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao để kịp thời phát hiện và uốn nắn những sai sót trong quá trình thực hiện; đồng thời, nhân rộng và khen thưởng mô hình mới, cách làm hiệu quả.
Năm là, huy động, bố trí nguồn vốn để thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh, chương trình, dự án đầu tư phát triển, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các buôn, bon có đông đồng bào DTTS và thực hiện tốt công tác kêu gọi, thu hút các nguồn vốn để đầu tư cho các bon, buôn đã được quy hoạch. Trước mắt cần ưu tiên vốn đầu tư cho các bon, buôn chưa được đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo cao và trọng điểm về an ninh trật tự.
Phạm Lục